Nỗi niềm sinh viên ngoại tỉnh "mắc kẹt" vì giãn cách
Hơn 20.000 hộ nghèo và sinh viên khó khăn tiếp cận "Siêu thị 0 đồng" do người trẻ đảm nhận Những chính sách giáo dục có hiệu lực từ 1/8 Gần 100 thí sinh được tuyển thẳng vào Đại học Y Hà Nội |
Cầm cự qua ngày
Vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp, ra trường đúng lúc dịch Covid -19 hoành hành, Phạm Thị Tuyết (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) vẫn chưa kịp có một công việc ổn định. Dự định sẽ về quê để tìm việc làm nhưng chưa kịp thực hiện thì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, TP Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16 giãn cách xã hội để phòng dịch, Tuyết cũng không thể về quê.
Sinh viên thực hiện giãn cách xã hội trong căn phòng trọ nhỏ, vật lộn với cái nóng gay gắt ở Thủ đô |
Tuyết chia sẻ: “Cuộc sống của sinh viên ngoại tỉnh như mình thật sự khó khăn khi giá cả thực phẩm ở chợ dân sinh tăng cao mà hàng hóa lại khan hiếm. Được phát thẻ đi chợ, mỗi tuần mình chỉ đi 1 lần để mua những thứ thiết yếu nhất. Thu nhập không có nên mọi chi tiêu lúc nào cũng phải căn ke, tính toán kỹ lưỡng. Cũng may, chủ nhà trọ thương tình hỗ trợ giảm cho chúng mình 200.000 đồng/tháng tiền nhà nhưng việc nhà nhiều tiền điện, nước lại tăng gấp bội”.
Đây cũng là hoàn cảnh chung của nhiều sinh viên bị kẹt lại thành phố do dịch bệnh. Hoạt động giao thông vận tải bị hạn chế nên gia đình cũng không thể gửi hàng hóa, thực phẩm lên trợ cấp cho.
Ngăn tủ lạnh trống trơn vì không có tiền đi chợ... |
“Gia đình ở quê cũng vì dịch bệnh mà không có nguồn thu nhập nên mình đành cố gắng tự lo, tiết kiệm nhất có thể. Có những khi gọi về tâm sự với mẹ rằng con vẫn ổn nhưng thực ra mình đang mong mỏi từng ngày để được về với mẹ, được ăn bữa cơm nhà thân quen, đầy đủ như xưa”, Nguyễn Thúy Hạnh, sinh viên năm thứ ba Học viện Ngân hàng bộc bạch.
Vật lộn với cái nóng gay gắt trong phòng trọ
Những ngày này, Hà Nội bước vào đợt nắng nóng diện rộng. Cái nóng oi ả xuyên qua những dãy nhà trọ sinh viên. Bên trong đó là những bạn trẻ đang bị mắc kẹt, ở nhà cả ngày với bốn bức tường nóng như thiêu như đốt.
Nguyễn Thu Hường - sinh viên năm 3 tại trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ (Hà Nội) chia sẻ: “Nghỉ hè này mình định về thăm gia đình vì quê ở xa nhưng dự định đó cũng đành hoãn lại do dịch bệnh. Hiện tại chưa vào năm học mới, cửa hàng đóng cửa nên mình cũng mất việc làm. Cả ngày mình ở trong phòng trọ rộng chừng 15 mét vuông. Ánh nắng rọi vào đây từ sáng sớm, nóng bức vô cùng. Đến tối, hơi nóng từ 4 bức tường và trần nhà phả ra, cảm giác căn phòng nhỏ như một chiếc hộp đang bị ai đốt âm ỉ”.
Dãy nhà trọ sinh viên đìu hiu trong cái nắng nóng gay gắt của ngày hè thời điểm Hà Nội đang thực hiện giãn cách để phòng dịch |
Không có điều kiện lắp điều hòa, hai chiếc quạt cây trong phòng Hường dù chạy hết công suất cả ngày cũng không xua đi được hơi nóng oi ả. Để chống chọi với nắng nóng, nữ sinh phải lấy chậu nước đặt trước quạt nhưng cũng chỉ dịu đi được một lúc. “Thậm chí, mình phải để sẵn một ít nước cạnh giường. Đêm ngủ cứ cách chừng năm phút, mình lại nhúng chân tay vào nước cho mát”, Hường kể.
Khó khăn là thế nhưng các bạn trẻ vẫn hết mình ủng hộ công cuộc chống dịch của thành phố. Bởi hơn ai hết, những người trẻ hiểu được rằng ngày Hà Nội hết dịch sẽ là ngày các được về với gia đình, được đến trường thay vì nơm nớp lo sợ. Những sinh viên như Hường, Tuyết… tuy không thể gặp nhau nhưng mỗi ngày đều nhắn tin, trò chuyện, động viên để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Tuyết tâm sự: “Ở phòng trọ lướt mạng xã hội, mình thấy không ít bạn trẻ chia sẻ hoàn cảnh và nhờ sự giúp đỡ trong các hội, nhóm cộng đồng. Bản thân cũng đang ở trong tình cảnh tương tự không thể giúp được gì nên thứ duy nhất mình có thể cho đi là sự đồng cảm và những lời hỏi thăm”.
Nhận thấy trên địa bàn Thủ đô còn số lượng lớn sinh viên bị mắc kẹt trong các khu nhà trọ, kí túc xá, Thành đoàn Hà Nội, Hội Sinh viên thành phố và các đội sinh viên tình nguyện, đơn vị, tổ chức đã có nhiều hoạt động ý nghĩa hỗ trợ sinh viên. Điển hình là mô hình “Siêu thị 0 đồng” phổ biến rộng rãi và được nhiều sinh viên hưởng ứng.
Mô hình vừa được triển khai thí điểm tại UBND phường Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm) để hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Dự kiến, tới đây mô hình sẽ được nhân rộng đến khoảng 20 địa điểm trên toàn thành phố.