NSƯT Lê Chức: Bắt đầu từ người trẻ, ơn nghĩa sinh thành sẽ bền lâu hơn
Chương trình nghệ thuật đặc biệt nhân mùa Vu Lan với chủ đề “Ơn nghĩa sinh thành” diễn ra lúc 20h15 ngày 10/8/2022 (tức ngày 13/7/2022 Âm lịch) tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, số 91 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội do Báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với Oscar Media, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC tổ chức.
Là những câu chuyện kể bằng âm nhạc về lòng biết ơn, tình cảm gia đình thiêng liêng, chương trình ca nhạc gồm 3 phần. Theo đó, trong phần chuyển tiếp giữa các phần là lời bình ý nghĩa của NSƯT Lê Chức và phóng sự về các hoạt động bên lề của báo Tuổi trẻ Thủ đô.
NSƯT Lê Chức chia sẻ về chữ hiếu, về tác phẩm của ông sẽ trình diễn trong chương trình nghệ thuật báo hiếu cha mẹ nhân mùa Vu lan "Ơn nghĩa sinh thành" |
Xúc động chia sẻ về chương trình, NSƯT Lê Chức, cố vấn nghệ thuật chương trình tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên để làm nghệ thuật, trong một gia đình có 32 nghệ sĩ. Bố tôi mất năm 1996, mẹ mất năm 2005. Lúc ấy trong tôi là sự hẫng hụt khủng khiếp.
Nhà văn Gorki đã từng nói: “Không có người mẹ, không có anh hùng” để nhấn mạnh đến ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, quý giá của ơn nghĩa sinh thành, của người cha, người mẹ. Tôi cho rằng, khi bắt nguồn từ tuổi trẻ, ơn nghĩa sinh thành sẽ lâu bền hơn. Tuổi trẻ hôm nay là tuổi trẻ rất khác, tuổi trẻ của thế hệ 4.0. Chính vì vậy, chương trình mang ý nghĩa của tâm linh, ý nghĩa của tình thân, máu thịt tạo nên con người”.
NSƯT Lê Chức - giọng đọc quý hiếm của nghệ thuật Việt Nam là người viết kịch bản đồng thời là người thể hiện lời bình cho các phóng sự trong chương trình “Ơn nghĩa sinh thành” nên ông rất tâm huyết với hoạt động nghệ thuật đầy ý nghĩa mùa Vu lan này.
Tại “Ơn nghĩa sinh thành”, tiết mục của ông chỉ 7 phút thôi nhưng ông tin là đủ vì là lời của người mồ côi thay cho những người mồ côi khác: “Bay lên với bầu trời xanh nắng vàng rực rỡ. Đó là mong ước của mẹ của cha về cuộc đời của con. Con chao liệng trên quê hương tươi đẹp. Lớn lên với những khát vọng làm người. Cùng bao thế hệ nối tiếp nhau dựng xây đất nước. Tình cha nghĩa mẹ ơn đức sinh thành vừa như cổ tích vừa như sự thực của cuộc đời này”.
Giọng đọc, tâm huyết và tình cảm của NSƯT Lê Chức gửi gắm qua từng câu chữ, đặc biệt là tiết mục của ông chắc chắn sẽ là một trong những yếu tố làm nên sự thành công của chương trình "Ơn nghĩa sinh thành".
NSƯT Lê Chức chia sẻ tại buổi họp báo về chương trình nghệ thuật "Ơn nghĩa sinh thành" do báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với Oscar Media, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC tổ chức |
Đạo diễn, NSƯT Lê Chức (tên đầy đủ là Lê Đại Chức) sinh năm 1947 tại Hải Phòng, quê gốc ở Thọ Xuân (Thanh Hóa).
Nghệ sĩ Lê Chức sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật ở Hải Phòng. Cha ông là nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng Lê Đại Thanh. Mẹ của ông tuy không là nghệ sĩ chuyên nghiệp nhưng đam mê đóng kịch và là người đầu tiên thể hiện thành công hình tượng người nữ Anh hùng Võ Thị Sáu trên sân khấu kịch Hải Phòng năm 1956.
Hơn nửa thế kỷ hoạt động nghệ thuật, đạo diễn, NSƯT Lê Chức đã chinh phục trái tim hàng triệu khán thính giả ở nhiều chương trình nghệ thuật lớn cũng như hàng trăm bộ phim tài liệu, phóng sự trên sóng phát thanh, truyền hình.
Bên cạnh việc sở hữu “giọng đọc vàng”, ông còn là một nghệ sĩ đa tài khi là tác giả, đạo diễn của đủ các loại hình kịch hát dân tộc như chèo, cải lương, kịch nói... Với vai trò đạo diễn, ông đã dàn dựng hai tác phẩm âm nhạc thanh xướng kịch lớn cho Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam là “Hoa Lư - Thăng Long, bài ca dời đô” của Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho và “Định mệnh bất chợt” của nhà soạn nhạc người Pháp gốc Việt Nguyễn Thiện Đạo. Ông cũng từng được trao giải Nhì Giải thưởng của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam năm 1996 cho kịch bản thơ - múa “Hoa ấy - Tình yêu” cùng với Nghệ sĩ Nhân dân Đoàn Long.
NSƯT Lê Chức tại buổi gặp mặt báo chí chương trình nghệ thuật báo hiếu cha mẹ nhân mùa Vu lan "Ơn nghĩa sinh thành" |
NSƯT Lê Chức từng giữ nhiều cương vị quản lý quan trọng trong ngành sân khấu nước nhà như: Giám đốc Nhà hát Cải lương Trung ương (nay là Nhà hát Cải lương Việt Nam), Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
Gần đây nhất, vở rối "Thân phận nàng Kiều" (đạo diễn: NSND Nguyễn Tiến Dũng) do ông và nhà văn Nguyễn Hiếu viết kịch bản đã đoạt 10 giải thưởng tại Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế lần thứ 4 (4 Huy chương Vàng, 6 Huy chương Bạc) và được công diễn tại Nhà hát Lớn, rạp Hồng Hà (Hà Nội) nhân dịp tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du (1820 - 2020).