Hãy luôn đặt tay lên trái tim để nhớ về “Ơn nghĩa sinh thành”
Da diết những giai điệu "Ngãi mẹ sinh thành" |
Mỗi mùa Vu lan đến, người ta thường tổ chức nhiều lễ nghi cũng là để trong trái tim mỗi người được nhân lên những yêu thương, biết ơn của mình đối với đấng sinh thành. Bên cạnh đó cũng là lời nhắc nhở đau đáu trong tim, phải sống làm sao cho "tròn chữ hiếu". Yêu thương không chỉ để trong lòng mà còn phải thể hiện ra bằng hành động.
Chương trình "Ơn nghĩa sinh thành" được tổ chức vào trung tuần tháng 7 những năm trước đã ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng người Việt về đạo hiếu mỗi dịp lễ Vu lan |
Chữ hiếu xưa kia được quan niệm rằng phải "thờ mẹ, kính cha" hoặc "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy". Còn ngày nay, chữ hiếu được mở rộng biên độ hơn. Học giỏi giang thành đạt để bố mẹ vui cũng là hiếu. Trở thành người tốt, có ích cho xã hội khiến bố mẹ tự hào, yên tâm về sự trưởng thành của con cái cũng là hiếu. Phụng dưỡng, chăm sóc bố mẹ khi về già, luôn "sớm thăm tối viếng mới đành dạ con" cũng là hiếu. Có trăm nghìn cách bộc lộ lòng hiếu kính của con cái với cha mẹ, giống như lời thơ: "Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc / Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không".
Mỗi mùa Vu lan đến, nhiều người được hỏi đều bày tỏ rằng báo hiếu cha mẹ không nhất thiết cứ phải đợi đến rằm tháng bảy. Có nhà thơ còn đưa lên mạng xã hội câu thơ của mình đầy da diết: "Cả đời là tiết Vu lan / Con thời bất hiếu, mẹ ngàn lần đau...".
Mùa Vu lan là một dịp để người ta tưởng nhớ lại công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, hồi tưởng lại hình ảnh cha mẹ đã không còn, cảm nhận sâu sắc nỗi đau đã không còn "cây cao bóng cả" để dựa vào, đồng thời nhắc mình phải làm nhiều việc có ý nghĩa hơn, quan tâm, yêu kính cha mẹ đang còn sống.
Mang trong mình một niềm biết ơn vô bờ với mẹ cha, đạo diễn Mai Thanh Tùng từ nhiều năm nay, cứ dịp tháng 7 âm lịch đến là anh lại tất bật với chương trình “Ơn nghĩa sinh thành”. Công cha nghĩa mẹ có thể trả hết được không, chắc chắn là không bao giờ và cũng không thể trả một lần cho đủ. Với mỗi chương trình anh lại gửi gắm vào đó lòng tưởng nhớ bậc sinh thành đã không còn trên dương thế. Đó là tiếng lòng của anh, cũng là tiếng lòng của hàng triệu, hàng tỉ người con trên cõi nhân gian này.
Trong 3 năm liền, từ 2017-2019, chương trình “Ơn nghĩa sinh thành” tổ chức tại Hà Nội đã tạo được tiếng vang lớn. Đây là giây phút để những người thân yêu được ngồi lại với nhau, lắng nghe lời ca tiếng nhạc để cảm nhận không khí gia đình hay những người con ở bốn phương trời được gửi gắm nỗi nhớ mong của mình với cha mẹ già nơi quê nhà yêu dấu.
Rất nhiều nước mắt, rất nhiều nụ cười đọng lại sau chương trình nhưng hơn cả, đó là tình thân ái trong những người ruột thịt được gắn bó nhiều hơn. Đó cũng là hạnh phúc của người tâm huyết làm nên chương trình này, đạo diễn Mai Thanh Tùng và ekip của mình.
Hai năm nay, vì tình hình dịch bệnh, “Ơn nghĩa sinh thành” không được tổ chức khiến nhiều khán giả cảm thấy tiếc nuối. Đạo diễn Mai Thanh Tùng cũng vì thế mà canh cánh trong lòng. Đạo hiếu là truyền thống từ ngàn đời của dân tộc ra. Dù vậy, trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay không phải không có những chuyện đau lòng khi con cái ngược đãi cha mẹ. Chính vì thế, chữ hiếu vẫn cần phải được tôn vinh, nhắc lại thật nhiều trong đời sống.
Mỗi một việc tốt, mỗi một hành động, công sức, tâm trí đều như một giọt nước tiếp thêm vào biển cả lương tri để lay động, nhắc nhở trái tim yêu thương, lòng biết ơn trong mỗi con người. Chương trình “Ơn nghĩa sinh thành cũng như vậy”. Không góp thêm được “giọt nước” nào, Mai Thanh Tùng chìm trong nỗi day dứt.
Một ngày kia, anh trở về ngôi nhà thuở nhỏ ở Nam Định, dù cha mẹ không còn, anh vẫn trùng tu, sửa sang để mái ấm khi xưa lúc nào cũng có hơi người. Thấy mình không còn “cây cao bóng cả” để dựa vào, bất giác trong lòng Mai Thanh Tùng bật lên “Tiếng gọi mẹ cha” bằng những câu thơ:
Tôi trở về đây với mái nhà xưa,
Một thời kỉ niệm ngày xưa thơ ấu,
Những buổi trưa hè ắp tiếng ve,
Cha ngồi đan lứa, mẹ khâu áo
Bữa ăn bữa nhịn cơm, cơm độn khoai
Dáng mẹ còng lưng heo hắt giữa cánh đồng
….
Tôi trở về đây ngày hôm nay
Hình bóng mẹ cha khuất trong sương.
Vẫn mái nhà xưa nhưng vắng lặng,
Cánh cổng khép hờ chẳng có ai.
Ước gì thời gian quay trở lại,
Để được gọi to Mẹ ơi con đã về!
Bài thơ này được mọi người rất chia sẻ, đồng cảm. Nhạc sĩ Tuấn Hồ, một người em “kề vai sát cánh” với Mai Thanh Tùng lâu năm, thấu hiểu tình cảm của anh nên đã chắp bút, phổ nhạc. Tuấn Hồ là người ghi dấu ấn với nhiều ca khúc được khán giả yêu mến như "Lớn lên cùng mẹ", "Đồng lòng Việt Nam", "Mẹ thân thương"... Anh cũng từng hợp tác với đạo diễn Mai Thanh Tùng trong chương trình "Thương lắm miền Trung", MV "Tự hào Việt Nam"…
Nhạc sĩ Tuấn Hồ (bên trái) và đạo diễn Mai Thanh Tùng |
Tuấn Hồ cho biết: “Tôi rất khâm phục khả năng sáng tạo của đạo diễn Mai Thanh Tùng. Trong những lần hợp tác trước đây, anh luôn là một người thủ lĩnh dày dặn kinh nghiệm, xứng đáng là người “thắp lửa” cho mọi chương trình. Đây là lần đầu tiên anh Tùng tham gia sáng tác một bài hát.
Khi mới đọc phần lời, tôi đã rất xúc động, dường như đó cũng là tâm sự của những người con như tôi. Hai anh em đã bắt tay làm việc say sưa, và chỉ sau một đêm bài hát đã được hoàn thiện. Hy vọng mọi người sẽ đón nhận và cổ vũ cho tinh thần cống hiến hết mình vì nghệ thuật của anh em chúng tôi”.
Đến lễ Vu lan này, MV “Tiếng gọi mẹ cha” chính thức ra đời. Đây lại là món quà nữa mà Mai Thanh Tùng gửi đến đấng sinh thành của mình, cũng là món quà mà anh thay mặt những người con trên toàn đất Việt gửi đến cha mẹ của mình.
Đạo diễn Mai Thanh Tùng tự thể hiện ca khúc "Tiếng gọi mẹ cha" để thể hiện trọn vẹn tiếng lòng của mình |
Đáng chú ý, bài hát do anh tự thể hiện với lời bộc bạch: “Tôi rất hiếm khi hát, thậm chí không biết hát, vì tôi là đạo diễn và không phải ca sĩ. Tuy nhiên, tôi vẫn sẽ hát thật to tiếng lòng của mình thông qua bài hát do chính mình sáng tác Bài hát là tâm sự cuộc đời tôi và có lẽ sẽ là tâm sự của nhiều người. Với món quà nhỏ này, tôi xin được tri ân cha mẹ của mình và cha mẹ mọi người nhân mùa Vu lan. Tôi mong rằng những ai may mắn đang còn cha mẹ, xin hãy phụng dưỡng và chăm sóc khi còn có thể...”.
Mỗi lần nói đến cha mẹ là một lần Mai Thanh Tùng rưng rưng nước mắt. “Đức cù lao” to lớn thế, mà có bao giờ mỗi người tự hỏi mình đã làm gì để báo đáp? Vì thế, nơi trái tim cứ trĩu nặng một niềm thương để ta đặt tay lên mỗi mùa báo hiếu. Thông qua tác phẩm này, Mai Thanh Tùng cũng muốn truyền đi thông điệp hãy báo hiếu mẹ cha quanh năm khi còn có thể.
Đặc biệt, tiết Vu lan cũng là lúc để người ta điểm lại những gì mình đã làm hoặc chưa làm được cho bố mẹ, đừng để "Lúc sống thì chẳng cho ăn / Đến khi chết lại làm văn tế ruồi" như ca dao xưa đã nói. Mùa Vu lan lại đến, dù ai vội vã, dù ai bận rộn, xin hãy lắng lòng mình để về bên cha mẹ, thấy lại cảm giác bé bỏng bên vòng tay thân yêu như thuở còn thơ bé.
Cùng với đó, Mai Thanh Tùng cũng mong muốn, dịch bệnh mau chóng qua đi, để niềm yêu nghệ thuật cháy bỏng trong anh sẽ tiếp tục được kết tinh thành những sản phẩm, chương trình cụ thể, cống hiến cho khán giả nhiều hơn, đặc biệt là chương trình ý nghĩa và uy tín như “Ơn nghĩa sinh thành”.
Chương trình "Trái tim Việt Nam" kỉ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
VTV3 ra mắt chương trình mới "Hãy yêu nhau đi" |
Hà Nội mùa Vu lan lặng lẽ |