Nữ giáo viên sẻ chia, truyền cảm hứng cho những người kém may mắn
Tháo gỡ rào cản giúp người khuyết tật tiếp cận việc làm Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật |
Chị Đinh Thị Quỳnh Nga |
Vượt lên hoàn cảnh
Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo, đông anh em ở xã Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), chị Quỳnh Nga không được may mắn như bạn bè đồng trang lứa khi bị khuyết tật vận động từ lúc mới được 6 tháng tuổi. Sự khiếm khuyết ấy cuộc sống của chị là những khó khăn nối tiếp khó khăn. Có nhiều lúc, chị Nga tưởng chừng như mình không vượt qua nổi.
Chị Nga chia sẻ: “Gia đình nghèo, đông anh em nên để có tiền đi học, mình phải tự đi bán nước. Đã có lúc mình nghĩ phải nghỉ học nhưng bản thân đã không được hoàn chỉnh như mọi người, không học sẽ càng vất vả hơn, cuộc sống rồi sẽ ra sao? Nghĩ vậy nên mình cố gắng theo học đến cùng”.
Rồi ngày tốt nghiệp khoa Mỹ thuật, trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội cũng đến với cô gái trẻ đầy ước mơ, khát vọng ấy. Tuy nhiên, công cuộc tìm kiếm việc làm không đơn giản. Vì khiếm khuyết của mình, đi đến đâu chị Nga cũng chỉ nhận được cái lắc đầu từ chối.
Không bỏ cuộc, cô sinh viên vừa tốt nghiệp mạnh dạn làm đơn gửi Phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn. Để chuẩn bị cho kỳ thi xét tuyển công chức, chị Nga liên hệ với bạn bè đang dạy học để xin được dự giờ, dạy thử… Có những lúc rớt nước mắt vì mặc cảm, tự ti nhưng rồi bao khó khăn cũng qua đi khi quả ngọt đến. Chị Nga đạt điểm cao thứ 5 toàn huyện và nhận quyết định công tác tại Trường Nuôi dưỡng và Giáo dục trẻ em tàn tật huyện Sóc Sơn.
Hành trình khởi nghiệp
Từ một giáo viên đứng lớp, cô gái trẻ mang trong mình nghị lực phi thường và luôn nỗ lực vượt lên hoàn cảnh lại có thêm niềm đau đáu khi chứng kiến hầu hết học sinh khi ra trường không có việc làm để trang trải cuộc sống. Chị Nga trăn trở phải làm sao tạo việc làm cho nhiều người có hoàn cảnh như mình.
Đó là lý do khiến năm 2015, chị Đinh Thị Quỳnh Nga thành lập Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng để tạo việc làm cho những người kém may mắn, đặc biệt là người khuyết tật ở huyện Sóc Sơn và học sinh của chị khi ra trường.
Để chứng minh người khuyết tật cũng có khả năng làm việc nếu biết khai thác đúng lợi thế, chị Nga đã lặn lội đến từng nhà học sinh thuyết phục gia đình cho con em vào hợp tác xã. Bên cạnh đó, chị còn hỗ trợ các em tiền ăn, ở để các em có động lực tham gia. Thời gian đầu để có tiền trang trải ăn ở cho gần 30 học viên, ngoài đồng lương giáo viên ít ỏi, chị phải đi bán hàng nước và nhận đi dạy thêm. “Bản thân các em là những người khuyết tật. Vì vậy, việc đào tạo nghề rất khó khăn, mình cần phải kiên trì, cầm tay chỉ việc. Tuy nhiên, mình chưa khi nào chùn bước”, chị Nga bộc bạch.
Ngoài ra, với vai trò chi hội trưởng chi hội phụ nữ khuyết tật huyện Sóc Sơn, chị Nga đã giúp nhiều phụ nữ cùng hoàn cảnh có việc làm, tự tin khẳng định bản thân. Hiện, hợp tác xã của chị thường xuyên có khoảng 40 người khuyết tật làm việc, trong đó có 28 phụ nữ.
Để có đầu ra thuận lợi, hợp tác xã đã tham gia nhiều hội chợ trưng bày, giới thiệu và bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Đây là cách giúp chị tiếp cận với nhiều khách hàng tiềm năng và có cơ hội quảng cáo sản phẩm miễn phí. Không chỉ vậy, hợp tác xã cũng đẩy mạnh kênh bán hàng online. Các sản phẩm cũng đa dạng hơn, bao gồm tấm khoác ghế ô tô, đệm lót văn phòng, vòng đeo tay, dây đeo cổ…
Sau 5 năm, hợp tác xã đang hoạt động ở 6 lĩnh vực như: Thủ công mỹ nghệ, in ấn, trồng nấm… Đây đều là những công việc phù hợp với sức khỏe và khả năng của những người khuyết tật.
Chị Quỳnh Nga (thứ tư từ trái sang) trong buổi lễ tuyên dương gương mặt phụ nữ Thủ đô tiêu biểu |
Dự án bảo vệ môi trường và mong ước giúp được nhiều người hơn nữa…
Mới đây, chị Nga đã có ý tưởng tái chế các phế phẩm từ gỗ hương thành chất đốt bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe cho mọi người. “Mình thấy các xưởng chế tác hạt gỗ thải ra nhiều phế phẩm, đồng thời các phế phẩm nông, lâm nghiệp trên địa bàn rất nhiều, không xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường. Do đó, mình đã nghiên cứu ra sản phẩm “than hoạt tính thân thiện môi trường” từ nguyên liệu gỗ, không khói, không mùi và không độc hại để người dân sử dụng hằng ngày, có thể thay thế than tổ ong. Điều quan trọng là ý tưởng này tạo việc làm cho 10 người khuyết tật”, chị Đinh Thị Quỳnh Nga nói.
Với những tiện ích trên, dự án khởi nghiệp với sản phẩm “than hoạt tính thân thiện môi trường” được Hội LHPN thành phố Hà Nội vinh danh là một trong 10 sản phẩm sáng tạo của phụ nữ Thủ đô năm 2020.
Trong số gần 40 lao động khuyết tật đang làm việc tại Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng, thường xuyên có 6 - 10 em đang là học sinh của chị Nga. Hằng ngày, sau giờ lên lớp, chị lại dành thời gian hướng dẫn những người khuyết tật học may, làm đồ gỗ...
Ngôi nhà của chị Đinh Thị Quỳnh Nga vừa là trụ sở của hợp tác xã, vừa là nơi học sinh của chị và người ở xa đến học nghề, làm việc, lưu trú. Không chỉ vậy, ít ai biết được, mỗi tháng chị Nga vẫn dùng tiền lương giáo viên để hỗ trợ bữa tối cho người lao động, học sinh và hỗ trợ các trường hợp phụ nữ yếu thế khác trong huyện.
Nỗ lực vượt lên trong cuộc sống và luôn tâm huyết giúp đỡ người khuyết tật, chị Đinh Thị Quỳnh Nga là tấm gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước, được thành phố tôn vinh năm 2018. Mới đây, chị là một trong 10 tấm gương phụ nữ Thủ đô tiêu biểu được tuyên dương nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam.
Khi được hỏi động lực nào thôi thúc chị làm những nghĩa cử cao đẹp ấy, chị Nga khiêm tốn chia sẻ: “Nhiều học sinh của mình không nói được nhưng từ đôi tay đến ánh mắt đều bày tỏ lòng yêu mến và rất vui khi được làm việc ở đây. Đó là niềm hạnh phúc của mình. Mình mong muốn giúp được nhiều người khuyết tật hơn nữa vươn lên trong cuộc sống”.