Tháo gỡ rào cản giúp người khuyết tật tiếp cận việc làm
Nhiều hoạt động kết nối, hỗ trợ để người khuyết tật được hướng dẫn, tư vấn, thể hiện nguyện vọng và năng lực nhằm tìm việc làm phù hợp
Bài liên quan
Hưng Yên: Nỗ lực “kiến tạo” việc làm cho người lao động
Lo ngại nguy cơ tổn thất việc làm trên quy mô lớn
Thị trường lao động thế giới khó hồi phục đến hết năm 2021 do đại dịch Covid-19
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật cao trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới với khoảng 6,2 triệu người. Trong số này, có khoảng 2 triệu người khuyết tật đang trong độ tuổi lao động và chỉ có 30% đang tham gia lao động tạo thu nhập cho bản thân và gia đình.
Theo thống kê của các trung tâm dịch vụ việc làm trong 2 năm 2017 và 2018 đã tư vấn giới thiệu việc làm cho 5,6 triệu lượt người lao động. Trong đó, 1,7 triệu lượt người lao động tìm được việc làm, bao gồm cả lao động là người khuyết tật. Người khuyết tật chủ yếu làm các nghề nông - lâm - ngư nghiệp, có thu nhập rất thấp so với các công việc khác.
Đặc biệt, khoảng 10% số người khuyết tật đã được đào tạo nghề theo các trình độ nhưng chủ yếu ở trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng, vì vậy, số người khuyết tật tìm được việc làm còn ít. Người lao động khuyết tật còn rất khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi tạo việc làm.
Để giải quyết vấn đề việc làm cho người khuyết tật, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều đề án, chính sách về an sinh xã hội, tạo việc làm, dạy nghề cho người khuyết tật. Nhiều văn bản đã nhà nước ban hành, trong đó đáng chú ý là Quyết định số 899/QĐ-TTg “Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020”. “Hỗ trợ tạo việc làm cho người khuyết tật” là một nội dung quan trọng trong Dự án Phát triển thị trường lao động và việc làm thuộc chương trình này.
Các sở ban ngành của thành phố Hà Nội cũng đã thực hiện triển khai tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND, ngày 8/7/2019 của HĐND thành phố về “Quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống của thành phố Hà Nội” với các kế hoạch, đề án cụ thể nhằm trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn thành phố.
Hội Người khuyến tật thành phố Hà Nội cũng đã thành lập Ban Thanh niên để giúp thanh niên khuyết tật tìm việc làm. Thời gian qua, Hội đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho người khuyết tật sử dụng thoại thông minh (smartphone) có thể kết nối với Internet gọi qua tổng đài của Telepro để kết nối đến với khách hàng tiềm năng nhằm khảo sát nhu cầu hoặc tư vấn sản phẩm theo kịch bản có sẵn hiện trên màn hình điện thoại. Đây được xem là hướng giải pháp kiếm tìm việc làm cho người khuyết tật theo xu hướng công nghệ 4.0 hiện nay.
Trước đó, năm 2018, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cũng đã ký hợp đồng đặt hàng với 28 cơ quan, đơn vị với tổng kinh phí là 12,5 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động hỗ trợ lao động di cư, hỗ trợ tạo việc làm cho lao động thanh niên, người dân tộc thiểu số, phụ nữ nghèo nông thôn và người khuyết tật.
Hằng năm, hướng đến ngày Người khuyết tật 18/4, Trung tâm Dịch vụ việc làm và Hỗ trợ thanh niên Hà Nội phối hợp Hội Người khuyết tật của Thủ đô tổ chức “Ngày hội việc làm hòa nhập người khuyết tật” nhằm tư vấn, tuyển dụng lao động, tuyển sinh học nghề dành cho lao động yếu thế, người khuyết tật lần thứ 8 được tổ chức năm 2019. Chương trình có sự tham gia của gần 50 đơn vị, doanh nghiệp, với hàng trăm chỉ tiêu tuyển dụng lao động, chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo dạy nghề cho người khuyết tật trình độ đại học, cao đẳng, công nhân kỹ thuật và nhiều vị trí lao động hấp dẫn đa dạng các lĩnh vực, ngành nghề.
Mặc dù do những khiếm khuyết của bản thân khiến cho người khuyết tật gặp khó khăn hơn so với những người bình thường khác khi tham gia vào các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội nhưng người khuyết tật cần phải được đảm bảo sự bình đẳng, được tôn trọng, được cống hiến, được khẳng định giá trị cá nhân. Đảm bảo việc làm và thu nhập cho người khuyết tật sẽ giúp dần xóa bỏ sự kỳ thị, thiếu tôn trọng đối với người khuyết tật trong xã hội.