Ô nhiễm “trắng” - vấn đề không của riêng một quốc gia
Rác thải nhựa bị bỏ lại bên một bờ biển tại Thái Lan
Rác thải nhựa đang tàn phá nghiêm trọng môi trường tự nhiên và cuộc sống con người, gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước đô thị, ô nhiễm các dòng sông và đại dương, làm trầm trọng thêm tình hình lũ lụt.
Ở nhiều quốc gia, lệnh cấm hoặc hạn chế túi nhựa đã được thực thi triệt để. Tại London, các nhà bán lẻ cam kết không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; các siêu thị ở New Zealand thì không dùng túi nhựa để đựng hàng bán cho khách; nhiều siêu thị ở Hà Lan đã đồng loạt hành động để “không có sự xuất hiện của túi nhựa”.
Tại Vương quốc Anh, sau khi Chính phủ áp đặt phụ phí đối với túi nhựa năm 2015 số lượng sản phẩm tiện dụng này đã giảm một cách nhanh chóng.
Tại vùng Scandinavia, Đan Mạch là quốc gia đầu tiên trên thế giới đã áp dụng chính sách thuế đối với túi nhựa. Gần đó, Thụy Điển cũng ban hành các lệnh cấm nghiêm ngặt đối với sản phẩm nhựa dùng một lần. Na Uy kết hợp các chương trình ký gửi chai nhựa với các ưu đãi của nhà sản xuất dựa trên thuế để thay đổi hành động của người tiêu dùng vì mục tiêu phát triển bền vững.
Chung tay giải quyến ô nhiễm "trắng" là vấn đề cấp bách toàn cầu hiện nay |
Ở một số quốc gia châu Á, nhiều lệnh cấm được đưa ra và thu được có những kết quả ban đầu nhưng cũng đe dọa một số ngành công nghiệp liên quan. Trong tháng đầu tiên thực hiện lệnh cấm của Chính phủ, một nhà máy sản xuất túi nhựa ở ngoại ô Bangkok (Thái Lan) đã giảm 90% đơn đặt hàng, ảnh hưởng đến hàng trăm lao động.
Nhiều doanh nghiệp tại quốc gia này cho rằng, lệnh cấm khiến quá trình sản xuất sản phẩm mới sẽ tăng lên thay vì tái chế. Mặc dù các lệnh cấm và những quy định về đóng gói đã giải quyết phần nào lượng tiêu thụ túi nhựa nhưng vấn đề vẫn không được giải quyết triệt để.
Thấy rõ sự ảnh hưởng trực tiếp của rác thải nhựa đến cuộc sống, một bộ phận lớn người dân đã không chấp nhận quốc gia của họ là nơi tái chế rác nhựa. Nhiều người đã lên tiếng chỉ trích các chương trình nhập khẩu chất thải về tái chế, đặc biệt là ở Philippines, Malaysia và Trung Quốc.
Tháng Hai vừa qua, Singapore đã thông qua các chính sách chặt chẽ hơn về vận chuyển xuyên biên giới của một số loại chất thải nhựa. Indonesia gần đây đã công bố những nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm nhựa vào năm 2040 thông qua thiết kế lại sản phẩm, phạm vi thu gom chất thải rộng hơn và đẩy mạnh khả năng xử lý chất thải từ đầu nguồn.
Nhiều công dân các quốc gia đang phát triển ở Đông Nam Á đã nhận thức vấn đề bảo vệ môi trường đồng nghĩa với việc bảo vệ cuộc sống của họ. Hành động để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, ngoài các lệnh cấm sử dụng nhựa dùng một lần bằng các công cụ chính sách của Chính phủ rất cần ý thức chung tay của cả cộng đồng và trách nhiệm của mỗi cá nhân.
Tại Việt Nam, nhận thức của mọi người về ô nhiễm nhựa đang gia tăng và yêu cầu về trách nhiệm của lĩnh vực công và tư cũng ngày càng lớn. Do vậy, chúng ta cần phải có một cách tiếp cận toàn diện về quản lý và phát thải rác nhựa để giảm khối lượng loại bỏ ra môi trường.
Các sản phẩm nhựa khó có thể biến mất hoàn toàn trong đời sống bởi tác dụng tiện lợi của nó, do đó song song với việc hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa khó phân hủy thì việc đi tìm một nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sinh học dễ phân hủy sẽ là giải pháp tối ưu trong tương lai.
Là một trong những quốc gia thải nhựa ra đại dương nhiều nhất, Việt Nam có thể đi đầu trong giải quyết thách thức này bằng việc ủng hộ sự ra đời của các hiệp định quốc tế về nhựa. Đồng thời, chúng ta cần đẩy mạnh nghiên cứu các sản phẩm thay thế có tính thân thiện với môi trường để trở thành quốc gia đi đầu trong việc chung tay bảo vệ môi trường sống của nhân loại.