Ống nghe điện tử “made in” nữ sinh Bách khoa Hà Nội
Đại học Bách khoa Hà Nội nhất toàn đoàn kỳ thi Olympic Toán toàn quốc Anh Nguyễn Tuấn Hùng trở thành tân Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội |
Lưu trữ, chia sẻ dữ liệu
Ống nghe điện tử là sáng kiến khoa học của 2 nữ sinh Nguyễn Minh Trang và Nguyễn Hồng Hạnh (Khoa CNTT Kỹ thuật Y sinh K64, Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội). Sáng kiến đến với 2 nữ sinh khi năm 2022, các em được học môn Giải phẫu sinh lý, nghe thầy giáo từ Trường Đại học Y Hà Nội chia sẻ về khó khăn ngành Y đang gặp phải.
Sinh viên Nguyễn Hồng Hạnh nghiên cứu, thiết kế sản phẩm ống nghe điện tử |
Thực tế, tại Việt Nam vẫn dùng các loại ống nghe cơ học truyền thống. Ống nghe điện tử chưa được dùng phổ biến do giá thành cao.
Ống nghe cơ học truyền thống để học thính chẩn của sinh viên trường Y không thể lưu trữ, chia sẻ dữ liệu. Giảng viên và sinh viên không thể đồng thời nghe dữ liệu bệnh của bệnh nhân, dẫn đến việc khó khăn truyền tải kiến thức.
Hai nữ sinh đã suy nghĩ về việc làm sao ứng dụng công nghệ, giúp các sinh viên trường Y có thêm “vũ khí” học thính chẩn (sử dụng ống nghe để nghe âm thanh bên trong cơ thể) hiệu quả.
Minh Trang và Hồng Hạnh tham gia lab BKIC do TS Phạm Nguyễn Thanh Loan - Giám đốc Chương trình đào tạo Hệ thống nhúng thông minh và IoT, Trường Điện - Điện tử hướng dẫn. Hai cô gái trình bày ý tưởng thiết kế một hệ thống có thể thu lại, lưu trữ, chia sẻ thông tin bệnh với cô Loan và thầy Đỗ Thanh Tuấn, giảng viên thỉnh giảng đến từ Đại học Y Hà Nội, giảng dạy bộ môn Giải phẫu sinh lý tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Minh Trang và Hồng Hạnh được các thầy cô định hướng, chỉ dẫn rất nhiệt tình, động viên theo đuổi hướng nghiên cứu.
Thiết kế ống nghe điện tử giá thành rẻ, dễ dàng sử dụng, giúp các bác sĩ, các bạn sinh viên Y tiếp cận công nghệ và ứng dụng công nghệ trong học tập và làm việc là điều hai nữ sinh hướng đến.
Ống nghe điện tử có hệ thống sẽ thu âm thanh tim, phổi từ cơ thể người, chuyển sang dạng tín hiệu điện, sau đó sẽ được khuếch đại và lọc nhiễu. Các bác sĩ tương lai có thể vừa nghe trực tiếp tín hiệu âm thanh này thông qua tai nghe cá nhân, vừa nhìn thấy tín hiệu trực quan hóa hiển thị trên thiết bị điện tử như laptop hay điện thoại thông qua kết nối bluetooth.
Sẽ tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm
Theo hai nữ sinh viên, được học tập và nghiên cứu tại Đại học Bách khoa Hà Nội là cơ hội, động lực để nhóm hoàn thiện đề tài nghiên cứu.
Nguyễn Hồng Hạnh (trái) và Nguyễn Minh Trang nhận Giấy khen đạt giải Ba Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2023 cấp đại học |
Dưới sự hướng dẫn của TS Phạm Nguyễn Thanh Loan, Minh Trang và Hồng Hạnh đã tham khảo các bài báo, nghiên cứu trên thế giới về vấn đề này, tìm hiểu các kiến thức y học liên quan đến đặc trưng âm thanh tim… sau đó đưa ra định hướng cho sản phẩm. Các em đồng thời thực hiện khảo sát các cấu trúc mạch, thiết kế, mô phỏng, làm mạch thực tế, test mạch, đối sánh với sản phẩm có trên thị trường, thử nghiệm thực tế sản phẩm quy mô lớn.
Song song với nghiên cứu, Minh Trang và Hồng Hạnh còn thực nghiệm sản phẩm tại trường Đại học Y Hà Nội. Hai nữ sinh viên đã nhận được những đánh giá chân thực đến từ các sinh viên ngành Y về chuyên môn và ứng dụng cao trong thực tế của ống nghe điện tử.
Điều bất ngờ đã đến, dù nghiên cứu chỉ mới ở mức “hòm hòm” nhưng tại cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học 2023, sản phẩm của các em đã được đánh giá cao về tính ứng dụng trong thực tiễn.
“Sản phẩm dự thi cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2023 của em và bạn Hạnh chính là bản vẽ PCB (bảng mạch in/bo mạch in) đầu tay. Chúng em đã nhận được giải ba cấp đại học cho nghiên cứu này”, Minh Trang chia sẻ.
Trang cho biết, hai em sẽ tiếp tục nghiên cứu, cải tiến sản phẩm. Hiện ống nghe điện tử có mục đích chính là dùng trong giảng dạy thính chẩn ở cơ sở giáo dục trong ngành Y. Về lâu dài, hai nữ sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội mong muốn phát triển thành sản phẩm hoàn chỉnh để các bác sĩ có thể sử dụng khi chẩn đoán, khám bệnh.