Phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân vùng lũ
Bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản người dân vùng lũ |
Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã hỏi thăm, động viên, chia sẻ với những khó khăn vất vả và tặng quà cho người dân vùng lũ - Ảnh: VGP/Đức Tuân |
Cùng đi, có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền.
Mưa lớn cả tuần qua đã khiến một số huyện tại Hà Nội ngập lụt nặng ảnh ưởng đến sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Đặc biệt là tại huyện Chương Mỹ, có 24 thôn, xóm với khoảng 1.500 hộ (hơn 5.500 người) bị ảnh hưởng do nước ngập sâu từ 0,5 đến 2 m… Nhiều hộ dân bị cô lập, nước lên đến gần mái nhà. Hệ thống đê điều, công trình giao thông, thủy lợi bị ngập, chưa đánh giá hết được thiệt hại.
Có mặt tại thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ vào chiều nay, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã hỏi thăm, động viên, chia sẻ với những khó khăn vất vả và tặng quà cho người dân nơi đây. Phó Thủ tướng mong bà con cố gắng khắc phục, vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.
Phó Thủ tướng đề nghị thành phố Hà Nội và các đơn vị chức năng địa phương đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân vùng lũ; quan tâm bố trí nơi ở tạm, sơ tán những hộ dân không bảo đảm an toàn; tiếp ứng lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch cho người dân, đặc biệt người già, cô đơn, yếu thế, người tàn tật...
Phó Thủ tướng Lê Thành Long kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ -Ảnh: VGP/Đức Tuân |
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, lãnh đạo địa phương cần chú ý đến công tác vệ sinh môi trường, không để bùng phát dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội cho người dân sau khi nước rút và chuẩn bị sẵn sàng các phương án đối phó với các trận mưa tiếp theo, không để bị động trước các tình huống.
Sau khi nước rút, thành phố Hà Nội cần huy động lực lượng Quân đội, Công an, thanh niên xung kích hỗ trợ người dân sửa chữa, vệ sinh nhà cửa, trường học, cơ sở khám chữa bệnh.
"Về lâu dài đề nghị địa phương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu đề xuất các giải pháp căn cơ xử lý cho bà con vốn đã sống rất lâu trên vùng đất này. Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ xin chia sẻ với khó khăn của bà con ở đây. Trong trường hợp cần sự hỗ trợ của ban, bộ, ngành, Chính phủ thì các đồng chí cứ báo cáo kịp thời", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Lê Thành Long đi xuồng thị sát vùng ngập lụt ở Chương Mỹ và đến thăm hỏi đời sống bà con - Ảnh: VGP/Đức Tuân |
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, những năm gần đây, xuất hiện nhiều đợt lũ lớn trên sông Bùi, sông Tích và vượt lũ lịch sử như: Lũ sông Bùi tháng 10/2008 (7,41 m); tháng 10/2017 (7,14 m); tháng 7/2018 (7,51 m); tháng 9/2022 (6,99 m). Mực nước báo động 3 là 7,0 m.
Về diễn biến mưa lũ những ngày vừa qua, từ ngày 22/7 đến nay khu vực Bắc Bộ xảy ra mưa lớn kéo dài, tổng lượng mưa tại tỉnh Hòa Bình và TP. Hà Nội lên đến 300-450 mm, đặc biệt tại Xuân Mai, Chương Mỹ lên đến 743 mm.
Do mưa lớn trong khu vực và lũ rừng ngang từ Hòa Bình đổ về làm mực nước sông Bùi, sông Tích lên rất nhanh; ngày 24/7, trong vòng chưa đầy 12 giờ lũ sông Bùi lên đến gần 2 m; lũ sông Bùi đạt đỉnh lúc 14h/28/7 là 7,43 m (trên báo động 3 là 43 cm), lũ sông Tích đạt đỉnh lúc 13h/24/7 là +8,33 m (trên báo động 3 là 33 cm).
Hiện mưa đã ngớt, tuy nhiên mực nước lũ sông Bùi, sông Tích xuống chậm do lũ trên sông Đáy có xuống nhưng còn ở mức cao.
Tại huyện Chương Mỹ, số hộ bị ngập từ 0,5-2 m là 1.504 hộ; số nhân khẩu bị ngập cần cứu trợ là 5.543 người; số nhân khẩu bị ngập phải sơ tán là 3711 người. Địa phương đã huy động 4.721 người và 199 phương tiện tham gia ứng phó.
Về giải pháp căn cơ, lâu dài, hiện UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Khoa học và Công nghệ và Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức nghiên cứu đề tài khoa học cấp thành phố đề xuất các giải pháp tổng thể phòng chống lũ sông Bùi, sông Tích, lũ rừng ngang từ vùng núi Lương Sơn, Kim Bôi - tỉnh Hòa Bình đổ về để giảm thiểu ngập lụt.