Phân cấp, ủy quyền - “Cú đấm thép” trong cải cách hành chính tại Hà Nội
Rút ngắn khoảng cách giữa cơ quan hành chính với người dân
Xuất phát từ mục tiêu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, TP Hà Nội đã quyết tâm triển khai xây dựng Đề án về đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trên địa bàn TP.
Cán bộ bộ phận “một cửa” phường Việt Hưng (quận Long Biên) nhiệt tình hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính |
TP đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý Nhà nước, ủy quyền, với các quan điểm, nguyên tắc xây dựng phân cấp, ủy quyền theo đề xuất từ dưới lên, đồng thời từ trên xuống; Phân cấp, ủy quyền triệt để cho cấp huyện, cấp xã (đối với những nhiệm vụ được phép theo quy định của pháp luật) theo tinh thần giảm đầu mối, tầng nấc, việc nào, cấp nào nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cho cấp đó thực hiện, phù hợp với trình độ, khả năng quản lý.
Hà Nội đã triển khai xây dựng Đề án này một cách bài bản, khoa học, có tính đến yêu cầu quản lý của một đô thị lớn. Trong đó, rà soát tổng thể những nhiệm vụ quản lý Nhà nước thuộc thẩm quyền của cấp TP, cấp huyện, cấp xã tại các Luật, Nghị định, Thông tư; Rà soát toàn bộ thủ tục hành chính TP đang triển khai. Từ đó, xác định những nhiệm vụ nào đã được TP phân cấp, ủy quyền; Những nhiệm vụ nào chưa được phân cấp, ủy quyền và có nghiên cứu, đề xuất tiếp tục phân cấp, ủy quyền đối với những nhiệm vụ chưa được phân cấp, ủy quyền.
Theo báo cáo, từ năm 2021 đến quý I/2023, tổng số thủ tục hành chính của TP là 1.867 (1.471 tục hành chính cấp TP, 284 tục hành chính cấp huyện và 112 tục hành chính cấp xã). TP đã ban hành Quyết định phê duyệt phương án ủy quyền trong giải quyết thủ tục hành chính; Đề xuất phương án ủy quyền 617/1.910 thủ tục hành chính, đạt 37%. Quyết định ủy quyền 531/617 thủ tục hành chính đạt tỷ lệ 86,06%.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho rằng, việc phân cấp, ủy quyền bước đầu mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC; Giúp chính sách, các quy định của pháp luật được thực hiện nhanh chóng, chính xác; Rút ngắn khoảng cách giữa cơ quan hành chính nhà nước các cấp với người dân, doanh nghiệp; Đơn giản hóa quy trình, hồ sơ, qua đó rút ngắn thời gian giải quyết, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC; Cải thiện, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của TP.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, quyết tâm đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền của TP xuất phát từ thực tế công tác CCHC chưa đạt yêu cầu, quy trình giải quyết TTHC còn cản trở phát huy các nguồn lực đầu tư phát triển. Nhà đầu tư muốn bỏ tiền ra để xây dựng trường THPT, trong khi nhu cầu TP thì rất cần nhưng làm thủ tục 3 năm không giải quyết được.
“Từ những vấn đề như thế và câu “Hà Nội không vội được đâu” dư luận hay nói mà chúng tôi coi là “nỗi đau”, lãnh đạo TP quyết tâm phải làm bằng được phân cấp, ủy quyền”, đồng chí Đinh Tiến Dũng chia sẻ.
Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, để có được kết quả phân cấp, ủy quyền như hiện nay, TP đã phải mất hơn 1 năm triển khai các bước bài bản, chi tiết, bảo đảm tính khoa học, đủ căn cứ pháp lý và đặc biệt phải thực hiện với quyết tâm chính trị rất cao trước hết là trong Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, rồi Ban Chấp hành Đảng bộ TP.
“Kinh nghiệm của chúng tôi là phải ngay từ đầu thành lập Ban Chỉ đạo sau khi trao đổi thống nhất thì giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị liên quan; Đặc biệt là phải giao khoán chỉ tiêu. Khi làm thì phải có đầu, có cuối, nghĩa là phân công nhiệm vụ rồi thì phải hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nói.
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội |
Xử lý triệt để tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm
Từ kinh nghiệm triển khai phân cấp, ủy quyền, TP Hà Nội cũng chỉ ra một số khó khăn, hạn chế, như các quy định pháp luật còn chồng chéo, thiếu thống nhất, nhận thức ở các cấp còn hạn chế, dẫn đến lúng túng trong triển khai thực hiện. Một số đơn vị chưa phân định rõ giữa việc phân cấp, ủy quyền; Chưa phân định rõ việc phân cấp, ủy quyền và việc giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư các dự án…
Điển hình, liên quan đến công tác cải cách hành chính và thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, dù thành phố đã phân cấp giao cho Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã 30 gói thầu thu gom rác thải nhưng trong gói thầu của 10/30 quận, huyện, thị xã không có yêu cầu đặt thùng rác ở khu phố, dẫn đến tình trạng vệ sinh môi trường chưa được bảo đảm.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết, việc rà soát toàn bộ quy hoạch, nhà máy rác, từng điểm tập kết rác, xử lý sơ bộ, trung chuyển rác... xuyên suốt, từ điểm nhỏ nhất đến điểm cuối cùng là cần thiết.
Đối với nội dung về thể chế, quan trọng nhất là chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền. Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định rõ, cụ thể, các địa phương được phân công nhiệm vụ phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm về quyền mình được phân cấp. Khi phân cấp, ủy quyền rõ sẽ tránh được tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết, thành phố Hà Nội cơ bản đã quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành nhưng vẫn còn một số khâu, lĩnh vực có sự đan xen giữa các sở. Vì vậy, chúng ta cần rà soát làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng sở, ngành để phân định rõ trách nhiệm, tránh tình trạng có lĩnh vực 5 sở, ngành cùng ký.
Báo cáo, tiếp thu, giải trình, làm rõ những nội dung tại phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội đầu tháng 7 mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cho biết, 100% tục hành chính sau khi ủy quyền đều đã được ban hành quy trình nội bộ hướng dẫn thực hiện, tiếp tục đẩy mạnh việc ủy quyền thực hiện theo phương châm “cấp nào sát cơ sở, sát Nhân dân nhất thì giao cấp đó thực hiện, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực.
“Không phải phân cấp xong rồi để đấy, mà phân cấp phải trên thực tiễn, có quy trình, có kiểm tra. 100% các nội dung phân cấp đều cơ bản đã có quy trình hướng dẫn thực hiện. Ủy quyền đến đâu thì phân cấp, phân quyền đến đó”, đồng chí Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh và cho biết, phân cấp, ủy quyền không có nghĩa bắt các quận, huyện phải mặc một “chiếc áo” giống nhau mà phải căn cứ vào năng lực, trình độ, số lượng cán bộ để phân cấp, ủy quyền phù hợp, linh hoạt.
Chủ tịch UBND thành phố cũng cho biết, UBND thành phố đang chuẩn bị cho việc đánh giá 1 năm thực hiện Đề án phân cấp, ủy quyền. Trên cơ sở khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng kết quả thực hiện phân cấp, ủy quyền trong 1 năm qua, cũng như đề xuất của các quận, huyện, thị xã, UBND thành phố sẽ tiếp tục xem xét, báo cáo HĐND thành phố về việc có bổ sung hoặc điều chỉnh quy định phân cấp.
Tại phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo, sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2023 và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 diễn ra ngày 19/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã khẳng định, rất ấn tượng với việc phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ của Hà Nội và cho rằng đây là cách làm cần nhân rộng trên toàn quốc. |