Phân cấp, ủy quyền không có nghĩa là các quận, huyện phải "mặc một chiếc áo" giống nhau
Đi đầu trong hỗ trợ công dân tham gia dịch vụ công trực tuyến
Thay mặt UBND TP báo cáo, tiếp thu, giải trình, làm rõ những nội dung tại phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội chiều 5/7, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh trân trọng cảm ơn các đại biểu HĐND TP, cử tri và Nhân dân Thủ đô đã cơ bản đồng tình và quan tâm, đóng góp nhiều ý kiến cho các báo cáo, tờ trình của UBND TP.
Chủ tịch UBND TP cũng ghi nhận nội dung chất vấn tại kỳ họp đã tập trung đúng và trúng những vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm; Phản ánh những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền các cấp. Qua đó giúp UBND TP, các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã nhận diện rõ hơn những hạn chế, bất cập, yếu kém, đồng thời là cơ sở để phân tích, đánh giá nguyên nhân và đề ra giải pháp tích cực, phù hợp trong tình hình mới.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại phiên chất vấn |
Về công tác cải cách hành chính được các đại biểu HĐND quan tâm chất vấn, đồng chí Trần Sỹ Thanh cho biết từ năm 2021 đến quý I/2023, tổng số thủ tục hành chính của TP là 1.867 (1.471 tục hành chính cấp TP, 284 tục hành chính cấp huyện và 112 tục hành chính cấp xã). TP đã ban hành Quyết định phê duyệt phương án ủy quyền trong giải quyết tục hành chính; Đề xuất phương án ủy quyền 617/1.910 tục hành chính, đạt 37%. Quyết định ủy quyền 531/617 tục hành chính đạt tỷ lệ 86,06%.
“100% tục hành chính sau khi ủy quyền đều đã được ban hành quy trình nội bộ hướng dẫn thực hiện, tiếp tục đẩy mạnh việc ủy quyền thực hiện theo phương châm “cấp nào sát cơ sở, sát Nhân dân nhất thì giao cấp đó thực hiện, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực”, đồng chí Trần Sỹ Thanh nói.
Chủ tịch UBND TP cũng cho biết, Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ công dân khi tham gia thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, chuyển đổi số trong việc thực hiện tương tác với chính quyền.
Từ năm 2021 trở lại đây, công tác chuyển đổi số đã được TP quan tâm triển khai. Tuy nhiên kết quả triển khai chưa đạt được tương xứng với tiềm năng, nguồn lực của TP.
Nhận thức được những hạn chế này, đến nay, toàn bộ hệ thống chính trị của TP đã vào cuộc. Kết quả bước đầu, Hà Nội là một trong các tỉnh/TP đầu tiên bảo đảm đầy đủ các điều kiện và kết nối thành công với cơ sở dữ liệu dân cư phục vụ tiếp nhận và giải quyết tục hành chính. UBND TP đã tập trung chỉ đạo để trong thời gian ngắn, các hệ thống dữ liệu dùng chung toàn TP đã hoàn thành (Hệ thống thông tin báo cáo; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống thông tin giải quyết tục hành chính 3 cấp); Ban hành các quy định, quy chế để bảo đảm vận hành, khai thác các hệ thống thông tin an toàn, hiệu quả.
Phân cấp phải trên thực tiễn, có quy trình, có kiểm tra
Trả lời chất vấn về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới đối với việc tiếp tục phân cấp, ủy quyền của đại biểu Hồ Vân Nga (Tổ đại biểu quận Hai Bà Trưng), Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, từ chỗ chưa nhận thức về phân cấp, ủy quyền cho đến khi cả hệ thống chính trị nhận thức được việc cần phải phân cấp, ủy quyền, TP đã tiến hành rà soát, kiểm kê các thủ tục hành chính thuộc cấp TP, cấp huyện và cấp xã. Từ đó thực hiện phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính cho các cấp.
“Không phải phân cấp xong rồi để đấy, mà phân cấp phải trên thực tiễn, có quy trình, có kiểm tra. 100% các nội dung phân cấp đều cơ bản đã có quy trình hướng dẫn thực hiện. Ủy quyền đến đâu thì phân cấp, phân quyền đến đó”, đồng chí Trần Sỹ Thanh nói và khẳng định, chủ trương phân cấp, ủy quyền là đúng, trong quá trình thực hiện thường xuyên rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế để thực hiện tốt hơn" - đồng chí Trần Sỹ Thanh nói và cho biết, phân cấp, ủy quyền không có nghĩa bắt các quận, huyện phải mặc một “chiếc áo” giống nhau mà phải căn cứ vào năng lực, trình độ, số lượng cán bộ để phân cấp, ủy quyền phù hợp, linh hoạt”.
Quang cảnh kỳ họp |
Về chất vấn liên quan đến chuyển đổi số, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, điều kiện đủ để chuyển đổi số là nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu và sự sẵn sàng của hệ thống, bên cạnh các điều kiện cần về cơ sở vật chất.
“Các Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, Giám đốc các sở, ngành phải nhận thức được “chuyển đổi số hay là chết” thì mới làm được, chứ không phải chỉ có tiền mới làm được”, Chủ tịch UBND TP nói.
Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, chuyển đổi số trước hết là ở chính người đứng đầu đơn vị, địa phương, không thể tạo “cớ không có người thì không làm được”. “Đây là cách tiếp cận vấn đề hoàn toàn sai”, đồng chí Trần Sỹ Thanh nói và đề nghị các cấp còn suy nghĩ như vậy thì cần phải xem xét lại.
UBND TP đã quyết liệt tập trung tham mưu Thành ủy ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ngay sau khi Nghị quyết ra đời, đã thực sự tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động tại tất cả các cấp các ngành, các cơ quan, đơn vị của TP. Nghị quyết đã xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của từng ngành, lĩnh vực và các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội của TP.
Nhận định khối lượng công việc của TP là vô cùng lớn trong khi nhân lực có hạn, Chủ tịch UBND TP mong cử tri và nhân dân Thủ đô chia sẻ với bộ máy hành chính Nhà nước TP dù đã cố gắng hết sức nhưng vẫn còn chưa đáp ứng được kỳ vọng.
“Chúng tôi hứa, tới đây dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, đặc biệt là sau khi có Nghị quyết của Thành ủy về chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương của đội ngũ cán bộ, kết hợp với rà soát, đánh giá, tổ chức bộ máy, luân chuyển, điều động cán bộ, mỗi người sẽ làm việc bằng hai, bằng ba để chúng ta xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp hơn”.