Phát động tổng vệ sinh môi trường phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Hoài Đức (Hà Nội)
BSCKI Nguyễn Thị Thanh - Trưởng Phòng y tế huyện, Ủy viên thường trực BCĐ phòng chống dịch bệnh huyện Hoài Đức cho biết: Trên địa bàn huyện Hoài Đức, từ đầu năm 2020 đến nay, ghi nhận 176 bệnh nhân SXH, trong đó, Đức Thượng là xã có số ca mắc SXH cao nhất trong toàn huyện với 41 ca bệnh, không có trường hợp tử vong.
Thời gian qua, Đảng ủy, HĐND, UBND huyện Hoài Đức đã chỉ đạo sát sao công tác vệ sinh môi trường, phòng chống SXH bằng nhiều giải pháp quyết liệt.
Huyện Hoài Đức tổ chức truyền thông lưu động phòng chống sốt xuất huyết. |
Với phương châm coi công tác phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm, UBND huyện Hoài Đức đã chỉ đạo triển khai khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch ngay từ đầu năm như: Ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh của UBND huyện, công văn chỉ đạo các xã/thị trấn, cơ quan, đơn vị, trường học... chủ động triển khai các hoạt động phòng chống dịch; Tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát hỗ trợ địa phương trọng điểm; Tổ chức các hội nghị về triển khai phòng, chống dịch bệnh; Tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế; Chỉ đạo tổ chức các đợt chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, lăng quăng, chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các xã/thị trấn...
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, ngành y tế và các ban ngành, chính quyền các địa phương đã có nhiều tích cực song kết quả chưa cao, trong đó có nguyên nhân là chưa huy động hết sự tự giác tham gia trực tiếp của mỗi người dân, của từng gia đình, từng thôn xóm, cơ quan, đơn vị, trường học.
Trong các hoạt động phòng chống dịch SXH thì yếu tố quyết định thành công chính là sự tự giác tham gia vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy, phòng chống muỗi truyền bệnh của từng hộ gia đình và cả cộng đồng xã hội.
Để chiến dịch thật sự mang lại kết quả thiết thực, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh huyện Hoài Đức đề nghị các ngành, các cấp, các đoàn thể và người dân trên địa bàn quyết tâm thực hiện chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy phòng chống dịch bệnh SXH.
Trong đó, TTYT chủ động tham mưu UBND huyện; Trạm y tế xã, thị trấn tham mưu với UBND xã, thị trấn các biện pháp thực hiện đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh SXH và một số các dịch bệnh khác trên địa bàn; Chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương triển khai các hoạt động tổng vệ sinh môi trường và các biện pháp phòng chống dịch chủ động, hiệu quả.
Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học trên địa bàn đưa nội dung vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh SXH và các dịch bệnh khác vào chương trình sinh hoạt của các trường, đẩy mạnh tuyên truyền cho giáo viên và học sinh, qua đó các em về tuyên truyền cho gia đình và cộng đồng tự thực hiện vệ sinh môi trường và các biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy, phòng chống muỗi truyền bệnh.
Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện, phối hợp với ngành y tế, chỉ đạo các trạm y tế và đài truyền thanh xã, tăng cường tuyên truyền về vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh SXH cho nhân dân, tự theo dõi sức khỏe bản thân và gia đình theo hướng dẫn của ngành y tế, biết phát hiện sớm khi mắc bệnh để được khám bệnh và điều trị kịp thời.
UBND các xã, thị trấn coi công tác phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ chính trị hàng đầu; Chỉ đạo các ban ngành đoàn thể, trạm y tế triển khai tích cực các biện pháp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch chủ động...
Đặc biệt, đối với nhân dân, vì sức khỏe của chính mình, gia đình và của cộng đồng, mỗi người, mỗi gia đình hàng ngày, hàng tuần thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, nhất là các biện pháp tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi, không có lăng quăng, bọ gậy, không có muỗi vằn thì không có bệnh SXH.
Công tác vệ sinh môi trường phòng chống dịch chỉ thành công khi có sự tham gia tự giác, tích cực của mọi người dân. Sau lễ phát động, TTYT huyện tổ chức truyền thông lưu động phòng chống SXH trên địa bàn.
Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến giữa tháng 10/2020, trên địa bàn có 3.704 ca mắc sốt xuất huyết, giảm so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ 2019 có 6.835 ca). Các ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận tại cả 30/30 quận, huyện, 434/579 xã, phường trên địa bàn thành phố. Số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội giảm nhưng vẫn cần cảnh giác nguy cơ bùng phát dịch
Đáng chú ý, 10 quận, huyện có số mắc sốt xuất huyết lũy tích cao là: Nam Từ Liêm (398 ca), Thường Tín (395 ca), Phúc Thọ (376 ca), Thanh Oai (322 ca), Hoàng Mai (186 ca), Đống Đa (177 ca), Hà Đông (173 ca), Thanh Trì (158 ca), Hoài Đức (155 ca), Hai Bà Trưng (151 ca).
Các địa phương có số mắc mới trong tuần cao là Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Đống Đa, Thanh Oai, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng và Thường Tín.
Để ngăn chặn sốt xuất huyết gia tăng trên địa bàn, ngành y tế Hà Nội và các địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống, tăng cường giám sát ổ bệnh cũ, khu vực nguy cơ cao; Đồng thời chỉ đạo hỗ trợ chuyên môn xử lý các ổ bệnh phức tạp, kéo dài tại huyện Thường Tín (xã Khánh Hà), Thanh Oai (xã Thanh Thùy), Nam Từ Liêm (Mỹ Đình 2).
Đối với những nơi có số ca mắc mới cao, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các địa phương tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là tổ chức tổng vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, phế liệu, diệt bọ gậy, khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ bệnh.