Phát hiện hàng nghìn tỷ tấn kim cương dưới lòng đất
Theo nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học từ MIT, Harvard và Đại học California (Berkeley, Mỹ), dưới lòng đất hiện đang tồn tại rất nhiều kim cương.
Bằng cách sử sụng sóng âm, các nhà khoa học đã phát hiện một số lượng lớn kim cương nằm rải rác bên dưới bề mặt Trái đất. Khối lượng của chúng có thể lên tới một triệu tỷ tấn.
“Điều này cho chúng ta thấy kim cương không quá hiếm như chúng ta vẫn nghĩ. Nếu xét trên quy mô địa chất, nó tương đối phổ biến”, Ulrich Faul, một nhà khoa học nghiên cứu của MIT cho biết.
Những viên kim cương này đang tồn tại trong vùng địa khối rắn được gọi là craton, hay là nền lục địa. Chúng giống như những ngọn núi ngược, nằm ở trung tâm mảng kiến tạo của hành tinh và có thể kéo dài lên đến 200 dặm, theo MIT.
Trong nghiên cứu lần này, các chuyên gia nhận thấy sóng âm đã tăng tốc khi chạm đến vùng craton, ở một tốc độ nhanh hơn dự tính rất nhiều. Và các dữ liệu cũng chỉ ra rằng chỉ có nền đất chứa 1% - 2% là kim cương mới tạo ra được tốc độ như vậy.
Theo các nhà nghiên cứu, ước tính tổng khối lượng của kim cương trên Trái đất khoảng một triệu tỷ tấn, lớn hơn 1.000 lần so với những gì con người từng dự đoán.
Tuy nhiên, lấy số kim cương này không hề dễ dàng. Chúng nằm ở độ sâu khoảng 145 – 241 km, khoảng cách mà chưa có mũi khoan nào có thể chạm đến được.