Phát huy vai trò giám sát, phản biện của MTTQ trong chính quyền đô thị
Phục vụ người dân đô thị tốt hơn
Báo cáo của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội cho biết, sau 1 năm triển khai Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội và Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ về thí điểm mô hình chính quyền đô thị, tại các quận, thị xã, vai trò chủ động, trách nhiệm, sáng tạo của cán bộ, công chức trong phục vụ Nhân dân được phát huy; Góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền, trách nhiệm của người đứng đầu, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương; Đồng thời, phát huy hơn nữa vai trò làm chủ của Nhân dân trong việc giám sát các hoạt động quản lý của Nhà nước.
Mặc dù Nghị quyết được triển khai đúng giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại khiến cho các hoạt động gặp nhiều khó khăn, song việc áp dụng chính quyền đô thị bước đầu đã bảo đảm được các mục đích quan trọng, đó là phụ vụ người dân đô thị tốt hơn, nhanh hơn, thông suốt hơn.
Ủy ban MTTQ phường Khương Đình phản biện xã hội 6 tháng đầu năm 2022 |
Việc giảm bớt các tầng nấc trung gian đã và đang mang lại hiệu quả bước đầu trong điều hành, quản lý và thực thi nhiệm vụ, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính. UBND phường đã tích cực, chủ động điều hành, quyết định nhanh những vấn đề cấp bách tại địa phương nhờ đẩy mạnh phân quyền cho cơ quan, đơn vị trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc.
Công tác phối hợp giữa chính quyền với MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội của phường luôn chặt chẽ, đồng bộ, có sự thống nhất cao trên cơ sở tôn trọng và phát huy sự chủ động, vai trò, chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan.
Nhờ đó, mặc dù không tổ chức HĐND cấp phường nhưng quyền dân chủ và giám sát của Nhân dân vẫn được đảm bảo thông qua Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội. Vai trò, vị thế của MTTQ cấp thành phố và nhất là cấp phường được nâng cao trong việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân
Phát huy vai trò của MTTQ qua hoạt động giám sát
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Đàm Văn Huân cho biết: Ngay sau khi thành phố Hà Nội thực hiện việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã xây dựng và ban hành kế hoạch số 54BKH-MTTQ-BTT về việc thực hiện Nghị quyết số 97 của Quốc hội.
Trên cơ sở kế hoạch của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các quận và thị xã Sơn Tây đã xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ trách nhiệm, nội dung công việc, cách thức tiến hành; Đảm bảo sự phối hợp thống nhất hiệu quả giữa Mặt trận, các tổ chức thành viên và chính quyền các cấp để thực hiện tốt việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị.
Đồng thời, các đơn vị xây dựng và ban hành quy chế hoạt động mẫu của Ủy ban MTTQ phường khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị và triển khai tới các đơn vị. Đến nay, 100% Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các phường đều xây dựng quy chế hoạt động của đơn vị phù hợp với việc tổ chức chính quyền đô thị.
Cùng với đó, các chức danh MTTQ cấp phường đã được kiện toàn đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ với 177 chủ tịch Mặt trận cấp phường là Ủy viên Thường vụ Đảng ủy; 1.429 Trưởng ban kiêm Bí thư chi bộ, 44 Trưởng ban kiêm tổ trưởng tổ dân phố, 238 Trưởng ban kiêm các chức danh khác, 581 Trưởng ban không kiêm nhiệm.
Đáng lưu ý, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố đã tham gia với HĐND TP giám sát việc thực hiện tổ chức bộ máy và sử dụng biên chế hành chính sự nghiệp của thành phố năm 2022, công tác sắp xếp bộ máy biên chế công chức và hoạt động của UBND phường thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị.
Hoạt động giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam các phường được duy trì thường xuyên, có sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị xã hội.
Quyền dân chủ và giám sát của Nhân dân vẫn được đảm bảo thông qua Ủy ban MTTQ cấp phường |
Trong 1 năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các phường trên địa bàn thành phố đã tổ chức 447 cuộc giám sát, tập trung vào các vấn đề như: Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn khiếu nại tố cáo; Công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường; Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Công tác phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ đối với người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; Việc thực hiện chế độ chính sách đối với người có công, hộ nghèo, cận nghèo...
Các ban Thanh tra Nhân dân đã tổ chức giám sát 1.996 cuộc, kiến nghị xử lý 241 vụ việc, cơ quan thẩm quyền giải quyết 227 vụ việc (94,1%); Các ban giám sát đầu tư cộng đồng đã tổ chức giám sát 686 cuộc, kiến nghị xử lý 72 vụ việc, đã khắc phục 69 vụ việc (95,8%). Ngoài ra các ban Thanh tra Nhân dân còn tham gia phối hợp giám sát đối với 1813 cuộc về quản lý trật tự xây dựng, 281 cuộc về quản lý đất đai, 582 cuộc về thực hiện dân chủ ở cơ sở và 138 cuộc về các vụ việc khác.
Qua hoạt động giám sát, Ủy ban MTTQ các phường đã phát huy được vai trò, vị trí của mình trong đảm bảo quyền lợi, lợi ích chính đáng của Nhân dân, kịp thời kiến nghị với cấp ủy, UBND phường những tồn tại để xử lý.
Bên cạnh đó, hoạt động phản biện xã hội được duy trì với 153 cuộc phản biện của Mặt trận các phường tập trung vào dự thảo nghị quyết, đề án, chương trình... của HĐND, UBND phường về các vấn đề liên quan trực tiếp đến việc chăm lo phát triển kinh tế-xã hội-văn hóa của Nhân dân. Các hội nghị phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ phường được cấp ủy đánh giá cao, qua phản biện giúp UBND phường hoàn thiện chính sách tại cơ sở.
Bên cạnh những thuận lợi trên, theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Đàm Văn Huân, hiện hiệu lực giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội chủ yếu mang tính đôn đốc, kiến nghị, chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm giải trình, tiến độ giải quyết... nên việc tiếp thu, giải quyết của UBND phường có nội dung còn chậm, chưa hiệu quả. Đặc biệt ở một số lĩnh vực như quản lý đô thị, môi trường...
Vì vậy, cần có những quy định cụ thể hơn về trách nhiệm và quyền hạn của MTTQ cấp phường theo hướng mở rộng quyền hạn cho MTTQ phù hợp với mô hình chính quyền đô thị; Nâng cao hơn nữa vai trò của MTTQ trong công tác giám sát, phản biện xã hội tại cơ sở đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ... Cùng với đó, cần nghiên cứu cơ chế thực hiện việc công nhận công chức quận đối với cán bộ đang công tác tại Đảng ủy, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội phường như đã thực hiện với UBND phường để đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong sử dụng, quản lý công chức và điều động luân chuyển cán bộ giữa các cơ quan đơn vị... Từ đó, giúp khẳng định rõ nét, sâu đậm hơn vai trò của MTTQ các cấp.