Phát triển ĐHQG TP HCM theo hướng trọng tâm, trọng điểm
TP HCM: Hơn 33.000 thí sinh bước vào kì thi đánh giá năng lực đợt 1 ĐHQG Nhà Văn hóa sinh viên TP HCM chính thức đưa vào hoạt động |
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thời gian tới, hoạt động đào tạo của ĐHQG TP HCM theo hướng "đúng, trúng", bám sát quy hoạch, nhu cầu phát triển của đất nước, của vùng, các ngành, lĩnh vực đang cần - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cùng tham dự cuộc làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐHQG TP HCM Vũ Hải Quân; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo TPHCM, tỉnh Bình Dương.
Đơn vị tiên phong cả nước về số lượng các chương trình đạt chuẩn quốc tế
Theo báo cáo và ý kiến tại cuộc làm việc, ĐHQG TP HCM được thành lập năm 1995 nhằm kiến tạo một trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, trình độ tiên tiến, làm nòng cốt cho hệ thống giáo dục đại học, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước.
Với tổng diện tích gần 644 ha theo mô hình đô thị đại học hiện đại, ĐHQG TP HCM là một trong những cơ sở giáo dục lớn nhất Việt Nam với 36 đơn vị, trong đó có 7 trường đại học thành viên, 1 viện nghiên cứu khoa học thành viên, 2 khoa trực thuộc, 1 phân hiệu tại tỉnh Bến Tre và 25 đơn vị trực thuộc là các tổ chức khoa học công nghệ (KHCN), thư viện, các tổ chức phục vụ đào tạo, dịch vụ.
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện quy hoạch, các địa phương sớm bàn giao 100% mặt bằng cho các dự án xây dựng của ĐHQG TP HCM; xây dựng cơ chế, chính sách hoạt động của trường phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
ĐHQG TPHCM đào tạo gần 91.000 sinh viên đại học, gần 8.000 học viên cao học, trên 1.000 nghiên cứu sinh, cùng đội ngũ học giả với 37 giáo sư, 312 phó giáo sư và 1.140 tiến sĩ.
Là hệ thống giáo dục đại học hàng đầu Việt Nam, chương trình đào tạo của ĐHQG TP HCM gồm các lĩnh vực: Khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kỹ thuật công nghệ, quản lý kinh tế-luật, khoa học sức khỏe và khoa học nông nghiệp... với 3 trình độ: Đại học (139 ngành), thạc sĩ (141 ngành) và tiến sĩ (98 ngành).
Sau hơn 28 năm xây dựng và phát triển, từ 3 trường đại học thành viên nòng cốt trong 3 lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, kỹ thuật công nghệ, đến nay ĐHQG TP HCM đã trở thành trung tâm đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong hầu hết các lĩnh vực quan trọng, tạo được uy tín trong cộng đồng khoa học trên thế giới.
Giám đốc ĐHQG TP HCM Vũ Hải Quân phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
ĐHQG TP HCM là đơn vị tiên phong cả nước về số lượng các chương trình đạt chuẩn quốc tế (tính đến tháng 8/2023, ĐHQG TPHCM có tổng cộng 126 chương trình đạt chuẩn kiểm định quốc tế).
Trong giai đoạn 2018-2022, đã đào tạo và cung cấp cho TP HCM và các tỉnh phía Nam hơn 60 nghìn cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ. Đây là đội ngũ trí thức có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn cao, tham gia xây dựng và phát triển TP HCM nói riêng và các tỉnh Nam Bộ nói chung.
Đến nay, ĐHQG TPHCM thuộc top 1.000 các trường đại học tốt nhất thế giới (QS World). Trong đó, ĐHQG TP HCM có 3 tiêu chí đạt thứ hạng tốt, gồm: Danh tiếng với nhà tuyển dụng (hạng 366), Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm (hạng 386) và Danh tiếng với đồng cấp học thuật (hạng 524). Đây là 3 tiêu chí ĐHQG TP HCM đang dẫn đầu các đại học tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, ĐHQG TP HCM còn gặp những khó khăn, thách thức về vấn đề cân đối nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học nhằm đạt mục tiêu nằm trong nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á; việc thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành; áp lực đổi mới sáng tạo để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phát triển ĐHQG TP HCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á
Phát biểu tại cuộc làm việc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những thành tích mà ĐHQG TP HCM đã đạt được thời gian qua.
Những kết quả tích cực đó thể hiện sự quan tâm, sát sao của các thế hệ lãnh đạo nhà trường; sự nỗ lực, phấn đấu, quyết tâm của tập thể cán bộ, nhà khoa học, giảng viên, người lao động, học viên, sinh viên ĐHQG TP HCM.
Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ yêu cầu phát triển ĐHQG TP HCM theo hướng trọng tâm, trọng điểm, đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm hàng đầu châu Á.
Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị, trong đó giao ĐHQG TP HCM chủ trì xây dựng Đề án "Phát triển ĐHQG TP HCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á".
Thủ tướng đánh giá cao ĐHQG TP HCM đã nhanh chóng xây dựng Đề án phát triển ĐHQG TP HCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á. ĐHQG TP HCM cần sớm hoàn thiện Đề án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trên cơ sở đó phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án để đến năm 2030, nằm trong nhóm 100 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, hoạt động đào tạo của ĐHQG TP HCM theo hướng "đúng, trúng", bám sát quy hoạch, nhu cầu phát triển của đất nước, của vùng, các ngành, lĩnh vực đang cần. Hoạt động nghiên cứu khoa học tập trung vào những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn, những vấn đề mới nổi, xu thế của thời đại và những vấn đề có tính dự báo.
Cùng với đó, sử dụng hiệu quả nguồn lực con người – nguồn lực lớn nhất của ĐHQG TP HCM, gồm đội ngũ cán bộ, giảng viên và sinh viên. Đồng thời, thương mại hóa các sản phẩm của ĐHQG TP HCM; nâng cao năng lực quản trị theo hướng hiệu quả, tiết kiệm.
Thủ tướng cũng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện quy hoạch, các địa phương sớm bàn giao 100% mặt bằng cho các dự án xây dựng của ĐHQG TP HCM. Xây dựng cơ chế, chính sách hoạt động của trường phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Về nguồn lực, cần xây dựng các chương trình, dự án, đề án cụ thể với mục tiêu, giải pháp, trong đó có giải pháp tài chính (như nguồn lực nhà nước, hợp tác công tư, hợp tác với các địa phương, nghiên cứu xây dựng đại học dân lập phi lợi nhuận…).
Cũng tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời và Thủ tướng đã cho ý kiến về các đề xuất, kiến nghị của ĐHQG TP HCM, như nâng cấp Khoa Y của ĐHQG TP HCM thành Trường Đại học Sức khỏe, thành lập Trường Đại học Bến Tre trên cơ sở phân hiệu tại Bến Tre; cho phép biệt phái viên chức là nhà khoa học thuộc ĐHQG TP HCM để thành lập các doanh nghiệp khởi nguồn; cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho ĐHQG TP HCM về đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ vi mạch, công nghệ sinh học và môi trường, trí tuệ nhân tạo...
Cơ bản đồng ý với các kiến nghị, Thủ tướng yêu cầu với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ ngành, cơ quan, địa phương, cần giải quyết dứt điểm trước tháng 6/2024; với những nội dung vượt thẩm quyền thì báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.