Phát triển nâng cao chất lượng đờn, ca tài tử tại Hậu Giang
Đờn ca tài tử là một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống Nam bộ có từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Trải qua bao thế kỷ, loại hình nghệ thuật này có sức sống mãnh liệt, không còn bó hẹp trong phạm vi vùng miền mà lan tỏa, thu hút mọi tầng lớp nhân dân. Tại Hậu Giang, bộ môn nghệ thuật này đã làm say mê lòng người, là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân vùng sông nước hữu tình này.
Tuy không phải là cái nôi của đờn ca tài tử nhưng phong trào ca cổ, cải lương ở Hậu Giang không kém phần sôi nổi. Hàng loạt câu lạc bộ, gia đình đờn ca tài tử đã tạo được sân chơi tao nhã, bổ ích cho người dân nơi đây mỗi khi việc nông nhàn, tiệc tùng, cưới hỏi… Nhiều gia đình đờn ca tài tử ở Hậu Giang có nhiều thế hệ biết ca cải lương.
Vì đam mê loại hình nghệ thuật này, mỗi tháng, đôi ba lần gia đình ông Khá tổ chức ca hát. Không chỉ ca những bài tân cổ giao duyên, đơn ca, song ca mà cả nhà cùng nhau diễn tuồng, hát trích đoạn cải lương như đoàn gánh hát chuyên nghiệp. Việc tập hợp, xum tụm cả gia đình cùng ca hát là rất hay, qua đó tạo thêm sự khăng khít tình anh em, cha mẹ, con cái; từ những buổi ca hát thế này ông muốn truyền đạt, dạy dỗ, nhắc nhở con cháu lưu giữ một chút cái hồn của đờn ca tài tử.
Tại lớp học, các nghệ nhân sẽ được cung cấp kiến thức từ cơ bản đến nâng cao, góp phần nâng chất nguồn lực phục vụ đờn, ca tại địa phương. Các giảng viên truyền nghề là những người có nhiều năm nghiên cứu, truyền dạy đờn ca tài tử, đến từ Trường Đại học Văn hóa, Đại học Sân khấu Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hậu Giang, phong trào đờn ca tài tử ở địa phương ngày càng phát triển nhanh về số lượng, chất lượng, thu hút đông đảo mọi người tham gia. Tuy nhiên, phong trào đờn ca tài tử, nhất là các câu lạc bộ đờn ca tài tử, gia đình đờn ca tài tử tự thân vận động là chính, không ít câu lạc bộ đang gặp nhiều khó khăn trong khâu duy trì sinh hoạt.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Dương Thanh Tùng cho biết: Lớp học là một trong những nội dung trong đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ” trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2015-2020. Những học viên không chỉ là lực lượng nòng cốt của phong trào, mà còn có trách nhiệm xây dựng, truyền dạy môn nghệ thuật này, góp phần nâng cao tay nghề cho các nghệ nhân, tiếp tục duy trì, phát huy những giá trị độc đáo của nghệ thuật đờn ca tài tử ra cộng đồng. Lớp học do Trường Nghiệp vụ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai giảng ngày 19/4/2017, và sẽ kết thúc vào ngày 12/5/2017.