Phát triển sách xúc giác cho trẻ khiếm thị
Quà tặng trẻ em khiếm thị mùa Trung thu TTTĐ.VN- Sáng nay (1/10), Hội Người mù quận Hai Bà Trưng- Hà Nội và Công ty CP Đào tạo Spa dưỡng sinh Tina Đỗ tổ ... |
Nói về ý tưởng sáng tạo, nhóm tác giả chia sẻ, trẻ em sáng mắt được làm quen với sách từ khi còn rất nhỏ, chuẩn bị học đọc. Giống như vậy, trẻ em khiếm thị cũng cần được làm quen với sách để giúp phát triển kỹ năng tri giác, xúc giác, từ đó sẵn sàng học chữ nổi Braille.
Tác giả cùng sách xúc giác dành cho trẻ em khiếm thị |
Do thiếu hụt cơ quan thị giác nên trẻ mù cần lĩnh hội thông tin qua những giác quan khác, trong đó xúc giác đóng vai trò chủ đạo. Sách xúc giác được thiết kế với các vật nhỏ, mô hình đính trên trang vải hoặc kết cấu khác nhau sẽ được lựa chọn, sắp xếp tạo ra những hình ảnh có thể cảm nhận bằng cách chạm vào (hình ảnh xúc giác). Trong khi, hiện nay, Việt Nam chưa có sách xúc giác, trẻ khiếm thị bắt đầu học cách đọc, viết chữ nổi mà không có trải nghiệm với sách, điều đó khiến trẻ thiếu hụt sự khám phá và niềm vui đọc sách.
Đó cũng chính là lý do để chị Trịnh Thu Thanh và Nguyễn Thị Hằng nghiên cứu “Phát triển hệ thống sách xúc giác cho trẻ khiếm thị”, nhằm cung cấp một hệ thống công cụ phát triển, rèn luyện kỹ năng xúc giác cho trẻ khiếm thị; Từ đó giúp trẻ nâng cao nhận thức, rèn luyện kỹ năng đọc, viết chữ nổi Braille, học tập và hòa nhập cộng đồng hiệu quả.
Trẻ em khiếm thị đọc sách xúc giác theo nhóm |
Theo các tác giả, sách xúc giác cho trẻ khiếm thị là đề tài lần đầu tiên được nghiên cứu tại Việt Nam. Sách dùng cho trẻ em khiếm thị, trẻ em khiếm thị kèm theo dạng tật khác như tự kỉ, khuyết tật trí tuệ, điếc… Loại sách này có thể được dùng cho cả trẻ sáng mắt, người lớn trong gia đình, nhà trường. Đặc biệt, việc hướng dẫn làm sách xúc giác dễ dàng thực hiện được bởi cha mẹ, giáo viên và người sáng mắt quan tâm.
Sách được phân chia thành bốn trình độ: Trình độ A sử dụng đồ vật thật gắn lên trang sách; Trình độ B là những bài thơ, truyện sử dụng mô hình, tranh ảnh xúc giác đơn giản; Trình độ C là những câu chuyện đơn giản sử dụng tranh ảnh xúc giác phức tạp, với nhiều biểu tượng trừu tượng; Trình độ D là những câu chuyện về thế giới bên ngoài trải nghiệm của trẻ, sử dụng tranh ảnh xúc giác phức tạp, nhiều chi tiết.
Cuốn sách xúc giác dành cho trẻ khiếm thị |
Các tác giả cho biết, để làm sách xúc giác bằng vải cần chuẩn bị các loại vải thô dày một màu, miếng canvas nhựa, các loại kéo, kim, chỉ, nếu có thêm máy may loại công nghiệp thì càng tốt. Trên trang bìa sẽ có hình ảnh hoặc đối tượng, được đính kèm theo chắc chắn. Thông thường mọi thứ được đính trên vải bằng cách khâu chỉ hoặc dính băng keo, keo đặc thù. Đôi khi các đồ vật có thể được gắn bằng cách khác như băng dán velcro, ruy băng… Ở mặt sau sẽ là hình in và chữ nổi kể câu chuyện đi kèm với hình ảnh cho trang tiếp theo.
Một trang sách xúc giác |
Ở các trang có một miếng nhựa hoặc miếng canvas nhựa và phủ bằng một loại vải khác như nỉ, để đảm bảo trang sách không gây nguy hiểm. Mỗi trang sách sẽ cần 2 miếng vải thô, một miếng nhựa hoặc canvas nhựa, miếng vải nỉ quấn quanh miếng nhựa…
Trang sách hoàn thành sẽ có kích thước A4 (hoặc có thể là hình vuông, 25x25cm). Trong đó các miếng chèn nhựa có kích thước A4 hoặc chỉ nhỏ hơn một chút. Khi cắt vải nỉ để may xung quanh miếng nhựa chừa ra khoảng 0,5cm làm đường may. Khi cắt vải thô cần chừa 2cm cho cạnh trên, bên phải, dưới cùng của mỗi trang và các cạnh nhưng thêm 4cm vào phía bên tay trái để làm gáy sách. Vì vậy, đối với sách có kích thước A4 (21x29cm), theo chiều ngang sẽ cắt miếng vải thô 25x35cm và theo chiều dọc 27x33cm.