Phát triển sản phẩm công nghiệp văn hóa đậm bản sắc Hà Nội, cạnh tranh được với các nước trong khu vực
Kế hoạch nhằm thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 theo Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn thành phố Hà Nội; Tập trung phát triển văn hóa, con người Hà Nội, để phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng quyết định, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh và bền vững Thủ đô…
Thành phố Hà Nội xác định mục tiêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là xây dựng và phát triển văn hoá, người Hà Nội toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, tác động của phát triển kinh tế, xã hội, thiên tai, dịch bệnh và những tác động khác; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. TP không ngừng nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị, nông thôn, các đối tượng xã hội và đồng bào dân tộc…
Đến năm 2030, công nghiệp văn hóa phấn đấu đóng góp khoảng 8% GRDP
Về mục tiêu cụ thể đến năm 2030, đối với nhóm chỉ tiêu xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, thành phố xác định giai đoạn đến năm 2025: Tỷ lệ công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa: 86-88%; Tỷ lệ thôn, làng được công nhận danh hiệu Làng văn hóa: 65%; Tỷ lệ tổ dân phố được công nhận danh hiệu Tổ dân phố văn hóa: 75%; Tỷ lệ thôn, làng có nhà văn hóa: 100%.
100% các quận, huyện, thị xã có Trung tâm Văn hoá Thể thao cấp huyện; 100% thôn, làng, tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt cộng đồng. 70-73% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa.
Giai đoạn đến năm 2030: Tỷ lệ công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa: 89-90%; Tỷ lệ thôn, làng được công nhận danh hiệu Làng văn hóa: 70%; Tỷ lệ tổ dân phố được công nhận danh hiệu Tổ dân phố văn hóa: 80%.
100% các quận, huyện, thị xã có Trung tâm Văn hoá Thể thao cấp huyện; 100% thôn, làng, tổ dân phố có nhà văn hóa đáp ứng tiêu chí theo quy định. 75% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa; Phấn đấu 100% khu công nghiệp có nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt văn hóa phục vụ công nhân, người lao động.
Về nhóm chỉ tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, thành phố Hà Nội phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu: Trên 95% di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, khoảng 70% di tích xếp hạng quốc gia được tu bổ, tôn tạo... Hàng năm, có khoảng 20% di tích cấp thành phố xuống cấp được tu bổ, tôn tạo bằng nguồn ngân sách và xã hội hóa...
Về nhóm chỉ tiêu về công nghiệp văn hoá, giai đoạn đến năm 2025: Ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế văn hóa xã hội; Cải thiện hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại; Hoàn thiện thể chế và sẵn sàng cho phát triển công nghiệp văn hóa có tính chuyên nghiệp; Sản phẩm công nghiệp văn hóa có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, đậm bản sắc văn hoá Hà Nội, cạnh tranh được với các nước trong khu vực; Giữ vững và phát triển thương hiệu thành phố sáng tạo; Phấn đấu đóng góp khoảng 5% GRDP của thành phố.
Giai đoạn đến năm 2030: Ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Hà Nội trong top các thành phố có ngành công nghiệp văn hóa phát triển hàng đầu và là thành phố sáng tạo có sức ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á; Phấn đấu đóng góp khoảng 8% GRDP của thành phố; Phấn đấu tăng mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hàng năm.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển văn hóa
Kế hoạch của UBND TP nêu rõ một số nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Về nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển văn hóa, thành phố chú trọng mở rộng khả năng tiếp cân, nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về văn hóa, nghệ thuật, trên cơ sở chủ động và phát huy thành quả của khoa học, kỹ thuật và chuyển đổi số; Chú trọng quản lý thông tin trên Internet, mạng xã hội để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho Nhân dân, nhất là cho thanh niên, thiếu niên.
Về xây dựng con người Hà Nội, phát triển toàn diện, tiếp tục bồi dưỡng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh trong xã hội, từng bước hình thành các giá trị chuẩn mực góp phần phát triển toàn diện con người Hà Nội, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, yêu cầu của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế, thích ứng linh hoạt với tác động thiên tai, dịch bệnh… ; Nâng cao sức mạnh nội sung nhằm khắc phục những hạn chế; Ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái đạo đức xã hội.
Bên cạnh đó, TP xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa…
Phát triển công nghiệp văn hóa trên nguyên tắc bảo tồn và phá huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và Thủ đô, tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế đưa công nghiệp văn hóa thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác; Góp phần xây dựng hệ giá trị văn hóa Thăng Long – Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh hướng đến mục tiêu trở thành công dân toàn cầu, Hà Nội trở thành thành phố sáng tạo quảng bá hình ảnh Thủ đô và đất nước ra khu vực và thế giới.
Ngoài ra, thành phố tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển văn hóa; Tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật; Chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa; Ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa; Phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển trong lĩnh vực văn hóa.
UBND thành phố Hà Nội giao Sở Văn hóa và Thể thao là cơ quan thường trực, đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện kế hoạch triển khai chiến lược văn hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030.