Phẫu thuật căng da mặt có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm
Những trường hợp tử vong do căng da mặt
Đa số phụ nữ ngoài 50 tuổi sẽ biểu hiện rõ tình trạng lão hóa da. Da trên mặt chảy xệ xuống tạo ra những rãnh ở má sâu hơn, làm khuôn mặt già đi.
Do đó, để đối phó với những dấu hiệu tuổi tác, nhiều người đã quyết định tham gia các quá trình căng da phẫu thuật để tái tạo làn da mặt, làm mờ nếp nhăn; dành thời gian, tiền bạc và nỗ lực để khôi phục lại vẻ đẹp tự nhiên.
Nhiều phụ nữ lớn tuổi tìm đến phương pháp phẫu thuật căng da mặt để làm đẹp (Ảnh minh họa) |
Phương pháp căng da mặt cũng được chia ra căng da phẫu thuật và căng da không phẫu thuật. Trong đó, phương pháp tiêm botox, filler, lăn kim, căng chỉ collagen... đứng đầu danh sách các thủ thuật thẩm mỹ giúp căng da mặt không phẫu thuật hay được sử dụng. Đây là phương pháp ít xâm lấn tuy nhiên cũng có thể gây ra những tác dụng phụ như đỏ, sưng tấy, sẹo, nhiễm trùng, chất độc có thể lan ra từ chỗ tiêm...
Trong khi đó, căng da mặt phẫu thuật là đại phẫu xâm lấn, bản chất của căng da mặt không phải chỉ đụng đến phần da mà phải căng cả khối cơ từ bên trong. Sau khi rạch, bóc tách hết toàn bộ lớp da lên, bác sĩ sẽ đưa khối cơ bám da mặt bị chùng phía dưới trả về vị trí cũ, đồng thời bỏ vùng da dư đi.
Tùy theo mức độ chùng da của khách hàng mà đường mổ ngắn hay dài, can thiệp thẩm mỹ ít hay nhiều. Do đó, theo cảnh báo của các chuyên gia thẩm mỹ, căng da mặt có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
Mới đây, một nữ Việt kiều 70 tuổi tử vong chưa rõ nguyên nhân khi điều trị chảy sệ da mặt và thừa da mi dưới bằng phương pháp căng da mặt cổ, phẫu thuật thừa da mi dưới.
Theo báo cáo của bệnh viện thẩm mỹ gửi Thanh tra Sở Y tế TP HCM ngày 16/3, người phụ nữ 70 tuổi đến điều trị tình trạng chảy xệ da mặt và thừa da mi dưới vào 3 ngày trước.
Sau mổ, bệnh nhân lơ mơ, ngưng thở, nhịp tim rời rạc, được xử trí theo hướng ngộ độc thuốc tê và sốc phản vệ. Các bác sĩ hồi sức, tiêm truyền tổng cộng 11 ống adrenalin (còn gọi "thuốc hồi dương"), sốc điện.
Sau đó, bệnh nhân có nhịp tim trở lại, được hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn, chuyển sang Bệnh viện Quân y 175 trong tình trạng hôn mê sâu.
Đại diện Bệnh viện Quân y 175 cho biết bệnh nhân nhập viện nguy kịch, được các bác sĩ phối hợp nhiều biện pháp hồi sức chuyên sâu như lọc máu, can thiệp ECMO nhưng tình trạng quá nặng, tử vong ngày 15/3.
Trước đó, vào cuối năm 2019 cũng đã có một phụ nữ 59 tuổi tử vong sau mổ căng da mặt tại một bệnh viện thẩm mỹ TP HCM. Hội đồng chuyên gia sau đó xác định nguyên nhân tử vong là sốc phản vệ (mức độ 3, 4) liên quan đến sử dụng thuốc tê trong quá trình phẫu thuật.
Những biến chứng nguy hiểm khi căng da mặt
Một trong những biến chứng rất nguy hiểm là gây liệt dây thần kinh số 7, làm bệnh nhân méo mặt, liệt cơ mặt. Ngoài ra, bệnh nhân có nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử da, lâu lành vết thương, sốc chấn thương… Nếu nhiều bệnh nền đi kèm, trong trường hợp xấu nhất, bệnh nhân có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Thời gian thực hiện căng da mặt 2 bên kéo dài khoảng 3 tiếng đồng hồ. Do đó, phẫu thuật căng da mặt đòi hỏi nhiều ở khía cạnh tỉ mỉ. Vì cuộc mổ kéo dài, bệnh nhân cần được tầm soát tất cả các yếu tố nguy cơ, theo dõi tiền phẫu kỹ lưỡng.
Ảnh minh họa |
TS.BS Tống Hải, Chủ nhiệm khoa Vi phẫu và tái tạo, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Bệnh viện Bỏng quốc gia, nhận định, phẫu thuật căng da mặt là đại phẫu. Do đó, phẫu thuật này cần được thực hiện tại bệnh viện bởi bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ và hàm mặt.
Các bác sĩ sẽ bóc tách lớp da vùng mặt, kéo căng da về phía tai, thái dương, bỏ phần da thừa, giúp cho da vùng mặt giảm nhăn nheo. Tuy nhiên, nguy cơ biến chứng có thể gặp phải là chảy máu, tụ máu vùng cằm cổ hoặc chèn áp gây khó thở; nhiễm trùng, chậm liền vết thương. Nguy hiểm hơn là tổn thương dây thần kinh số 7 gây liệt mặt, lệch mặt, sẹo mổ phì đại hoặc sẹo lồi.
Bác sĩ Hải lưu ý người trẻ tuổi hoặc cao tuổi mắc bệnh lý nội khoa như tiểu đường, bệnh về tim mạch, các bệnh tự miễn tuyệt đối không nên áp dụng phương pháp này vì nguy cơ gặp biến chứng rất lớn.
Với người có mong muốn thực hiện phương pháp này, bác sĩ cần thăm khám kỹ lưỡng, thực hiện đầy đủ các xét nghiệm, trao đổi về những biến chứng có thể gặp phải, cân nhắc giữa việc làm đẹp bằng phương pháp này có thật sự cần thiết hay không.
Do đó, khi có nhu cầu phẫu thuật căng da mặt, chị em có nhu cầu làm đẹp cần phải tìm đến những cơ sở y tế uy tín được cấp phép hoặc các bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ đầy đủ các trang thiết bị và có bác sĩ đủ chuyên môn, bằng cấp.
Trước khi thực hiện căng da mặt nói riêng và can thiệp thẩm mỹ nói chung, các chị em cần tìm hiểu kỹ các nguy cơ có thể xảy đến, để cân nhắc chọn lựa phù hợp.