Phẫu thuật kịp thời cứu sống thai nhi dây rốn bám mép bánh rau, vỡ mạch máu tiền đạo
Tháng 5/2023, khoa Phụ sản, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận sản phụ N.T (27 tuổi, Phúc Thọ, Hà Nội) tiền sử khỏe mạnh, mang thai lần 1 thai 36 tuần tuổi nhập viện trong tình trạng ra nước âm đạo kèm đau bụng chuyển dạ.
Trên siêu âm chẩn đoán thai phụ có dây rốn bám mép dưới bánh rau lúc thai 26 và 32 tuần. Khám thấy bệnh nhân cổ tử cung mở 1 cm, ngôi đầu cao, ối vỡ hoàn toàn, nước ối lẫn máu có khoảng 100ml máu cục và máu đỏ tươi theo găng, không sờ thấy mép bánh rau, cơn co tử cung tần số 2-3. Tim thai dao động 140-160l/p.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phẫu thuật kịp thời lấy thai nhi dây rốn bám mép bánh rau, vỡ mạch máu tiền đạo từ một sản phụ ở Hà Nội |
Qua thăm khám, bác sĩ đã phát hiện có tình trạng vỡ mạch máu nằm trên màng rau khi vỡ ối gây chảy máu, nếu không mổ cấp cứu kịp thời nguy cơ mất máu ảnh hưởng đến tính mạng thai nhi.
Ngay lập tức, khoa Phụ sản đã phối hợp với phòng mổ, khoa Nhi tổ chức mổ cấp cứu cho sản phụ lấy ra 1 cháu bé 2.500g.
Đồng thời, các bác sĩ phát hiện sản phụ có tử cung đôi thai phát triển ở tử cung bên trái, bánh rau bám thấp mặt trước tử cung kiểm tra thấy dây rốn bám mép dưới bánh rau, màng ối vỡ rộng đã khiến đứt mạch máu nằm ở lớp màng ối gây chảy máu âm đạo đúng như chẩn đoán trước mổ.
Sau mổ em bé được lấy máu kiểm tra không có dấu hiệu mất máu, mẹ mổ ổn định tử cung co tốt và đã xuất viện sau 4 ngày nằm điều trị theo dõi.
Mạch máu tiền đạo xảy ra khi các màng có chứa các mạch máu bào thai kết nối dây rốn và rau thai nằm ở vùng màng ối phủ qua lỗ trong cổ tử.
Mạch máu tiền đạo có thể tự xảy ra hoặc với những bất thường rau thai, chẳng hạn như dây rốn bám màng, dây rốn bám mép bánh nhau, hoặc khi có màng mạch máu nối giữa 2 thuỳ của bánh rau chính và bánh rau phụ, hoặc trong rau tiền đạo.
Bình thường mạch máu nuôi thai nhi được bảo vệ bởi chất thạch Wharton nằm bên trong dây rốn, mạch máu tiền đạo không được nâng đỡ bởi chất thạch này.
Mặt khác, mạch máu tiền đạo dính chặt vào lớp màng đệm bên trên nên dễ dàng bị rách khi vỡ ối tự nhiên hoặc bấm ối.
Hơn nữa, máu chảy từ mạch máu tiền đạo là máu từ thai nhi (thể tích tuần hoàn thai vốn đã rất ít) nên khi mất tuần hoàn rau thai với mẹ, thai nhanh chóng tử vong và sản phụ có thể gặp nguy hiểm tới tính mạng.
Tần suất mạch máu tiền đạo là khoảng 1/2500 đến 5000 lần sinh. Tỷ lệ tử vong ở thai nhi có thể tới 66% nếu không phát hiện ra mạch máu tiền đạo trước khi sinh.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trường hợp của chị T. là một bất thường thai kỳ hiếm gặp. Với sự phát triển và quản lý thai nghén tốt thì dây rốn bám màng được phát hiện sớm từ những tuần thai còn nhỏ.
Tuy nhiên, việc chẩn đoán vỡ mạch máu tiền đạo khi chuyển dạ lại đòi hỏi đội ngũ bác sĩ phải có trình độ cao, có nhiều kinh nghiệm và thái độ xử trí nhanh tích cực thì mới đảm bảo được an toàn tính mạng cho mẹ và con.
Vì vậy, các mẹ bầu cần được quản lý thai kỳ tại những cơ sở y tế uy tín, có thể phát hiện chính xác những bất thường thai kỳ để tư vấn, điều trị kịp thời, giúp cho các mẹ bầu một thai kỳ an toàn, khỏe mạnh.