Phẫu thuật thành công hai trường hợp sản khoa có bệnh lý tim mạch nặng
Bệnh nhân T.T.C.T (19 tuổi, ở Châu Thành, An Giang) được bệnh viện tuyến trước chuyển đến vào lúc 12h ngày 16/2 với chẩn đoán thai ngoài tử cung bên phải, tăng áp động mạch phổi nặng, suy tim độ II, đau bụng, âm đạo ra huyết sậm, huyết áp thấp, ngón tay dùi trống, tiền sử bệnh tim (thông liên thất - hội chứng Eisenmenger) đang điều trị nội khoa.
Các bác sĩ phẩu thuật cấp cứu cho bệnh nhân T.T.C.T |
Bệnh nhân được đưa vào khoa Phụ sản theo dõi thai ngoài tử cung bên đã vỡ; Hội chẩn nhiều chuyên khoa với chẩn đoán thai ngoài tử cung phải thể huyết tụ thành nang, thông liên thất shunt 2 chiều - hội chứng Eisenmenger.
Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật cấp cứu với nguy cơ phẫu thuật rất cao. Ê kíp phẫu thuật do Ths.BS Nguyễn Hữu Thời, Phó khoa phụ trách Khoa Sản, BS Đào Tuấn Anh, BSCK2 Nguyễn Thanh Liêm, Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức thực hiện. Kết quả phẫu thuật cạnh phải tử cung có một khối thai ngoài, xung quanh máu cục có quai ruột và mạc treo bao lại. Các bác sĩ tiến hành gỡ dính và cắt tai vòi bên phải.
Tình trạng hiện tại, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định,vết mổ khô.
Sức khỏe bệnh nhân T.T.C.T đã ổn định sau phẩu thuật |
Hội chứng Eisenmenger thường là hậu quả của một khiếm khuyết về cấu trúc của tim, trong đó tồn tại một dòng máu bất thường chạy giữa các buồng tim thông qua các lỗ thông, tạo nên sự hòa trộn máu giàu oxy và máu nghèo oxy. Hậu quả, các cơ quan trong cơ thể không được đáp ứng đủ nhu cầu oxy cần thiết. Bệnh nhân mắc hội chứng Eisenmenger có thể phải đối mặt với nhiều biến chứng nghiêm trọng như cơn thiếu oxy cấp tính, áp xe não, thuyên tắc mạch, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, thậm chí đe dọa tính mạng. Nguy cơ biến chứng và tử vong phẫu thuật của phụ nữ bị bệnh tăng áp động mạch phổi và hội chứng Eisenmenger khoảng trên 25%, đặc biệt nếu phải phẫu thuật cấp cứu.
Một trường hợp đặc biệt khác là sản phụ H.N.T.U (27 tuổi), được tuyến trước chuyển đến nhập viện vào lúc 10h30 ngày 17/2 với chẩn đoán nhịp nhanh kịch phát trên thất, thai 34 tuần. Bệnh nhân có tiền sử không ghi nhận bệnh lý tim mạch, trong thai kỳ từ tuần thứ 19 thường xuyên mệt nhiều, tim đập nhanh, đánh trống ngực, tái phát nhiều lần.
Sáng 19/2, bệnh nhân vào cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất với tần số 200 lần/phút, cơn tái phát nhiều lần. Bệnh nhân được xử trí cấp cứu cắt cơn nhịp nhanh thành công. Ngay sau khi cắt cơn, các bác sĩ tiến hành hội chẩn chuyên khoa quyết định chấm dứt thai kỳ để bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé. Phẫu thuật do BSCK2 Ngũ Quốc Vĩ, BSCK2 Thái Đắc Vinh - Phó khoa Gây mê hồi sức thực hiện, đón thành công 1 bé trai nặng 2.250gr, khóc tốt, sức khỏe ổn định được chuyển Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ theo dõi và chăm sóc.
Sức khỏe bệnh nhân H.N.T.U đã ổn định sau phẫu thuật |
Tình trạng hiện tại, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, sinh tồn ổn định, vết mổ khô. Bé ổn định, bú tốt.
Nhịp nhanh kịch phát trên thất dai dẳng trở nên thường gặp hơn trong thai kì, với tần suất 22 - 24/100.000 phụ nữ có thai. Đặc biệt, 3 tháng cuối thai kì và giai đoạn chu sinh là thời điểm dễ bị nhịp nhanh kịch phát trên thất nhất.
Nhịp nhanh kịch phát trên thất đã được chứng minh làm tăng nguy cơ tử vong của thai phụ, ước tính tỉ lệ tử vong có thể lên đến 22/100.000 thai phụ theo nhiều công trình nghiên cứu.
Việc nhận diện và điều trị bệnh nền là ưu tiên đầu tiên. Mặc dù phần lớn các cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất trong thai kì là lành tính và có thể được điều trị hiệu quả bằng các phương pháp điều trị thông thường. Vấn đề cần phải được lưu tâm là sức khỏe của thai nhi và ảnh hưởng có thể có đến quá trình chuyển dạ cũng như cho con bú sau này. Các ảnh hưởng lên huyết động học và tác dụng phụ của thuốc cần được đánh giá cho cả mẹ và thai một cách toàn diện và tỉ mỉ.
Theo BSCK2 Trần Huỳnh Đào - Trưởng khoa Gây mê hồi sức của bệnh viện thì gây mê hồi sức cho các phẫu thuật ngoài tim ở bệnh nhân có bệnh lý tim mạch kèm theo vẫn còn là một thách thức đối với các bác sĩ và phẫu thuật viên.
Khi sản phụ có bệnh tim mạch cần phẫu thuật thì vai trò của việc gây mê là đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé trong quá trình thực hiện phẫu thuật, đồng thời phải đảm bảo giảm thiểu hoặc phòng ngừa các biến chứng tim mạch có thể xảy ra trong suốt quá trình điều trị chu phẫu.
Vấn đề chủ yếu là phải bảo đảm đủ độ mê nhưng không gây biến đổi huyết động lớn, bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ trong suốt thời gian phẫu thuật cũng như thoát mê và chăm sóc sau mổ.