"Phố cà phê đường tàu": Lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt, chính quyền cần xử lý nghiêm
Để bảo đảm an toàn hành lang đường sắt, an toàn cho chính người dân và khách du lịch, ngày 15/9, lực lượng chức năng Hà Nội đã đặt barie tại lối vào "phố cà phê đường tàu" trên phố Phùng Hưng, Trần Phú (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), cấm tất cả du khách đến khu vực này uống cà phê và chụp ảnh.
Lực lượng chức năng chia làm 4 ca, trực từ 7h sáng đến 23h đêm mỗi ngày. Các cán bộ giải thích kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở người dân và du khách không đến "phố cà phê đường tàu" tụ tập chụp ảnh, ăn uống gây mất an toàn đường sắt, nguy hiểm đến tính mạng của chính người dân và du khách.
Trước khi chính quyền vào cuộc dẹp bỏ quán cà phê đường tàu, nhiều du khách bất chấp nguy cơ tai nạn, tụ tập chụp ảnh trên đường ray |
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân, thời gian qua quận Hoàn Kiếm cũng đã tiếp nhận nhiều phản ánh về hoạt động của những "quán cà phê đường tàu". Lực lượng chức năng cũng đã tuyên truyền, vận động và xử lý nhiều hộ kinh doanh vi phạm. Quan điểm của UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội là không đánh đổi sự an toàn của người dân với bất kể lợi ích kinh tế nào. Các cửa hàng cà phê mặt hành lang an toàn giao thông đường sắt sẽ dừng hoạt động, muộn nhất đến ngày 17/9.
Cảnh sát dựng rào, cắm biển cấm vào khu vực "phố cà phê đường tàu" |
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về những quy định pháp lý bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết: Việc đảm bảo an toàn đường sắt là vấn đề quan trọng, để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của hành khách, người dân, đặc biệt là những người dân sống xung quanh khu vực đường sắt.
Thực tế cho thấy đường sắt qua trung tâm TP Hà Nội có nhiều đoạn các hộ kinh doanh mở các hàng quán sát với đường tàu, gây mất an toàn đường sắt từ nhiều năm nay. Nhiều khách du lịch xem như một hoạt động ẩm thực độc lạ, "cảm giác mạnh"... Đến nay, TP Hà Nội quyết tâm dẹp bỏ các hàng quán thuộc khu vực hành lang đường sắt để đảm bảo an toàn đường sắt là quyết định được nhiều người dân ủng hộ.
Luật sư Cường viện dẫn: Khoản 2 Điều 3 Nghị định 56/2018/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt quy định như sau: Hành lang an toàn đường sắt là phạm vi được xác định bởi khoảng không, vùng đất, vùng nước xung quanh liền kề với phạm vi bảo vệ đường sắt, để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết và bảo đảm tầm nhìn cho người tham gia giao thông.
Cũng theo quy định tại Điều 16 Nghị định 56/2018/NĐ-CP về hành lang an toàn giao thông đường sắt: 1. Chiều rộng hành lang an toàn giao thông đường sắt tính từ mép ngoài phạm vi bảo vệ đường sắt trở ra mỗi bên được xác định như sau:
a) Đường sắt tốc độ cao: Trong khu vực đô thị là 5 mét, ngoài khu vực đô thị là 15 mét. Đối với đường sắt tốc độ cao, phải xây dựng rào cách ly hành lang an toàn giao thông đường sắt để tránh mọi hành vi xâm nhập trái phép; b) Đường sắt đô thị đi trên mặt đất và đường sắt còn lại là 3 mét.
Theo quy định tại khoản 2, Điều 9 Luật đường sắt có hiệu lực ngày 16/06/2017 quy định: Nghiêm cấm hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt.
Tại Điểm h, Khoản 2, Điều 6 và Điểm d, khoản 3, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định phạt tiền đối với người điều khiển xe ô tô, mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự: Dừng xe, đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt….
Theo thống kê, có hơn 30 hộ dân kinh doanh cà phê nằm ngay sát tuyến đường tàu đi qua địa bàn 5 phường của quận Hoàn Kiếm. |
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì hành lang đường sắt đô thị được quy định tối thiểu 3m, nếu là đường cao tốc thì tối thiểu 5m. Việc lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang đường sắt là hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Đối với các công trình xây dựng thuộc phạm vi hành lang bảo vệ an toàn đường sắt thì cơ quan chức năng cũng phải xem xét làm rõ nguồn gốc, giấy tờ pháp lý để xác định sẽ áp dụng biện pháp hành chính là biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi lấn chiếm hay ban hành quyết định thu hồi đất để bồi thường hỗ trợ tái định cư đối với các hộ dân trong trường hợp họ đủ điều kiện để được bồi thường hỗ trợ tái định cư theo quy định pháp luật.
Trao đổi với báo chí về việc đóng cửa hay duy trì “phố cà phê đường tàu”, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình nêu quan điểm: Từ góc độ một người làm về giao thông, tôi không thể ủng hộ. Không có cà phê đường tàu, Hà Nội vẫn có nhiều điểm du lịch hấp dẫn, an toàn với khách du lịch. Người ta sẽ không hài hòa an toàn giao thông với phát triển du lịch thông qua hoạt động kinh doanh ven hành lang an toàn của đường sắt. Đồng tình với quan điểm trên, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng: Việc kinh doanh ảnh hưởng tới hành lang, lối đi và đường sắt là không nên. Hà Nội có nhiều điểm vui chơi, thành phố đóng cửa phố cà phê đường tàu để đảm bảo an ninh, an toàn giao thông là cần thiết. |