“Phố Sách mùa thu” - điểm đến lý tưởng với những hoạt động ý nghĩa, nhân văn
Khai mạc hoạt động cộng đồng "Phố sách tháng 10 - Ngôn ngữ và nguồn cội" |
Làm cho Phố Sách trở thành nơi đáng đến hơn
Hà Nội đang trong những ngày thu thật đẹp.
Phố Sách Hà Nội là một trong các “Phố Hàng” mới của Hà Nội ba mươi sáu phố phường, với không gian yên tĩnh và thanh lịch, sẽ cùng bạn mở ra những trang sách mới còn thơm mùi mực trong tiết thu se se lạnh, tưởng không còn gì thú vị hơn…
Ban tổ chức chia sẻ về các hoạt động tại sự kiện |
Mùa thu về, cùng gió heo may, cùng những chiếc lá vàng ngủ yên trên hè phố, lòng người nhẹ nhõm, thư thái, có cảm giác muốn được sống chậm hơn, được xích lại gần nhau hơn… Đến với Phố Sách mùa thu chúng ta cùng nhau chia sẻ những cuốn sách hay, cùng đắm mình trong văn hóa thanh lịch của người Tràng An, cùng trải nghiệm những nét đẹp văn hóa ngàn năm của dân tộc… được bao nhà văn nhà thơ gửi gắm qua những trang sách…
Đến với Phố Sách mùa thu chúng ta cùng bạn bè, cùng gia đình đọc to những trang văn đẹp, vang lên những âm thanh diệu kỳ của tiếng Việt mến yêu và cùng lắng lòng mình để cảm nhận Thăng Long xưa và nay, “Thăng Long phi chiến địa” mà cha ông đã bao công gìn giữ, để lớp con cháu chúng mình được cùng nhau, bình yên hôm nay, thưởng thức những ngày thu đẹp bên những trang sách hay cùng người thân, bè bạn…
Mình cũng sẽ cùng nhau trở về nguồn cội, không chỉ để yêu thêm tiếng Việt mà còn là để cùng nhau giữ gìn và làm giàu có hơn tiếng Việt, cùng nhau gìn giữ và nuôi dưỡng bản sắc văn hóa dân tộc… thông qua những cuốn sách văn học viết bằng tiếng Việt đậm chất văn chương và các tác phẩm văn học dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt với sự tinh tế đầy mê hoặc của ngôn ngữ dân tộc…
Họa sĩ Ngô Xuân Khôi - nguyên họa sĩ trưởng của NXB Phụ nữ chia sẻ về con sao la - linh vật của SEA Games 31 khiến các bạn nhỏ rất thích thú |
Chính vì thế, hãy làm Phố Sách trở thành nơi đáng đến không chỉ mỗi cuối tuần, mỗi khi có sự kiện mà còn là điểm đến thường xuyên của Hà Nội.
Bởi vì, theo như bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam: “Chúng ta, người dân Thủ đô, đã được Thành phố Hà Nội “tặng cho” một phố Hàng mới, phố hàng về Sách, về văn hoá…
Chúng ta nên cùng nhau vun đắp để Phố Sách trở thành một điểm đến không chỉ cho người yêu sách, mà đó còn là một điểm đến cho cộng đồng, cho những ai yêu Hà Nội và văn hoá Hà Nội, cho những người Hà Nội nhớ về Phố Sách như nhớ về Phố Phái ngày xưa…
Các em nhỏ chăm chú đọc sách tại Phố Sách |
Chúng ta cùng làm cho Phố Sách mang hồn cốt của Hà Nội, của đất kinh kỳ, của Thăng Long ngàn năm văn hiến, của đất Tràng An thanh lịch, của Hà Nội thủ đô văn minh, thành phố vì hoà bình, thành phố Học tập, thành phố văn chương mà có thể rồi đây sẽ được UNESCO vinh danh là một trong các thủ đô văn chương của thế giới… Chúng ta hoàn toàn có thể mơ như vậy? Tại sao không?
Vậy thì chúng ta sẽ cùng nhau biến những giấc mơ trên thành hiện thực… từ những việc làm rất nhỏ cho Phố Sách hôm nay”.
Những hoạt động ý nghĩa
Hoạt động cộng đồng ở Phố Sách Mùa Thu tháng 10 này để mọi người cùng nhau ủng hộ sách cũ và sách mới cho các em nhỏ ở hai xã vùng dân tộc miền núi còn khó khăn là xã Ma Thì Hồ và xã Pa Thơm của tỉnh Điện Biên, nơi các em nhỏ dân tộc còn chưa có nhiều sách tiếng Việt để đọc để học tiếng Việt.
Độc giả cùng nhau Thiền và vẽ tranh cùng các trẻ em gặp khó khăn về ngôn ngữ, giao tiếp, cùng các em mở ra những thế giới của sự kết nối và đồng cảm, và trên hết, trẻ em cùng người lớn chúng mình sẽ cùng nhau mở ra một thế giới diệu kỳ qua những trang sách và những yêu thương…
Bên cạnh đó là hoạt động ủng hộ sách tiếng Việt cho các em nhỏ gốc Việt đang học tiếng Việt ở Berlin (Đức) để các em không quên ngôn ngữ, nguồn cội… nhờ những nỗ lực của người lớn cùng nhau gom sách và tặng sách cho trẻ thơ.
Đông đảo độc giả đến mua sách tại Phố Sách |
Theo chia sẻ của đại diện NXB Phụ nữ Việt Nam, hoạt động này bắt nguồn từ một lá thư của chị Hương Nguyễn - giáo viên giảng dạy môn học Tiếng Việt - Ngôn ngữ cội nguồn tại trường Barnim Gymnasium và một trường Tiểu học tại Berlin (Đức).
Chị Hương Nguyễn viết: “Berlin là một thành phố dân cư có tính quốc tế cao. Chính vì vậy, môn học Ngôn ngữ cội nguồn (dành cho các học sinh có nguồn gốc nhập cư) như tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, tiếng Ba Lan, tiếng Kurd, tiếng Ả Rập… từ nhiều năm nay đã được giảng dạy trong trường học. Từ tháng 11 năm 2021, tiếng Việt cũng được Bộ Giáo dục, Thanh thiếu niên và Gia đình của Bang Berlin thông qua và đưa vào danh sách các ngôn ngữ cội nguồn được dạy ở các trường phổ thông (từ lớp 1 đến lớp 10).
Trong quá trình giảng dạy, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn trong việc hình thành thói quen đọc sách tiếng Việt và nâng cao năng lực đọc hiểu cho học sinh vì nguồn sách tiếng Việt ở Berlin khá hạn chế và chưa có một tủ sách cộng đồng cho thanh thiếu niên gốc Việt ở đây. Chính vì vậy, với cương vị là một giáo viên, tôi có mong muốn xây dựng một Thư viện sách thiếu nhi tiếng Việt tại Berlin. Đó sẽ là nơi các em học sinh và các gia đình quan tâm nuôi dưỡng tiếng Việt cho con em ở đây có thể đến mượn hoặc đọc sách miễn phí.
Bạn Đỗ Trần Minh Hiếu - sinh viên chuyên ngành Hán Nôm, trường ĐH KHXH và Nhân Văn Hà Nội) viết câu đối tặng thư viện tiếng Việt dành cho thanh thiếu niên gốc Việt tại Berlin (Đức) |
Tôi viết thư này đến Nhà xuất bản vì rất mong nhận được sự giúp đỡ từ trong nước. Nếu chúng tôi được hỗ trợ những đầu sách thiếu nhi cho các độ tuổi từ 0 đến 15 để có thể xây dựng một thư viện cộng đồng cho con em người Việt tại Berlin thì việc gìn giữ và nuôi dưỡng tiếng Việt các thế hệ tương lai sẽ có nhiều thuận lợi hơn”.
Cùng nhau lan tỏa văn hóa Việt
Những hoạt động ý nghĩa này nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ các em học sinh cũng như độc giả đến Phố Sách.
Em Nguyễn Minh Nguyệt - học sinh trường Tiểu học Điện Biên |
Em Nguyễn Minh Nguyệt - học sinh trường Tiểu học Điện Biên (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Thứ 7, chủ nhật hàng tuần con hay được bố mẹ cho đến Phố Sách để mua sách và đọc sách. Hôm nay con rất vui khi được cùng các bạn đến tham gia hoạt động cộng đồng của “Phố Sách tháng 10”. Ở đây con được tham gia những buổi đọc sách hay, bổ ích cho tương lai của con sau này”.
Đặc biệt, với việc quyên góp sách để tặng các bạn học sinh vùng cao và các bạn học tiếng Việt tại Đức, em Minh Nguyệt chia sẻ: “Đây là là việc làm vô cùng ý nghĩa, con muốn lan tỏa thật rộng cho các bạn ở nơi khó khăn có thêm thật nhiều cuốn sách hay, bổ ích để đọc hàng ngày. Đặc biệt với những bạn cùng trang lứa chúng con ở bên Đức mà cũng được đọc những cuốn sách như con và các bạn ở Việt Nam đang đọc thì thật là tuyệt”.
Cô Trương Mỹ Hạnh - Tổng phụ trách của trường Tiểu học Điện Biên |
Cô Trương Mỹ Hạnh - Tổng phụ trách của trường Tiểu học Điện Biên (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Bản thân tôi và nhà trường đều mong muốn cho các con được tham gia nhiều chương trình để phát triển văn hóa đọc, tiếp xúc nhiều hơn với sách, với báo giấy, với chữ nghĩa từ các bản in. Hiện nay internet phát triển và nhiều khi các bạn sống trên mạng nhiều quá, cần phải có những hoạt động kéo các bạn về cuộc sống thực tại.
Khi đọc sách nhiều, các em học sinh sẽ được bồi đắp tâm hồn, rèn luyện khả năng dùng ngôn ngữ, tư duy nhiều hình tượng với trí tưởng tượng phong phú, có lợi cho việc học, việc giáo dục của nhà trường”.
Cô Trương Mỹ Hạnh cũng tâm sự rằng: “Tham gia với ngày hội sách bản thân tôi cũng như giáo viên trong trường mong muốn lan tỏa tinh thần mang tri thức tới mọi miền Tổ quốc. Ở vùng sâu vùng xa các em nhỏ khó khăn trong việc học hành, đi lại chứ chưa nói đến việc có những cuốn sách hay, sách đẹp để đọc.
Hàng năm trường Tiểu học Điện Biên chúng tôi cũng có những đợt quyên góp sách giáo khoa, sách khoa học, truyện… để gửi các bạn thông qua các chương trình. Hôm nay chúng tôi đưa học sinh đến đây để cho các em hiểu thêm về việc chia sẻ sách, chia sẻ tri thức và hỗ trợ bạn bè đồng trang lứa những gì họ thiếu, họ cần.
Thông qua điều này, chúng ta vừa được phát triển văn hóa đọc, vừa được nhân lên tình tương thân tương ái của đồng bào. Chúng tôi muốn không chỉ lan tỏa tới các em học sinh mà còn lan tỏa tới tất cả gia đình các em góp phần đưa văn hóa Việt tới mọi miền đất nước và cả ra nước ngoài nữa”.