Phó Thủ tướng: Quản lý điện mặt trời còn lúng túng, phát triển theo phong trào
Bộc lộ những bất cập khi "bùng nổ" điện mặt trời Bộ Công thương: Sẽ sớm có cơ chế mới về giá bán điện mặt trời mái nhà |
Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng, EVN cần đầu tư phát triển lưới điện đồng bộ với phát triển nguồn điện, khắc phục triệt để hiện tượng quá tải tại một số đường dây và trạm biến áp, đặc biệt chú trọng việc giải tỏa công suất nguồn điện năng lượng tái tạo.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) |
“EVN cần phối hợp với Bộ Công thương để có cơ chế phù hợp đảm bảo khuyến khích người dân phát triển các hệ thống điện mặt trời áp mái phục vụ cho tiêu dùng và sản xuất, đảm bảo công bằng, hài hòa. Thời gian vừa qua việc quản lý còn lúng túng, nên bị phát triển theo phong trào… cần nghiên cứu từng bước, không được để xuất hiện trục lợi chính sách mà không quản lý được”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo Chính phủ cho rằng, hệ thống pháp luật liên quan, đặc biệt là các cơ chế, chính sách cho phát triển ngành điện còn nhiều bất cập, trong đó đáng chú ý là vẫn đề bảo lãnh vay vốn của tập đoàn, vốn đầu tư cho phát triển ngành điện rất lớn, nhưng việc huy động vốn gặp nhiều khó khăn, có dự án hàng tỷ USD nhưng rất thiếu vốn.
Theo Phó Thủ tướng, EVN cần đầu tư phát triển nguồn điện và lưới điện đồng bộ theo quy hoạch và kế hoạch được duyệt, tập trung tháo gỡ các khó khăn của các dự án chậm tiến độ, kể cả các dự án của EVN, Tập đoàn Than - Khoáng sản, đầu tư tư nhân, nước ngoài. Trong đó, riêng các dự án chủ đầu tư bỏ dở, dừng đầu tư thì xem xét chuyển đổi chủ đầu tư để tiếp tục thực hiện.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Tài Anh - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 69.300MW, tăng gần 14.000MW so với năm 2019. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và thứ 23 thế giới.
Theo ông Tài Anh, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2020 là 247,08 tỷ kWh, điện thương phẩm đạt 216,95 tỷ kWh, lần lượt tăng 2,9% và 3,42% so với năm 2019.
Trong công tác đầu tư cấp điện nông thôn, miền núi, đặc biệt khu vực chưa có điện, các đơn vị của EVN đã thu xếp vốn với tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng để cấp điện cho gần 14.000 hộ dân chưa có điện thuộc các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Kon Tum, Bạc Liêu...
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương, EVN đã thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện trong 2 đợt với tổng số tiền khoảng 12.300 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT).