Phòng chống sốt xuất huyết: Đảm đảm bảo an toàn cho trẻ dịp Tết Trung thu
![]() |
Nỗi niềm phụ huynh
Không khí Tết Trung thu đã len lỏi khắp phố phường Hà Nội, trẻ em náo nức đón chờ. Tuy nhiên, đan xen với không khí vui tươi đó là nỗi niềm lo ngại của phụ huynh vì dịch sốt xuất huyết năm nay diễn biến phức tạp.
Mặc dù, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã thông báo dịch sốt xuất huyết tạm thời được khống chế. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết thất thường, mùa mưa bão, ẩm ướt, nhiều người dân lo ngại nguy cơ bùng phát cao.
Anh Trịnh Minh Hoàng (35 tuổi, Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Hôm trước đọc báo, tôi thấy dự báo dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát trở lại vào tháng 10. Thángnày mưa nhiều, ẩm ướt, tạo điều kiện lý tưởng để muỗi sinh sôi nảy nở, truyền dịch sốt xuất huyết. Vì vậy, tôi rất dè chừng, không dám cho con đi chơi ở những nơi từng phát dịch. Dịp Trung thu, cho con đi chơi ở đâu cũng là vấn đề khiến tôi phải băn khoăn”.
![]() |
Cảnh tượng hàng loạt trẻ em nhập viện vì sốt xuất huyết vẫn ám ảnh người dân Thủ đô. Chị Lê Thị Mỹ Nguyên (29 tuổi, Hà Nội) tâm sự: “Tôi vẫn còn rùng mình khi nhớ lại cảnh mình nhập viện 2 lần vì sốt xuất huyết. Vì vậy, tôi không dám chủ quan. Mấy tháng nay, con tôi luôn phải bôi thuốc chống muỗi”.
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận khoảng 120.000 người mắc bệnh sốt xuất huyết (tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó 26 trường hợp đã tử vong. Hà Nội là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất cả nước. Dịch bệnh này đang có xu hướng giảm trên địa bàn Thủ đô.
Mới đây, Bộ Y tế họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tập trung đánh giá tình hình dịch tại Hà Nội. Theo đó, số ca mắc sốt xuất huyết ở Thủ đô đã giảm 18% nhưng vẫn còn 20% số gia đình có bọ gậy. Các chuyên gia đánh giá dịch bệnh này ở Hà Nội đã giảm nhưng chưa bền vững. Vì vậy, các hộ dân không nên chủ quan.
Trên thực tế, người dân sống gần kênh mương dọc đường tàu ở tổ 4, Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội) nơm nớp lo sợ dịch sốt xuất huyết. Do ở đây, cứ vào cuối tuần, nước thải từ khu công nghiệp và nhà máy xả trộm ra, nước bốc mùi hôi thối, muỗi kéo đến nhiều. Mặc dù, các gia đình đã chủ động phun thuốc diệt muỗi nhưng chỉ vài giờ đồng hồ sau phun, lượng hóa chất sẽ khuếch tán trong không gian và bay đi hết, những đàn muỗi khác vẫn tiếp tục bay vào nhà, tấn công và truyền bệnh cho người.
Ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, khi phun hóa chất diệt muỗi, cần phun ở tất cả các tầng trong nhà, nhằm diệt hết được đàn muỗi, tránh tình trạng muỗi di chuyển từ tầng dưới lên tầng trên, từ nhà này sang nhà khác. Bên cạnh đó, việc phun hóa chất chỉ là giải quyết phần “ngọn”, phần “gốc” của việc dập dịch sốt xuất huyết phải là diệt lăng quăng, bọ gậy trong các hộ gia đình.
Bảo vệ trẻ mọi lúc, mọi nơi
Kết quả giám sát tại cộng đồng của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy, mật độ muỗi và bọ gậy ở Hà Nội vẫn có xu hướng tăng sau 1 tuần phun hóa chất diệt muỗi và tổ chức tìm diệt bọ gậy. Chẳng hạn, tại phường Khương Thượng, quận Đống Đa, trước khi phun hóa chất, chỉ số mật độ muỗi là 0,7; sau khi phun 1 ngày, chỉ số này trở về 0. Tuy nhiên, 7 ngày sau, mật độ muỗi lại tăng lên mức 0,2. Nguyên nhân là do thời tiết hiện nay mưa nắng xen kẽ đều đặn, rất thuận lợi cho muỗi sinh sản và bọ gậy phát triển. Do đó, dịch bệnh sốt xuất huyết ở Hà Nội vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát mạnh trở lại.
Với những nguy cơ tiềm ẩn đó, các cơ quan chính quyền địa phương cần có kế hoạch đảm bảo an toàn khu vui chơi cho trẻ em dịp Tết Trung thu tới đây.
“Để đảm bảo an toàn, chúng tôi lên kế hoạch cử đoàn viên, thanh niên đi phun thuốc diệt muỗi từ chiều ngày hôm trước. Chúng tôi cũng cho lắp thêm bóng đèn xung quanh khu sân khấu, đảm bảo đủ ánh sáng để các cháu vui chơi và phòng tránh muỗi đốt”, đại diện tổ 4, Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội) cho biết.
Bên cạnh những động thái của cơ quan chính quyền, người dân vẫn cần phải có ý thức tự gìn giữ vệ sinh xung quanh nơi ở. Thanh niên tình nguyện cần tiếp tục ra quân triển khai phun hóa chất diệt muỗi, diệt bọ gậy ở các khu ẩm thấp, cây um tùm và các vi trí muỗi thường sinh sản, xử lý các dụng cụ chứa nước sạch sẽ, phát quang bụi rậm… Đối với trẻ em, phụ huynh cần cho trẻ ngủ màn cả ban đêm lẫn ban ngày, không để trẻ chơi ở những nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp để tránh muỗi đốt, thoa thuốc chống muỗi lên những vùng da lộ ra ngoài để bảo vệ trẻ mọi lúc, mọi nơi.
Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh như đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa, bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn…
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Cảnh báo gia tăng tai nạn thương tích ở trẻ trong dịp hè

Công tác y tế, phòng dịch được đảm bảo

Sắp xếp cơ sở y tế khi thực hiện chính quyền 2 cấp

Thói quen nặn mụn bằng tay gây nhiễm trùng nặng dẫn đến tử vong

Chàng trai nhập viện vì tràn khí màng phổi khi tập gym quá sức

Đẩy mạnh phát triển y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại

"Gỡ khó" về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực dược

Bệnh viện Nam Thăng Long đủ điều kiện triển khai bệnh án điện tử

Thêm bệnh viện thứ 15 hoàn thành triển khai bệnh án điện tử
