Phụ huynh mong muốn cho con đến trường khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin
“Nên thích ứng với tình hình dịch bệnh”
Hà Nội gần đây đang có nhiều ca nhiễm mỗi ngày, dù thế chị Phương (42 tuổi, sống tại quận Tây Hồ, Hà Nội) hiện đang có con gái học lớp 12 cho rằng không còn cảm giác sợ hãi dịch bệnh như trước.
Chị Phương mong muốn con mình có thể được quay trở lại trường học trực tiếp. Chị nhận thấy trong thời gian học trực tuyến ở nhà, mặc dù không được đến trường nhưng con vẫn được gia đình cho đi chơi, mua sắm. Chưa kể, thành phố đã cho người dân trở lại cuộc sống bình thường, bố mẹ đi làm, giao tiếp với đối tác, nhân viên vẫn có thể mang mầm bệnh về nhà. Vì vậy, ở nhà chưa chắc đã an toàn hơn.
Nhiều phụ huynh ở khu vực nội thành mong cho con đi học trở lại |
“Do đặc thù công việc, chồng tôi thường xuyên phải gặp gỡ, ký kết hợp đồng với rất nhiều đối tác. Có những hôm, chồng còn phải đi công tác nhiều tỉnh, thành phố khác. Bản thân tôi là nhân viên ngân hàng hàng, hằng ngày cũng phải giao dịch với không ít khách hàng vì thế có thể mang mầm bệnh về nhà cho con.
Tôi nghĩ, nếu các con được tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì nên tổ chức cho học sinh quay trở lại trường học khi nhà trường đã đáp ứng đầy đủ điều kiện và tiêu chí phòng dịch. Con tôi là học sinh cuối cấp, chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh đại học nên việc quay trở lại trường học là điều rất cần thiết. Nói gì thì nói, học trực tuyến dù tốt đến mấy thì cũng không thể bằng học ở trường được. Khi nghe tin Hà Nội đề xuất cho trẻ đi học trở lại sau Tết, tôi hoàn toàn đồng ý”, chị Phương chia sẻ.
Chị Trần Phương Thảo (35 tuổi, sinh sống tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng: “Trong giai đoạn hiện nay, việc xác định F1 cũng phải khác thời điểm trước. Chúng ta nên thích ứng với tình hình dịch bệnh. Vì thế chỉ cần nhà trường chuẩn bị tốt, các cháu tuân thủ các quy định phòng chống dịch thì có thể cho học sinh đi học trực tiếp, nâng cao hiệu quả việc tiếp thu kiến thức, đáp ứng nhu cầu giao tiếp, giải tỏa tinh thần”.
Hầu hết học sinh từ 12 tuổi trở lên đều đã được tiêm phủ vắc xin |
Ngoài các ý kiến đồng tình, không ít phụ huynh vẫn còn thấy lo lắng. Chị Bùi Thị Hằng (37 tuổi, sinh sống tại quận Ba Đình, Hà Nội) không muốn con mình đi học trực tiếp dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp hiện nay. Chị cho rằng việc học là cả đời, không vội 1 - 2 tháng. Hiện tại, tình hình dịch phức tạp, mỗi ngày hàng nghìn ca nhiễm, trong đó có rất nhiều ca cộng đồng nên chị không yên tâm cho con trở lại trường.
Đến trường để phát triển kỹ năng xã hội
Có thể thấy việc bao phủ vắc xin cho trẻ trong độ tuổi từ 12 đến 17 đang được tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước gấp rút triển khai. Tiêm đủ 2 liều cơ bản là điều kiện cần để có thể cho học sinh quay trở lại trường học trực tiếp. Tuy nhiên, khi xét đến điều kiện đủ, ngoài ý kiến đồng tình hay không của phụ huynh còn phải xem xét đến tâm lý của trẻ sau một thời gian dài nghỉ dịch, học online ảnh hưởng đến hiệu quả học tập.
Đi học trực tiếp để học sinh phát triển kỹ năng xã hội |
Anh Bùi Văn Quang (40 tuổi, sinh sống tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có con học lớp 10 chia sẻ: “Lúc mới nghỉ 1 - 2 tháng đầu thì con lại luôn mong muốn được đi học trở lại, được gặp gỡ bạn bè, thầy cô. Tuy nhiên, sau một thời gian dài nghỉ dịch, khi nhà trường có thông báo đề xuất cho đi học trở lại thì con lại không hào hứng. Bởi con cho rằng học ở nhà thoải mái hơn, thời gian học ít hơn, không phải chịu sự giám sát của nhà trường, thầy cô, không phải thức dậy sớm để đi học. Điều đáng nói là con trở nên lười gọi điện nói chuyện trực tiếp với thầy cô, bạn bè. Toàn bộ giao tiếp, con chuyển sang chat trên mạng xã hội”.
Đây cũng là nỗi lo của rất nhiều bậc phụ huynh và mong muốn khi trở lại trường con sẽ thích ứng được nền nếp, yêu cầu của trường lớp để việc học đạt hiệu quả tốt nhất sau thời gian dài nghỉ dịch.
TS chuyên ngành tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh, Tổng giám đốc Học viện Thành Công (Hà Nội), cho rằng, học trực tuyến kéo dài sẽ kéo theo những tổn thương, biến đổi về tâm lý, tạo thói quen sinh hoạt khác. Thậm chí, nhiều học sinh học online lâu cảm thấy hiệu quả hơn tới trường bởi có thể tự tạo không gian học, vị trí, cách học phù hợp. Tuy nhiên, những thói quen, suy nghĩ này cần thay đổi bởi con người phải có sự tương tác, thích nghi, giao tiếp.
Giúp trẻ thích nghi với thói quen đi học trực tiếp
Cũng theo TS Vũ Việt Anh, muốn học sinh, sinh viên nhanh chóng thích ứng nền nếp, thói quen học tập khi trở lại học trực tiếp, thầy cô không cần quá tập trung việc hoàn thiện kiến thức ngay mà hãy dành thời gian củng cố, tổ chức lại lớp học, xây dựng mối quan hệ giữa các em với nhau, giữa học sinh với giáo viên; Cần tổ chức hoạt động để tạo ra không khí đoàn kết, gắn bó, tâm lý thoải mái, từ đó giúp học sinh có động lực tới trường.
Để con đến trường trực tiếp, cha mẹ, thầy cô nên cho trẻ thích ứng dần |
“Để đạt được kết quả tốt nhất, phụ huynh cần giám sát, đôn đốc nhắc nhở, động viên, giải thích cho con hiểu việc tới trường quan trọng ra sao; Đến trường không đơn giản là học kiến thức mà còn là nơi con được phát triển toàn diện kỹ năng xã hội, kỹ năng bản thân… Khi được sống và làm quen trong môi trường văn hóa đa dạng sẽ tạo ra tính thích nghi để các em thích ứng với môi trường làm việc sau này.
“Mọi chuyển đổi cần có thời gian để thích nghi, sau đó mới tính đến đáp ứng đòi hỏi, yêu cầu của môn học, kỷ luật trường học. Như vậy, học sinh mới thích ứng và phát triển kịp yêu cầu học tập, trường lớp”, TS Vũ Việt Anh khẳng định.
Việc cho học sinh quay trở lại trường học trực tiếp cần phải căn cứ dựa trên nhiều điều kiện thực tiễn. Thực tế, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã cho học sinh cuối cấp ở các vùng có mức độ dịch cấp độ 2 đến trường. Tuy nhiên mong muốn của phụ huynh là cho tất cả học sinh quay trở lại trường sau khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin bởi học trực tuyến quá lâu sẽ khiến nhiều trẻ gặp những vấn đề về tâm lý. Hy vọng, sau dịp Tết Nguyên đán mọi thứ đều trong tầm kiểm soát để học sinh có thể đi học trực tiếp.