"Phục hồi xanh" - xu thế phát triển tất yếu hậu COVID-19
Xu hướng toàn cầu "phục hồi xanh"
Trong bối cảnh các quốc gia dần nới lỏng các biện pháp kiểm soát và bước đầu lên kế hoạch phục hồi sau COVID-19, khái niệm “phục hồi xanh” được nhắc đến như một phương thức hồi sinh nền kinh tế thuận khoa học; Giải quyết được các thách thức về y tế, biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học; Đồng thời tăng sức chống chịu của nền kinh tế đối với những khủng hoảng khác có thể xảy ra trong tương lai.
Dự án điện gió đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng |
Ứng phó với biến đổi khí hậu và phục hồi xanh sau đại dịch COVID-19 trở thành ưu tiên hàng đầu của các quốc gia.
Ông Ken O’Flaherty, Đại sứ COP26 (Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc) của Chính phủ Anh cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nam Á cho biết: "Những quyết định mà các quốc gia đưa ra trong quá trình phục hồi sau COVID-19 sẽ đặt nền tảng cho tăng trưởng lành mạnh và bền vững, hoặc sẽ tiếp tục duy trì nền kinh tế phát thải cao và gây ô nhiễm trong nhiều thập kỷ tới.
Các chính phủ có một cơ hội duy nhất để ưu tiên năng lượng và công nghệ xanh khi họ lập kế hoạch phục hồi của mình. Nền kinh tế xanh tạo ra tăng trưởng bền vững và thêm nhiều việc làm, đồng thời giải quyết những thách thức cấp bách liên quan về sức khỏe cộng đồng, biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học. Việt Nam đang là một trong những quốc gia có sẵn những lợi thế để hành động sau COVID-19".
Đây sẽ là một tiến trình chuyển đổi sâu sắc, đòi hỏi Việt Nam phải tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế, cũng như các mục tiêu, chiến lược quốc gia có liên quan theo hướng tăng trưởng xanh, ít phát thải khí nhà kính và chống chịu tốt trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và những cú sốc từ bên ngoài.
Đồng thời, xu hướng sống xanh, tiêu dùng xanh cũng đang đặt ra bài toán mới cho các doanh nghiệp Việt Nam để phù hợp với xu thế phát triển chung và nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh ở cả thị trường trong và ngoài nước.
Do vậy, các doanh nghiệp cần phải xác định được giá trị cốt lõi của mình cũng như lựa chọn được giải pháp, phương án phát triển phù hợp với xu thế trong tương lai xa, thay vì chỉ giải quyết những vấn đề trước mắt. Đồng thời, "phục hồi xanh", tăng trưởng xanh đang trở thành con đường ra cho doanh nghiệp sau một thời gian dài khủng hoảng vì dịch COVID-19.
Thời cơ của phục hồi xanh
Câu chuyện nhiều doanh nghiệp lao đao vì đại dịch thậm chí "biến mất" sau hai năm ảnh hưởng dịch COVID-19 không phải hiếm gặp. Tuy nhiên, vẫn xuất hiện những doanh nghiệp lại tăng trưởng mạnh nhờ sản phẩm và công nghệ đằng sau nó phù hợp với những thay đổi mà đại dịch gây ra với thói quen người dùng.
TS.Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, COVID-19 đã đẩy xu thế phát triển xanh lên tầm mới. Áp lực tiêu dùng giờ phải xanh, an toàn, nhân văn và trách nhiệm.
Theo TS Thành, bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất - kinh doanh sau hơn 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đang nỗ lực thúc đẩy hoạt động theo hướng tăng trưởng xanh hay "phục hồi xanh". Hướng đi này một mặt giúp họ gia tăng sức chống chịu trước những cuộc khủng hoảng trong tương lai, mặt khác nắm bắt xu thế chung toàn cầu.
Nông nghiệp Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất đáp ứng xu thế tăng trưởng xanh |
Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp đang đi theo xu hướng hạn chế phát thải khí CO2, hóa chất độc hại từ các khu công nghiệp, khu chế xuất ra ngoài môi trường; đồng thời, nghiên cứu phát triển các nguồn năng lượng mới, máy móc kỹ thuật mới thân thiện với môi trường.
Các tổ chức tài chính, ngân hàng đẩy mạnh cam kết cung cấp nguồn vốn xanh cho các dự án sản xuất, kinh doanh mang yếu tố bền vững. Trong khi đó, hàng loạt doanh nghiệp du lịch đang tích cực truyền thông về các tour du lịch tuần hoàn, tour du lịch xanh...
Tại thị trường trong nước, trước nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp cũng đã thay đổi chiến lược, chọn hướng kinh doanh “xanh, sạch” làm lợi thế cạnh tranh. Họ chú trọng đầu tư về công nghệ, trang thiết bị để cải tiến quy trình, hướng tới sản xuất xanh, phát triển bền vững.
Nhiều nhà máy đã lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo để chủ động sử dụng năng lượng sạch, bên cạnh các giải pháp tiết kiệm năng lượng điện, nước trong quá trình sản xuất... Không ít nhà bán lẻ đã ưu tiên sản xuất, phân phối các sản phẩm “xanh”, đồng thời sử dụng các bao bì, vật dụng bằng chất liệu thân thiện môi trường thay vì chất liệu nylon, nhựa sử dụng một lần.
Sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng trong bối cảnh dịch COVID-19 sẽ vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các tổ chức, doanh nghiệp trong việc sản xuất, cung ứng hàng hóa theo các tiêu chí xanh, sạch, minh bạch thông tin sản phẩm để thu hút người tiêu dùng. Đồng thời, xu hướng sống xanh, tiêu dùng xanh cũng đang đạt ra bài toán mới cho các doanh nghiệp Việt để phù hợp với xu thế phát triển chung và nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh ở cả thị trường trong và ngoài nước.