Phát huy tiềm năng của khu vực tư nhân trong thúc đẩy tăng trưởng
Hàng loạt cơ chế đặc biệt cho kinh tế tư nhân Khơi dậy khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới để phát triển kinh tế tư nhân Doanh nghiệp Việt làm sao tăng sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu? |
Đó là nhận định của bà Mariam J. Sherman, Giám đốc Ngân hàng Thế giới khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia.
Liên tục cải thiện chất lượng thể chế
Tại buổi công bố báo cáo “Việt Nam 2045 - Đột phá thể chế cho một tương lai thu nhập cao” ngày 22/5, đại diện Ngân hàng Thế giới cho rằng, để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, Việt Nam cần củng cố hệ thống pháp luật và môi trường pháp lý, đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư công cả về quy mô lẫn chất lượng. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy những quốc gia vượt qua bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước thu nhập cao đều có điểm chung là “liên tục cải thiện chất lượng thể chế”.
![]() |
Bà Mariam J. Sherman, Giám đốc Ngân hàng Thế giới khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia chia sẻ tại sự kiện |
Đặc biệt, một số cải cách sẽ mang tính quyết định đối với chặng đường phát triển tiếp theo của Việt Nam. Trong đó, quản lý đầu tư công cần được cải thiện rõ nét từ khâu lựa chọn dự án, triển khai đến giám sát thực hiện.
Đồng thời, việc hoàn thiện khung pháp lý và quy định sẽ góp phần xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định và dễ dự đoán hơn. Quản trị địa phương cũng cần được nâng cao thông qua việc tăng cường quyền tự chủ, nâng trách nhiệm giải trình và đẩy mạnh phối hợp giữa các địa phương.
Để trở thành quốc gia thu nhập cao, Việt Nam cũng cần xây dựng một bộ máy công vụ hiệu quả, có trách nhiệm giải trình rõ ràng, với quy mô hợp lý, chế độ đãi ngộ phù hợp và được hỗ trợ bởi các thể chế bảo đảm “quy trình tố tụng hợp pháp, tính minh bạch và cơ chế giám sát độc lập.
Bà Mariam J. Sherman, Giám đốc Ngân hàng Thế giới khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia cho rằng, quá trình hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 đã cho thấy rõ vai trò quan trọng của thể chế trong việc đảm báo tăng trưởng bền vững của Việt Nam.
“Những nỗ lực cải cách gần đây thể hiện quyết tâm của Việt Nam, song để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần thực hiện những cải cách quyết liệt hơn nữa, đó chính là “một cú hích thể chế mang tính đột phá”, nhằm phát huy tối đa tiềm năng của khu vực tư nhân trong thúc đẩy tăng trưởng và tạo ra việc làm chất lượng cho người dân”, bà Sherman nhấn mạnh.
Biến đổi khí hậu có thể làm mất đi 12,5% GDP
Song song với cải cách thể chế, các chuyên gia nhận định, đầu tư vào thích ứng khí hậu là chìa khóa để giảm thiểu rủi ro từ các cú sốc thời tiết đối với nông nghiệp, doanh nghiệp và hạ tầng sản xuất tại Việt Nam.
![]() |
Cần phát huy tối đa tiềm năng của khu vực tư nhân trong thúc đẩy tăng trưởng (Ảnh minh họa) |
Các kịch bản dự báo cho thấy, nếu mực nước biển dâng từ 75 đến 100 cm, gần một nửa Đồng bằng sông Cửu Long có thể bị ngập vào giữa thế kỷ này. Khảo sát năm 2024 của WB cũng cho thấy khoảng 75% doanh nghiệp trong hai ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là may mặc và điện tử cũng đang hoạt động tại các khu vực chịu tác động thường xuyên của nhiệt độ cao, khiến 1,3 triệu lao động rơi vào nhóm dễ bị tổn thương.
Nếu không có các biện pháp thích ứng kịp thời, tác động của biến đổi khí hậu có thể khiến nền kinh tế Việt Nam mất đi tới 12,5% GDP vào năm 2050 so với kịch bản cơ sở, đe dọa nghiêm trọng đến khả năng hiện thực hóa mục tiêu thu nhập cao vào năm 2045.
Liên quan đến vấn đề này, bà Sherman khuyến nghị ngay từ bây giờ, Việt Nam có thể thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ đất đai, cộng đồng và cơ sở hạ tầng trước những cú sốc do biến đổi khí hậu gây ra. Theo bà, điều quan trọng là xây dựng các cơ chế và chính sách phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp, người dân chủ động thích ứng, đồng thời lồng ghép quản lý rủi ro khí hậu vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế.
Theo tính toán mà báo cáo đưa ra, đầu tư thích ứng có thể giảm thiểu đáng kể thiệt hại kinh tế, giúp thu hẹp tổn thất GDP do biến đổi khí hậu từ mức 12,5% xuống còn 6,7% vào năm 2050.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng nêu bật những cơ hội hiện hữu để Việt Nam giảm phát thải carbon, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như Chính phủ đã cam kết.
Trong đó, khu vực tư nhân được xác định là nhân tố trung tâm. Các chuyên gia của WB đề xuất các bước cụ thể nhằm thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, tận dụng các công nghệ năng lượng tái tạo với chi phí ngày càng cạnh tranh để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong ngành công nghiệp. Nếu được thực hiện hiệu quả, quá trình này sẽ mở ra động lực mới cho đổi mới sáng tạo, tăng trưởng và tạo thêm việc làm.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, Việt Nam cần phải phát huy tiềm năng kinh tế biển để thúc đẩy một tương lai xanh và thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu. Với khoảng 30% dân số đang sinh sống dọc bờ biển dài hơn 3.260 km và gần một nửa trong số 100 triệu người dân Việt Nam phụ thuộc vào hệ sinh thái biển để mưu sinh, phát triển bền vững kinh tế biển là yêu cầu cấp thiết.
Khu vực kinh tế biển cũng mang tiềm năng to lớn trong việc góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Việc mở rộng năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, với tiềm năng lên tới 475 GW cùng với năng lượng sóng, sẽ là cơ hội quan trọng để Việt Nam giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Ngoài ra, việc phục hồi rừng ngập mặn, bảo vệ thảm cỏ biển và các rạn san hô cũng đóng vai trò thiết yếu. Không chỉ tăng khả năng chống chịu của các vùng ven biển trước tác động của biến đổi khí hậu, các hệ sinh thái này còn góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm phát thải, nhờ khả năng hấp thụ và lưu trữ carbon tự nhiên.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Quảng Nam: Ưu tiên phát triển công nghệ hóa chất cao đến năm 2040

Tăng tốc hợp tác đầu tư, mở rộng kết nối chiến lược

MIK Group ra mắt hệ thống dịch vụ đặc quyền MIK Signature Privileges

UNIQLO tri ân khách hàng với loạt ưu đãi và hoạt động hấp dẫn

Vingroup sẽ lập “kỷ lục của kỷ lục” khi hoàn thành Trung tâm Triển lãm Top 10 thế giới chỉ trong 10,5 tháng

Doanh nghiệp Việt làm sao tăng sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu?

Petrovietnam đặt mục tiêu mỗi tháng vận hành một công trình mới

Bà con rưng rưng đón nhận căn nhà mơ ước...

Buồng lái mô phỏng trực thăng Airbus H175 nâng cao trình độ phi công
