Quảng Nam: 6 lần thu hồi đất làm dự án khiến người dân khốn đốn
Nhiều diện tích đất của người dân tại TP Hội An (Quảng Nam) bị thu hồi để làm dự án "phân lô bán nền" (Ảnh: V.Q)
Bài liên quan
Bất động sản Quảng Nam sẽ “phá băng” bởi chuỗi đô thị ven sông Cổ Cò
Quảng Nam tái cơ cấu thị trường du lịch theo hướng xanh, bền vững
Du lịch ảm đạm, phụ nữ Cù Lao Chàm làm hậu cần nghề cá
Quảng Nam: 1,2km đường "có một không hai" ở phố cổ Hội An
Quảng Ninh xúc tiến, kích cầu du lịch tại TP Đà Nẵng
Vài năm gần đây, cùng với nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, TP Hội An cũng đang tiến hành thu hồi đất nông nghiệp, đất ở của hàng trăm hộ dân vùng ven để triển khai các dự án bất động sản, xây dựng nhà ở... rồi giao cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc thu hồi đất quá lớn, khiến người dân đa phần là nông dân rơi vào cảnh mất đất, phải đi làm thuê hoặc đi kiện tụng để đòi quyền lợi đã và đang tạo ra một hệ lụy lớn cho xã hội.
Đi không được, ở không xong
Sau đợt mưa gây ngập úng toàn bộ diện tích vườn tược vào cuối tháng 5 vừa qua, đến nay hộ ông T.C (ngụ khối Lâm Sa, phường Cẩm Phô) vẫn chỉ biết cười cho qua chuyện. Ông chưa từng nghĩ vùng này đang bị cô lập bởi dự án phân lô bán nền của một công ty xây dựng đang "đứng bánh" như hiện nay.
Dẫn phóng viên ra khu vực khách sạn A.L.R đạt chuẩn "4 sao" nằm ngay đầu đường Trần Hưng Đạo dẫn vào khu "ngập úng" mà người dân hiện nay quen gọi, ông C tỏ ra tiếc nuối vì khu này trước kia là đất ruộng, được hàng chục hộ dân canh tác quanh năm.
Từ việc thu hồi diện tích đất này làm dự án vào năm 2013, người dân vùng Lâm Sa mới bắt đầu nhận ra tình trạng bất công bằng trong việc chính quyền ra quyết định thu hồi, giao cho doanh nghiệp triển khai thi công.
"Lúc đó, gia đình nhận được quyết định thu hồi đất từ TP Hội An. Lần đầu, gia đình bị thu hồi hơn 600m2 đất ruộng. Sau đó, ai cũng tá hỏa khi biết đất bị thu hồi được giao cho một đơn vị để làm khách sạn C.Đ có mặt tiền nhìn ra ngã tư Trần Hưng Đạo - Hai Bà Trưng. Nhìn đất bị thu hồi có giá đền bù chỉ vài chục ngàn đồng/m2, người dân tiếc nuối nhưng chẳng biết làm gì hơn", ông C nhớ lại.
Đất canh tác của người dân đang có nguy cơ bị thu hồi trắng để giao cho doanh nghiệp làm dự án (Ảnh: V.Q) |
Con đường dẫn vào các khối phố của vùng Cẩm Phô hiện đang ngổn ngang, lởm chởm đất đá vì dự án Lâm Sa - Tu Lễ - Xuân Hà đang thi công ì ạch. Nói về dự án này, ông C cũng bất bình khi 6 sào đất ruộng của gia đình bị thu hồi trắng để làm đường dẫn.
"Giá đền bù mỗi mét vuông đất màu cao hơn mấy đợt trước một chút khoảng 114 ngàn đồng (năm 2016 - PV) nhưng đã mấy năm trôi qua, bà con thất nghiệp vì đất không còn nên tiền đề bù cũng phải đem ra trang trải sinh hoạt rồi hết dần. Bà con quanh xóm, giờ ai cũng chung cảnh ngộ vì phải đi làm thuê, thất nghiệp. Không biết mai mốt vùng này sẽ như thế nào nếu nhà dân bị giải tỏa? Nếu đi thì dân không biết đi đâu, trong khi nhà cửa hiện đang xuống cấp nhưng không được sửa chữa, làm mới vì nằm trong vùng "quy hoạch treo"", ông C vừa nói vừa lắc đầu ngao ngán.
Ngồi kể chuyện, hộ ông T.K (ngụ khối Tu Lễ) vẫn chưa hết nỗi bức xúc khi yêu cầu của gia đình bị chính quyền từ chối, mặc dù trước đó đã hiến cả 1.000m2 đất ruộng để dự án Lâm Sa - Tu Lễ - Xuân Hà được triển khai sớm.
Ông K than phiền: "Nguyện vọng duy nhất của gia đình là xin giữ lại số diện tích đất màu để canh tác. Nhiều lần họp riết, bản thân thấy không còn khả năng nên quyết định không giao đất.
Một dự án mà gia đình bị thu hồi đến hơn 3 thửa đất. Để giữ kế sinh nhai, người dân chỉ muốn giữ lại một phần đất để canh tác, đây là nguyện vọng chính đáng nhưng vẫn không được là điều vô lý. Doanh nghiệp muốn làm dự án thì nên hài hòa lợi ích để người dân được ổn định sinh sống, không mất việc làm. Bà con đã khổ nhiều, nay nhìn cảnh đất đai mất dần, ai cũng thấy xót xa", ông K tâm sự.
Thu hồi đất ruộng xây khách sạn 4 sao
Vào những ngày cuối tháng 11/2013, 7 hộ dân thuộc khối Lâm Sa, phường Cẩm Phô bất ngờ nhận được thông báo thu hồi đất ruộng từ Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư, nay là Ban Quản lý dự án và Quỹ đất TP Hội An.
Tưởng việc thu hồi đất để thực hiện khu ẩm thực Cẩm Phô, các hộ có đất bị ảnh hưởng không ngần ngại nhận quyết định đồng ý nhận bồi thường (khoảng 50 ngàn đồng/m2 đất ruộng). Một số hộ có diện tích cây cối, vật kiến trúc và nhà cửa bị ảnh hưởng cũng sẵn sàng chấp nhận bàn giao mặt bằng cho Nhà nước theo chủ trương.
Khách sạn 4 sao nằm án ngữ khu vực đường Trần Hưng Đạo dẫn vào khu "ngập úng" của vùng Cẩm Phô (Ảnh: V.Q) |
Từ vài hộ có diện tích bị thu hồi gần 1.000m2 đến những hộ bị thu hồi gần 500m2 đất ruộng, dự án sau đã có diện tích thu hồi lên đến khoảng 1.500 m2 và bất ngờ nằm bất động suốt hơn 2 năm.
Việc dự án khu ẩm thực không được nhắc đến và không được triển khai khiến nhiều hộ dân bị thu hồi đất tỏ ra ngớ người và nghi ngờ chính quyền thành phố về mục đích làm dự án khu ẩm thực. Đến năm 2016, một khách sạn 4 sao của Tập đoàn L.T bất ngờ được xây dựng ngay khu đất bị thu hồi vào năm 2013.
Người dân bức xúc nhưng chỉ biết im lặng vì tiền đền bù đã nhận; Trong khi một số hộ khác có ý định làm đơn kiện nhưng cũng "cất đơn vào tủ" cho đến nay vì nhiều lý do. Cố nhớ về vụ việc này, ông C.V cho rằng, người dân lúc đó không có lỗi và cũng do quá thật thà nên mới giao đất vì cứ nghĩ dự án này có lợi cho dân.
Quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án khu ẩm thực Cẩm Phô vào năm 2016 do ông Trương Văn Bay, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An ký (Ảnh: V.Q) |
"Lúc đó, cán bộ phường sau khi họp dân có hứa là sẽ cho gia đình đăng ký mua ki-ốt trong khu ẩm thực nhằm để kinh doanh buôn bán, tăng thêm thu nhập khi đất bị thu hồi. Tôi không nghĩ dự án sau đó bị "mất tích" và điều trớ trêu phía sau câu chuyện thì ai cũng đã biết quá rõ", ông V kể.
Đến nay, mặc dù thời gian đã trôi qua hơn 7 năm nhưng người dân khối Lâm Sa chỉ nhìn thấy khách sạn 4 sao nằm án ngữ con đường bê tông dẫn vào xóm mỗi ngày. Câu chuyện khu ẩm thực đối với người dân dường như không còn quan trọng bằng việc làm thế nào để đối phó với vấn nạn ngập úng sẽ tái diễn khi mùa mưa sắp cận kề...
Vùng đất Cẩm Phô trù phú trước kia nay đã nhường chỗ cho dự án "phân lô bán nền" thiếu quy hoạch tổng thể, khiến lợi ích, cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Điều đáng lo ngại hơn cả, vụ việc trên tạo hệ lụy xã hội, đã và đang xảy đến đối với người nông dân vùng ven Hội An.
Gần 10 dự án bất động sản chưa đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất
Tính đến đầu tháng 6/2020, trên địa bàn TP Hội An có 10 dự án bất động sản đã được UBND tỉnh Quảng Nam ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Các dự án đa phần là khu đô thị (KĐT), khu dân cư (KDC) vẫn còn... nằm trên giấy và chưa được chủ đầu tư triển khai trong nhiều năm.
Hiện TP Hội An có dự án KĐT Võng Nhi (xã Cẩm Thanh) do Công ty Đ.P Hội An làm chủ đầu tư đã được UBND tỉnh Quảng Nam nghiệm thu và đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam, 9 dự án KĐT, KDC tại TP Hội An đã có chủ trương đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa được thi công hoặc đang trong quá trình thi công, như: Dự án KĐT Thanh Hà (giai đoạn 2, 3, 4), KĐT Cồn Tiến, KĐT Dịch vụ Đồng Nà, KDC đường Điện Biên Phủ nối dài, KDC Nhị Trưng, KDC Lâm Sa - Tu Lễ - Xuân Hà, KĐT Bắc Hội An và KDC Đông Bắc TP Hội An (giai đoạn 2).