Quảng Nam: Đập tạm ngăn mặn 2,4 tỷ đồng bị vỡ
Hàng ngàn mét vuông đất canh tác của người dân phường Điện Ngọc bị cuốn trôi xuống sông Vĩnh Định sau trận mưa lớn đầu tháng 4 (Ảnh: V.Q) |
Những ngày qua, hàng chục hộ dân khối Ngân Câu, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) vẫn chưa hết bàng hoàng khi chứng khiến cảnh đập tạm ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện bị vỡ, khiến hàng ngàn mét vuông đất nông nghiệp nằm bên trong bị cuốn văng xuống sông chỉ trong tích tắc sau đợt mưa lớn thất thường vừa qua.
Đắp bạt để... ngăn sạt lở
Theo thống kê ban đầu, có gần 10 hộ dân bị ảnh hưởng do diện tích đất nông nghiệp đã bị sạt lở và nằm dưới đáy sông Vĩnh Điện sau đợt sạt lở vào ngày 2/4 vừa qua.
Dẫn phóng viên ra khu vực đang bị sạt lở, hộ ông Lê Xí cho biết hiện gia đình đã bị mất toàn bộ hơn 600m2 đất nông nghiệp, chưa kể diện tích chuồng nuôi gia cầm và diện tích nông nghiệp đang vào thu hoạch để kiếm thêm thu nhập.
"Đập tạm bằng cát vỡ nhanh do nước lớn khiến phần đất nông nghiệp nằm bên trong bờ bất ngờ bị xoáy phần chân và sau đó bị đổ xuống sông. Chúng tôi nghe tiếng ầm ầm, chạy ra thì đất đã trôi sông nên không thể làm gì được. Trước đây, đất có sạt lở nhưng đã có tre làng bảo vệ, nay dãy tre cũng bị văng gốc khiến đất bên trong trôi toạc ra sông", ông Xí kể.
Lũy tre làng bị trôi ra giữa sông |
Trao đổi với phóng viên, các hộ dân cho biết trước thời điểm đập ngăn mặn bị vỡ, khiến bờ sông bên trong bị sạt lở, đơn vị thi công đập bất ngờ cho phương tiện đắp thêm cát để nâng cao trình đập, nhưng vẫn không có kết quả.
Người dân lo lắng, nếu sạt lở kéo dài, nguy cơ các nhà dân, đất đai và đường dân sinh bên trong sẽ bị trôi tuột ra sông trong mùa mưa đến là điều hoàn toàn có thể.
"Ngày 5/4, đơn vị thi công chưa khắc phục hậu quả nhưng lại cho công nhân lấy bạt ra khu vực bờ sông để che dọc rồi đi về. Họ nói để "giảm sạt lở" nhưng chúng tôi chưa biết rõ nguyên nhân. Chúng tôi cho rằng nguyên nhân khiến sông sạt lở phần lớn là do đập ngăn mặn đặt tại đây đã khiến dòng nước bị thay đổi đột ngột, gây sạt lở đất", hộ ông Nguyễn Phước, nói.
Đất đai bị trôi tuột ra sông khiến người dân bất lực |
Tại khu vực nhà cửa của hộ bà Nguyễn Thị Nhung, sau khi bị ảnh hưởng sau đợt sạt lở vào cuối năm 2021, phần đất ở và nông nghiệp nằm giáp đập ngăn mặn tiếp tục bị sạt lở ngày một nghiêm trọng.
Hộ bà Nhung là trường hợp có phần lớn đất ở, đất nông nghiệp nằm giáp với đập ngăn mặn nên bị ảnh hưởng nặng nhất nhưng đến nay vẫn chưa được chính quyền quan tâm, hỗ trợ di dời, tái định cư.
Trước tình trạng sạt lở kéo dài, các hộ dân còn lại như bà Nguyễn Thị Đ, Nguyễn Thị N đang làm đơn cầu cứu cấp trên, mong vào cuộc hỗ trợ để ổn định cuộc sống trước mắt; Về lâu dài là đề xuất làm kè kiên cố để ổn định cuộc sống.
Đập ngăn mặn 2,4 tỷ đồng bị vỡ sau trận mưa lớn ngày 2/4 |
Theo tìm hiểu của phóng viên, tình trạng sạt lở tại khu vực sông Vĩnh Điện đã kéo dài nhiều năm nay, nhất là khi đập ngăn mặn được triển khai để bảo vệ diện tích 1.800 hecta lúa của các xã, phường thuộc thị xã.
Thị xã Điện Bàn trước đây đã cho thi công đoạn kè tạm dài hơn 100m từ chân đập ngăn mặn về hạ lưu nhưng tình trạng sạt lở vẫn tái diễn, gây uy hiếp nhà dân.
Đập 2,4 tỷ đồng chỉ cầm cự được 3 tháng
Thông tin đến phóng viên Tuổi trẻ Thủ đô, ông Nguyễn Đức Chơi, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng thị xã Điện Bàn cho rằng nguyên nhân khiến đất đai của người dân bị trôi sông vừa qua không phải là do đập tạm ngăn mặn nằm cạnh đó.
Theo ông Chơi, con đập này do Công ty TNHH MTV K.B đứng ra thi công bằng cát từ tháng 1/2022 với kinh phí 2,4 tỷ đồng và đã được nghiệm thu.
Đập tạm có chiều dài gần 100m, rộng từ 4 - 9m, có tác dụng ngăn mặn và tự vỡ khi có lũ lớn từ nguồn chảy về.
Hơn 600m2 đất đai của hộ ông Xí bị trôi tuột ra sông Vĩnh Điện |
Về các hộ dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở, ông Chơi cho biết UBND thị xã đã có báo cáo gửi UBND tỉnh và sẽ có phương án xử lý, khắc phục cũng như hỗ trợ sau khi có kinh phí.
"Để giải quyết tình trạng sạt lở tái diễn, đơn vị đang phối hợp với cấp trên trong việc lập dự toán về chủ trương thi công kè kiên cố dài hơn 300m với tổng kinh phí hơn 2,6 tỷ đồng từ chân đập về hạ lưu để người dân an cư và sản xuất ổn định.
Việc người dân nói đơn vị thi công gia cố đập khiến đập bị vỡ thêm, làm tăng tình trạng sạt lở bờ sông là chưa đúng", ông Chơi khẳng định.
Ông Chơi cho biết hiện nay do đập tạm đã bị vỡ và không còn khả năng ngăn mặn nên UBND thị xã đang theo dõi tình hình thời tiết và sẽ có phương án thi công đập tạm trở lại trong thời gian phù phợp. |