Quảng Nam: Đặt tên cầu Nguyễn Duy Hiệu cho công trình cầu Ông Điền bắc qua sông Cổ Cò
Công trình cầu Ông Điền bắt qua sông Cổ Cò dự kiến khánh thành vào dịp 30/4/2022 |
Nhằm góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa vùng đất và con người địa phương, UBND TP Hội An vừa có tờ trình đề nghị HĐND tỉnh và UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất đặt tên công trình cầu Ông Điền sau khi hoàn thành là cầu "Nguyễn Duy Hiệu”.
Theo UBND TP Hội An, cây cầu đang được thi công mang tên “cầu Ông Điền” là chưa đúng với vị trí cầu Ông Điền cũ hiện có ở Hà My, Điện Dương. Do trước đây, trước nhà ông Trần Điền cách ba-ra Bến Trễ hiện nay 2km về phía Hà My Trung có một khe nước, người dân làm cầu để tiện qua lại. Sau này cầu được nâng cấp thành cầu gỗ, được một đơn vị TP Hồ Chí Minh tài trợ tư bổ thành cầu Ông Điền như hiện nay.
Bên cạnh đó, công trình “cầu Ông Điền” hiện nay có vị trí nằm trên quê hương Bến Trễ (xã Cẩm Hà, TP Hội An) nơi sinh ra chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu. Công trình đang được xây dựng hiện nay gần khu mộ chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu - di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và đang lập hồ sơ xếp hạng di tích cấp Quốc gia, dự kiến TP Hội An sẽ tôn tạo cảnh quan Khu mộ tiếp giáp đường dẫn vào cầu.
Đồng thời, chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu từng theo học tại “học tràng” của cụ Lê Tân Toán – một nhà nho yêu nước tại Điện Dương, sau này Nguyễn Duy Hiệu được suy tôn làm Hội chủ Nghĩa Hội Quảng Nam và khi khởi nghĩa thất bại, cụ Lê Tấn Toán bị chính quyền phong kiến tay sai bắt vì dạy học trò “khởi ngụy”, cụ đã chọn chén thuốc độc trong “tam ban triều diễn” để giữ tròn khí tiết.
Cầu Ông Điền đang được gấp rút thi công |
Cũng theo UBND TP Hội An, việc đặt tên “cầu Nguyễn Duy Hiệu” là phù hợp với vị trí xây dựng, cũng là tấm gương tình nghĩa thầy trò và cơ sở để đặt tên tuyến đường nối tiếp cầu hoặc một chiếu cầu khác trên trục sông Cổ Cò mang tên “Lê Tấn Toán”.
Được biết, công trình cầu Ông Điền thuộc Dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò, đây là dự án trọng điểm có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Nam nói chung, TP Hội An và TX Điện Bàn nói riêng.
Chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu sinh năm 1847 ở ấp Bến Trễ, làng Thanh Hà (nay xã Cẩm Hà), năm 1876 ông đậu cử nhân, 3 năm sau đậu phó bản. Những biến cố lịch sử dồn dập sau khi Pháp tấn công cửa bể Thuận An, ông quyết định từ quan lấy cớ về quê phụng dưỡng mẹ già chờ cơ hội nổi dật chống Pháp.
Ngày 13/12/1885 Nguyễn Duy Hiệu làm Hội chủ Nghĩa Hội Quảng Nam, nghĩa quân đánh chiếm Quế Sơn, Thăng Bình, Điện Bàn, Tam Kỳ... chính quyền Tân Tỉnh được thành lập do ông làm tổng đốc. Sau nhiều lần tấn công dồn dập của địch, 9/1887 Nghĩa hội Quảng Nam tổn thất nặng, ông nói thẳng với Pháp “Chỉ mình tôi chỉ huy đánh Pháp, chém mình tôi là đủ, không cần hỏi tội người khác”.
Ngày 1/10/1887 Nguyễn Duy Hiệu bị xử chém tại pháp trường An Hòa, thực dân Pháp đem đầu ông về bêu ở tỉnh Quảng Nam nhằm uy hiếp tinh thần nhân dân ta nhưng kẻ khiếp sợ thực sự lại chính là bọn thực dân cướp nước. Trong cuốn “Kỷ niệm về An Nam” nguyên Khâm sứ Trung Kỳ của Pháp bấy giờ nhận xét về Nguyễn Duy Hiệu “người này còn trẻ, có nghị lực phi thường và nổi tiếng như một anh hùng kỳ dị”.
Công trình cầu Ông Điền có chiều dài 242,40m; rộng 20,5m kết cấu dầm cáp hỗn hợp, bê tông cốt thép dự ứng lực, cầu có vị trí nằm trên trục đường Nguyễn Chí Thanh nối dài thuộc địa bàn thôn Đồng Nà, xã Cẩm Hà, TP Hội An, kết nối đường ven biển ĐT.603B thuộc địa bàn thôn Hà My Đông A, phường Điện Dương, TX Điện Bàn. Dự kiến, coog trình khánh thành vào dịp kỉ niệm ngày 30/4/2022. |