Quảng Nam: Không cấm cấp phép khai thác mỏ cát mới do thiếu nguồn vật liệu
Mỏ cát được UBND tỉnh cấp phép khai thác lộ thiên tại chân cầu Hà Nha, huyện Đại Lộc (Ảnh: V.Q) |
Ngày 29/9, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam đã trả lời báo Tuổi trẻ Thủ đô liên quan đến tình hình cấp phép đối với hoạt động khai thác khoáng sản cát, sỏi tại địa bàn huyện Đại Lộc nói riêng, toàn địa bàn tỉnh nói chung.
Cấp phép trữ lượng khai thác hơn 2,1 triệu m3 cát
Về hiện trạng khoáng sản cát, trữ lượng tại các mỏ cát trên địa bàn huyện Đại Lộc, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết Đại Lộc là một trong những địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản cát lòng sông nhiều nhất của tỉnh Quảng Nam.
Theo đó, nguồn khoáng sản này phân bố chủ yếu tại sông Vu Gia và sông Thu Bồn. Hiện nay, huyện Đại Lộc có tổng cộng 11 giấy phép khai thác cát, sỏi đang còn hiệu lực, với tổng trữ lượng cát, sỏi của các mỏ đã được cấp phép khai thác là 2.120.991m3.
Đối với các mỏ cát được cấp phép khai thác tại chân cầu Hà Nha, Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng các tác động môi trường chính của các dự án khai thác cát tại đây đây đã gây ảnh hưởng ra nhiều thực trạng như: Hoạt động vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ phát sinh bụi, ảnh hưởng đến khu dân cư trên các tuyến đường, nước thải, chất thải rắn; Các sự cố sạt lỡ, sự cố tràn dầu trên sông.
Huyện Đại Lộc có tổng cộng 11 giấy phép khai thác cát, sỏi đang còn hiệu lực, với tổng trữ lượng cát, sỏi của các mỏ đã được cấp phép khai thác là 2.120.991m3 |
Về các công trình giải pháp bảo vệ môi trường của dự án khai thác cát trong quá trình thẩm định hồ sơ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định, Hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) yêu cầu chủ dự án phải thực hiện các giải pháp chủ yếu.
Cụ thể, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam yêu cầu chủ mỏ cát thường xuyên phun, tưới nước trên đoạn đường vận chuyển từ khu vực khai thác đến đường quốc lộ để giảm thiểu bụi trong quá trình vận chuyển; Nước thải được thu gom xử lý đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường; Chất thải rắn và chất thải nguy hại được thu gom và hợp đồng với đơn vị chức năng để xử lý; Cam kết sẽ khai thác đúng tọa độ, diện tích, công suất đã được cấp phép khai thác khoáng sản, đảm bảo các thông số cơ bản của hệ thống khai thác theo đúng thiết kế kinh tế kỹ thuật; Lập phương án điều tiết đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa; Thực hiện gia cố bờ sông để hạn chế sạt lở như: Đóng cọc tre để gia cố, chống xói lở bờ sông; thực hiện phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu.
Cát được vận chuyển đi tiêu thụ sau khai thác tại chân cầu Hà Nha (Ảnh: V.Q) |
Về giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường các dự án khai thác cát, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, tùy theo từng vị trí dự án mà trong quá trình thẩm định, hội đồng thẩm định sẽ yêu cầu phương án cải tạo phục hồi môi trường cụ thể của từng dự án, như: San gạt, tu sửa tuyến đường đất vận chuyển, bãi chứa tạm và khu vực sàng cát, sỏi; Cắm biển báo nguy hiểm; Đóng cọc tre gia cố bờ sông; Tháo dỡ các công trình phụ trợ.
Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin, đến cuối tháng 9/2020, huyện Đại Lộc đã có 11 đơn vị hết hạn giấy phép khai thác khoáng sản cát, sỏi. Sau khi kết thúc thời hạn khai thác khoáng sản nêu tại Giấy phép khai thác khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành thông báo chấm dứt hiệu lực, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến việc đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường, đất đai, hoàn tất các nghĩa vụ tài chính, báo cáo kết quả hoạt động khoáng sản.
Yêu cầu doanh nghiệp phục hồi môi trường sau khai thác
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, việc cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ khoáng sản được thực hiện theo Phương án cải tạo, phục hồi môi trường hoặc ĐTM đã được phê duyệt. Trước khi thực hiện, doanh nghiệp lập Đề án đóng cửa mỏ, nộp cho Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.
Sau khi được phê duyệt Đề án, doanh nghiệp triển khai thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra, nghiệm thu, trình UBND tỉnh ban hành Quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản.
Việc theo dõi, quản lý tình hình thực hiện công tác đóng cửa mỏ được Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND cấp huyện thực hiện xuyên suốt.
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu doanh nghiệp phục hồi môi trường sau khai thác cát, sỏi trên sông Vu Gia, Thu Bồn (Ảnh: V.Q) |
Đối với các doanh nghiệp đã phá sản hoặc chây ỳ, không có khả năng thực hiện công tác đóng cửa mỏ khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ năng lực lập, thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản, kinh phí thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản được lấy từ tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định tại khoản 2 Điều 74 Luật Khoáng sản, khoản 2, khoản 3 Điều 46 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ.
Đối với các trường hợp không thực hiện công tác đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường, Sở Tài nguyên và môi trường sẽ không xem xét, gia hạn hoặc cấp mới Giấy phép khai thác khoáng sản sau này theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh.
Không cấm cấp phép khai thác mỏ cát, sỏi mới
Sở Tài nguyên và môi trường thông tin thêm, hiện số lượng giấy phép khai thác cát lòng sông đang còn hiệu lực trên địa bàn huyện Đại Lộc đã giảm đáng kể so với trước đây và từ nay đến cuối năm 2020 sẽ có 02 giấy phép hết hạn; trong năm 2021 sẽ có 5 giấy phép hết hạn và năm 2022 sẽ có 2 giấy phép hết hạn.
Do đó, theo Sở Tài nguyên và môi trường, nếu không được cấp mới giấy phép khai thác thì số lượng giấy phép khai thác cát, sỏi còn hiệu lực trên địa bàn huyện Đại Lộc vào thời điểm tháng 10/2022 chỉ còn 2 giấy phép. Điều này dễ dẫn đến phát sinh hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép do thiếu nguồn vật liệu cát được cấp phép khai thác phục vụ thi công công trình.
Vì vậy, việc cấp mới giấy phép thăm dò, khai thác cát lòng sông trên địa bàn huyện Đại Lộc sẽ vẫn thực hiện theo đúng quy định pháp luật, không cấm cấp phép mới.
Từ ngày 1/7/2011 (Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực) đến này 24/9/2020, UBND tỉnh Quảng Nam đã cấp phép khai thác cát, sỏi tại 59 khu vực, với tổng trữ lượng 9.446.769m3 (trong tổng số 184 mỏ cát, sỏi đã được quy hoạch thăm dò, khai thác, với tổng trữ lượng dự kiến khoảng 60,08 triệu m3). |