Quảng Nam lên phương án sơ tán dân nếu bão Trà Mi đổ bộ
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: Nguyễn Trà) |
Chiều 23/10, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác triển khai ứng phó với bão Trà Mi.
Theo ông Trương Xuân Tý, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, dự báo bão Trà Mi có thể đổ bộ vào tỉnh Quảng Nam.
Do đó, việc lập kịch bản ứng phó bão, lũ lụt, sạt lở đất và lũ quét theo cấp độ rủi ro là rất cần thiết. Đồng thời phải xác định các khu vực trọng điểm để bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ và triển khai phương án sơ tán 200.000 người dân đến nơi an toàn.
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, toàn Quảng Nam hiện có khoảng 60 tàu đánh bắt xa bờ.
Trong đó, 6 tàu đã vào bờ an toàn, 50 tàu nhận được thông tin và đã tìm nơi tránh trú an toàn tại quần đảo Trường Sa. Riêng 4 tàu ở khu vực nguy hiểm quần đảo Hoàng Sa đã nhận được thông tin và dự kiến cập bờ vào chiều 24/10.
Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo cuộc họp (Ảnh: Nguyễn Trà) |
Theo phương án ứng phó thiên tai đã được tỉnh Quảng Nam ban hành, có khoảng 200.000 người dân sẽ phải di dời nếu bão đổ bộ vào địa bàn Quảng Nam.
Theo ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đây là con số lớn. Do đó các địa phương phải hết sức chú ý khi triển khai thực tế.
Ông Bửu nhấn mạnh, theo nhận định của cơ quan chuyên môn thì bão Trà Mi hiện đang di chuyển rất phức tạp. Trong vòng 3 năm nay, địa phương không có cơn bão nào lớn nên dễ nảy sinh tâm lý chủ quan. Do đó, ông Bửu đề nghị các huyện miền núi cao đặc biệt cảnh giác.
Bão Trà Mi dự báo vào Biển Đông vào sáng 25/10 |
Tại cuộc họp, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên chỉ đạo, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão. Đồng thời chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả.
Theo ông Dũng, các đơn vị phải rà soát để tập trung chu đáo, kiểm tra chặt từ trên xuống dưới, nhất là nơi xung yếu, cần thiết, vùng ven biển, miền núi, các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở. Các địa phương, đơn vị liên quan tuyệt đối không được chủ quan.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh phải theo dõi, thông báo thường xuyên diễn biến của bão, bất kể ngày giờ. Nếu có tình huống phải thông báo ngay.