Quảng Nam: Lũ về nhanh, phố cổ Hội An chìm trong biển nước
Người dân Hội An di dời vải ra khỏi các shop trong khu phố cổ (Ảnh: V.Q) |
Chiều 10/10, nước lũ từ thượng nguồn tỉnh Quảng Nam tiếp tục đổ về khiến phố cổ Hội An bị ngập nặng.
Nước lũ về nhanh và gây ngập hầu hết các đường bên trong khu phố cổ nên người dân Hội An đã khẩn trương thu dọn đồ đạc, tài sản và hàng hóa trưng bày bên trong các shop để đưa đến nơi khác.
Phố cổ Hội An chìm trong biển nước lũ |
Do mưa lớn nên người dân phải dùng ghe, bao ni lông để vận chuyển đồ đạc, tài sản, tránh bị hư hại. Chị Nguyễn Hồng Ánh (ngụ đường Nguyễn Thái Học) cho biết toàn bộ hàng hóa bên trong shop vẫn chưa được các thành viên trong gia đình di chuyển đi hết do quá nhiều.
"Từ trưa đến chiều cùng ngày, mưa vẫn kéo dài và xối xả nên việc di dời đang gặp khó khăn. Hy vọng đến tối cùng ngày, toàn bộ số hàng hóa còn lại sẽ được chúng tôi di dời đi để phòng lũ lớn", chị Ánh nói.
Người dân di dời hàng hóa ra khỏi khu ngập lụt |
Ghi nhận của phóng viên, hiện toàn bộ đường Bạch Đằng, Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Hoàng, Công Nữ Ngọc Hoa, Hoàng Văn Thụ, Lê Lợi đang bị nước lũ gây ngập sâu, có đoạn ngập hơn 0,5 - 1m.
Tại khu vực Chùa Cầu, do nước dâng cao nên lực lượng Công an địa phương đang được huy động để ngăn người dân, du khách vào khu vực nguy hiểm.
Sông Hoài bị nước lũ gây ngập nặng |
Khu vực cầu An Hội, đường dẫn vào chợ Hội An cũng đang bị ngập sâu và được lực lượng giăng dây, cắm bảng báo nguy hiểm.
Mặc dù nước lũ đang dâng nhanh nhưng nhiều người dân vẫn dùng ghe để chở du khách đi dọc sông Hoài để thăm quan, bất chấp nguy hiểm.
Quảng Nam: Sơ tán người dân vùng trũng thấp, sạt lở đất trước 17 giờ chiều nay Chiều ngày 10/10, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có công điện khẩn về chủ động ứng phó tình hình mưa lũ và áp thấp nhiệt đới. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thị xã, TP tổ chức công tác truyền thông, thông tin kịp thời đến Nhân dân biết về tình hình mưa lũ, thông tin vận hành các hồ chứa thủy điện để chủ động các biện pháp phòng tránh; Tập trung tổ chức kiểm tra, rà soát và thực hiện sơ tán người dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn và rà soát; Chủ động huy động lực lượng tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ ngập sâu, chia cắt, nhất là tại các vùng trũng thấp, ven sông, ven suối; Có phương án đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết; Ngoài ra, khẩn trương tổ chức thực hiện di dời, sơ tán dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ ngập sâu, sạt lở đất triệt để đến nơi an toàn trước 17 giờ ngày 10/10. Đồng thời, phân công rõ nhiệm vụ chỉ huy ứng phó các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp huyện và ủy quyền điều hành công tác chỉ huy ứng phó đợt mưa lũ. |