Quảng Nam: Nghiêm cấm tác động, can thiệp vào việc kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông
Ngày 14/2/2023, một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại tuyến đường ĐT606 huyện Tam Hiệp, tỉnh Quảng Nam. Hậu quả làm chết 8 người, bị thương 12 người |
UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 21/3/2023, về tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nghiêm cấm hành vi tác động, can thiệp vào việc kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông.
Tai nạn giao thông tăng cao so với cùng kỳ
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), các cấp, các ngành đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các mục tiêu, giải pháp đề ra và đạt nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp; số vụ, số người người chết và bị thương do tai nạn giao thông (TNGT) tăng cao so với cùng kỳ năm 2022 (tăng 16 vụ, tăng 22 người chết, tăng 6 người bị thương).
Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 04 vụ TNGT đường bộ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 19 người chết, 25 người bị thương, gây tâm lý lo lắng, tạo dư luận xấu trong Nhân dân.
Một số nguyên nhân chính dẫn đến TNGT tăng cao đó là: ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế; Kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, nhiều tuyến đường trọng điểm chật hẹp, chưa có làn đường dành cho xe thô sơ, không có các tuyến tránh qua khu vực đông dân cư.
Tình trạng vi phạm TTATGT trên địa bàn còn xảy ra nhiều, đặc biệt là các hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây ra TNGT như: Sử dụng rượu, bia, các chất kích thích khi lái xe; Không chấp hành biển báo, tín hiệu đèn giao thông; Chạy quá tốc độ, đi sai làn đường, phần đường, không chú ý quan sát; Chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo, thay đổi kích thước thành, thùng xe...
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền pháp luật về TTATGT ở một số đơn vị, địa phương chưa tạo được sức lan tỏa sâu rộng, chưa hiệu quả. Công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô chưa phát huy hiệu quả, nhất là vận tải hành khách, hàng hóa.
Một số địa phương, ngành chức năng chưa thực sự tích cực vào cuộc để ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT, tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường còn diễn ra khá phổ biến.
Lực lượng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam tăng cường đo nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông (Ảnh: Xuân Mai) |
Xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm giao thông
UBND tỉnh, công tác bảo đảm TTATGT được địa phương xác định là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung chỉ đạo nhằm phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của Nhân dân để thực hiện đồng bộ, toàn diện, quyết liệt, thường xuyên nhằm góp phần kiềm chế và giảm TNGT.
Do đó, phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT và xây dựng văn hóa giao thông; xây dựng và phát huy hiệu quả các mô hình về TTATGT trong các cấp Hội, đoàn thể.
Tăng cường quán triệt và tổ chức cho toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và người lao động tham gia ký cam kết chấp hành pháp luật về TTATGT, không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia.
Cùng với đó, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan quản lý nhà nước vi phạm quy định bảo đảm TTATGT; Nghiêm cấm người đứng đầu, lãnh đạo các cơ quan, đoàn thể, địa phương, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang tác động, can thiệp hoặc tiếp nhận can thiệp vào quá trình kiểm tra, điều tra, xử lý vi phạm TTATGT của lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông và các lực lượng chức năng khác theo quy định của pháp luật.
Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông thường xuyên thực hiện các chuyên đề như: Xử lý vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, tốc độ, xử lý phương tiện vận tải hàng hóa vi phạm quy định về “cơi nới” thùng xe, chở hàng quá trọng tải, chở khách quá số người quy định, vi phạm quá vạch dấu mớn nước an toàn…
Cùng với đó, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ điều tra, đánh giá, làm rõ nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong thời gian qua để xử lý nghiêm, đúng quy định pháp luật nhằm răn đe, phòng ngừa cho toàn xã hội.
Lãnh đạo Ủy ban an toàn giao thông quốc gia thăm hỏi, động viện người nhà bệnh nhân trong vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam ngày 14/2 (Ảnh: V.Q) |
Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên khảo sát, nắm tình hình, xác định cụ thể tuyến, địa bàn, khung giờ, đối tượng, hành vi vi phạm… để bố trí lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát, đảm bảo khép kín địa bàn 24/24 giờ nhằm kịp thời phát hiện và xử nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đặc biệt, các lực lượng tập trung tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tiềm ẩn nguy cơ cao gây TNGT như: Vi phạm quy định về nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, đi không đúng làn đường, vượt sai quy định, chở quá tải trọng, quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm; xe hết niên hạn sử dụng để vận chuyển hàng hóa tham gia giao thông; phương tiện thủy nội địa không có đăng ký, đăng kiểm…
Đồng thời, chấm dứt tình trạng phương tiện quá khổ, quá tải hoạt động trên địa bàn tỉnh, nhất là không để xảy ra trường hợp các phương tiện quá khổ, quá tải của các địa phương khác qua địa bàn tỉnh mà không được phát hiện, xử lý.
Bên cạnh đó, tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các trường hợp sử dụng giấy tờ giả (giấy phép lái xe, giấy chứng nhận đăng kiểm, đăng ký phương tiện, phù hiệu, tem kiểm định an toàn kỹ thuật...).
Đối với những người vi phạm pháp luật về TTATGT là đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan Nhà nước và lực lượng vũ trang phải gửi thông báo hành vi vi phạm đến cơ quan, đơn vị, tổ chức của người vi phạm để có biện pháp xử lý theo quy định.