Quảng Nam: Nhiều mỏ đá giảm công suất khai thác do ảnh hưởng bởi giá cát xây dựng
Mỏ đá khai thác của Công ty Vinaconex 25 đang giảm công suất khai thác từ 30 - 40% kể từ đầu năm 2023 đến nay (Ảnh: V.Q) |
Ngày 22/2, UBND xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) thông tin, tính đến thời điểm sau thanh, kiểm tra của tỉnh Quảng Nam về hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản và bảo vệ môi trường từ năm 2022, đến nay trên địa bàn chỉ còn lại 3 mỏ đá đang hoạt động theo giấy phép được cấp theo quy định.
3 mỏ đá hoạt động theo giấy phép còn hạn
Trao đổi với phóng viên, đại diện UBND xã Tam Nghĩa cho biết, kể từ khi người dân tập trung phản đối việc khai thác đá của các doanh nghiệp gây ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống từ năm 2022, đến nay các đơn vị liên quan đã vào cuộc kiểm tra, xử lý khiến tình trạng khai thác đá, ô nhiễm môi trường đã giảm đáng kể.
Theo thống kê, đến tháng 2/2023, trên địa bàn Tam Nghĩa có 3 đơn vị khai thác đá, gồm Công ty Vinaconex 25, Công ty Hưng Long và Công ty Rạng Đông (có giấy phép khai thác đến tháng 4/2023).
Tính từ năm 2022 trở lại trước, khu vực xã Tam Nghĩa có 5 đơn vị khai thác, trong đó có Công ty Hưng Long, Công ty Kỳ Hà Chu Lai, mỏ đá Chu Lai và một mỏ đá thuộc công ty đến từ Đài Loan (Trung Quốc).
Đường dẫn vào mỏ đá của Công ty Kỳ Hà Chu Lai và Vinaconex 25 (Ảnh: V.Q) |
Để giải quyết thực trạng tránh để người dân tập trung phản đối ô nhiễm, hư hỏng đường giao thông từ việc vận chuyển đá ra quốc lộ 1A, chính quyền xã Tam Nghĩa đã và đang thực hiện việc giám sát khai thác, vận chuyển và bảo vệ môi trường trong phạm vi cho phép. Riêng việc kiểm tra các mỏ thuộc thẩm quyền xử lý của huyện Núi Thành và các đơn vị liên quan.
Theo UBND xã Tam Nghĩa, sau thời gian người dân tập trung phản đối từ năm 2022 và sự vào cuộc kiểm tra của cơ quan liên ngành, đến nay các doanh nghiệp khai thác đá đã tích cực hỗ trợ người dân để hài hòa lợi ích, tránh tình trạng người dân phản đối, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và lợi ích chung của các bên.
Tình trạng ô nhiễm đã giảm đáng kể
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay tình trạng khai thác, sản xuất và chế biến đá của 3 đơn vị nói trên tại xã Tam Nghĩa vẫn đang diễn ra bình thường .
Trao đổi với phóng viên, nhiều hộ dân tại thôn Hòa Vân, Hoà Đông cho biết tình trạng ô nhiễm từ việc vận chuyển đá, nghiền đá từ các đơn vị bên kia cầu vượt vẫn diễn ra; Nhiều trường hợp người dân đã không còn gây gắt phản đối ô nhiễm như trước.
Tình trạng vận chuyển đá ra thị trường vẫn còn gây ô nhiễm cho người dân địa phương (Ảnh: V.Q) |
Tuy nhiên, theo người dân phản ánh việc đường dân sinh mà doanh nghiệp cho xe tải đi qua gây bụi và mặt đường bị hư hỏng nhưng chậm được sửa chữa.
"Doanh nghiệp khai thác thì thu lợi nhưng cần đảm bảo lợi ích, quyền lợi cho người dân địa phương, tránh tình trạng khai thác rồi gây ô nhiễm nhưng chậm khắc phục. Người dân cần cuộc sống yên ổn, không tiếng ồn, bụi bặm thì doanh nghiệp phải vào cuộc xử lý ô nhiễm dứt điểm", một người dân tại địa phương cho biết.
Hiện nay, tại khu vực nằm dọc đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đang có 3 đơn vị khai thác đá là Vinaconex 25, Công ty Hưng Long và Công ty Rạng Đông. Tuy nhiên, việc khai thác, nổ mìn, chế biến khoáng sản đá đang diễn ra không liên tục do công suất đã giảm đáng kể do tác động của thị trường.
Doanh nghiệp giảm công suất khai thác đá
Trao đổi với phóng viên, đại diện Công ty Vinaconex 25 cho biết đơn vị đang giảm công suất có thời điểm cao nhất lên đến 40% so với mọi năm, do bị ảnh hưởng bởi nguồn nguyên vật liệu xây dựng là cát trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng đang bị ảnh hưởng do giá tăng cao và khan hiếm nguồn cung.
"Công suất khai thác rời rạc, mỗi ngày cho ra khoảng 500m3 và bằng một nửa so với công suất ổn định trước đây. Doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi giá cát tăng, trong khi nguồn khai thác đá nguyên khai lại giảm là điều đáng lo ngại đối với doanh nghiệp.
Hiện nay, do thời tiết có mưa lớn nên quá trình nghiền đá của công ty bị ảnh hưởng, trong khi đường công vụ bị lầy lội càng khiến việc vận chuyển đá ra quốc lộ 1A gặp khó khăn", đại diện công ty này thông tin.
Mỏ đá của Công ty Kỳ Hà Chu Lai đã dừng hoạt động do hết hạn khai thác (Ảnh: V.Q) |
Về việc hỗ trợ kinh phí khắc phục vấn đề môi trường và cuộc sống người dân, đại diện Công ty Vinaconex 25 cho biết mỗi năm các đơn vị khai thác đã nộp từ 300 - 350 triệu đồng để hỗ trợ trực tiếp cho người dân địa phương, thuộc xã Tam Nghĩa.
Việc hỗ trợ bao gồm các khoản hỗ trợ hàng tháng đến người dân với kinh phí khoảng 30 triệu đồng; Hỗ trợ gần 10 hộ dân bị ảnh hưởng bởi môi trường; Hỗ trợ gần 60 hộ dân có đường vận chuyển xe chở đá đi qua thuộc thôn Hòa Vân, Hòa Đông; Hỗ trợ môi trường khai thác chung cho khoảng 4 trường hợp mỗi năm.
Đối với hạ tầng giao thông đang xuống cấp như hiện nay, vị này cho biết các doanh nghiệp đã góp kinh phí để bê tông hóa đường sá từ các mỏ dẫn ra Quốc lộ 1A.
Đối với các đoạn đường xuất hiện nhiều "ổ gà" do doanh nghiệp làm trước đây, vị này cho rằng đang chờ cải tạo và làm lại mặt bằng để xe vận chuyển được ra vào an toàn.
Trước đó, giữa năm 2022, Tổ Kiểm tra liên ngành của tỉnh Quảng Nam đã tổ chức kiể tra và có báo cáo kết quả về chấp hành quy định pháp luật và thực hiện các nghĩa vụ liên quan trong hoạt động khai thác, sản xuất, mua bán, kinh doanh khoáng sản đá làm vật liệu thông thường tại xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành. Kết quả cho thấy, có 3 doanh nghiệp bị kiểm tra theo quy định, gồm: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Đại Uy, Công ty TNHH TM&TV Hòa Đông, Công ty TNHH Vật liệu Núi Thành. Qua kiểm tra, Tổ Kiểm tra đã phát hiện và chỉ ra hàng loạt vi phạm liên quan đế hồ sơ pháp lý cũng như hoạt động khai thác, sản xuất, mua bán, kinh doanh khoáng sản đá tại xã Tam Nghĩa. Kết luận kiểm tra chỉ rõ, đối với Công ty TNHH Nam Việt Anh Chu Lai, việc sử dụng đất tại khu vực chế biến của mỏ đá Hưng Long để tập kết, chế biến khoáng sản mua ngoài phạm vi và không thuộc nguồn gốc của mỏ Hưng Long là chưa phù hợp với mục đích sử dụng đất theo giấy phép khai thác và quyết định cho thuế đất của Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 8 - CTCP. Đối với các Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Đại Uy, Công ty TNHH TM&TV Hòa Đông, Công ty TNHH Vật liệu Núi Thành, Tổ Kiểm tra kết luận các đơn vị này thực hiện mua bán, sản xuất, chế biến khoáng sản đá. Tuy nhiên, qua kiểm tra các đơn vị này chưa cung cấp đầy đủ chứng từ, hồ sơ xuất xứ hợp pháp của nguyên liệu đầu vào. Đáng lưu ý, những đơn vị này thông qua các hợp đồng hợp tác đang cùng sử dụng diện tích đất tại các khu vực trong và ngoài mỏ đá Hòa Đông nhưng chưa có đủ hồ sơ pháp lý về đất đai theo quy định. |