Quảng Nam: Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong thi hành án hành chính
Một vụ án tại xã Cẩm Hà được TP Hội An cho rằng Bản án số 98/2022 ngày 13/4/2022 của Tòa cấp cao tại Đà Nẵng khó khăn cho việc thi hành án |
Ngày 8/10, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Báo cáo số 186 về kết quả thi hành án hành chính năm 2022 trên địa bàn tỉnh.
Theo UBND tỉnh, trong năm 2022 có 34 bản ánh, quyết định về vụ án hành chính phải thi hành trong kỳ báo cáo. Trong đó có 16 vụ từ năm trước chuyển sang và có 18 vụ phát sinh.
Về kết quả thi hành án, UBND tỉnh cho biết trong năm 2022 có 18 bản án, quyết định về vụ án hành chính đã được thi hành xong. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 16 bản án chưa thi hành xong.
Những hạn chế, tồn tại dẫn đến chậm thi hành án, UBND tỉnh cho rằng do nhận thức pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức và người dân về công tác thi hành án hành chính còn hạn chế.
Ngoài ra, một số cơ quan hành chính nhà nước (người phải thi hành án) không thống nhất với nội dung bản án nên đã có văn bản đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét kháng nghị nội dung bản án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, dẫn đến việc tổ chức thi hành bản án chậm.
Về khó khăn, vướng mắc, UBND tỉnh cho biết một số bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính có nội dung tuyên không phù hợp với trình tự, thủ tục, thẩm quyền, điều kiện theo quy định của Luật Đất đai, nên Sở Tài nguyên và Môi trường không thể tổ chức thi hành đầy đủ các nội dung theo phán quyết của Tòa án.
Hơn nữa, một số bản án, quyết định của tòa án tuyên buộc cơ quan hành chính thực hiện bồi thường, cấp Giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất… chưa cụ thể, chưa rõ ràng, dẫn đến tình trạng kéo dài việc thi hành án do không có cơ sở pháp lý để tổ chức thi hành.
Theo UBND tỉnh, một số quy định pháp luật, nhất là lĩnh vực đất đai còn chồng chéo, có nhiều thay đổi qua các thời kỳ, dẫn đến việc áp dụng pháp luật để thi hành các bản án, quyết định của tòa án chưa thống nhất.
UBND TP Hội An ra văn bản thông báo về nguyên nhân "chưa thể" thi hành án đối với một trường hợp tại xã Cẩm Hà (Ảnh: V.Q) |
Lý giải về nguyên nhân chậm thi hành ánh, UBND tỉnh cho rằng nguyên nhân chủ quan chính là một số cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước là bên phải thi hành án chưa thực hiện nghiêm công tác thi hành án hành chính.
Theo đó, thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của một số cơ quan, người phải thi hành án chưa quyết liệt trong việc đôn đốc, kiểm tra, xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án thuộc thẩm quyền quản lý. Trong khi đó, công tác thi hành án hành chính theo quy định vẫn là cơ chế “tự thi hành”.
Về nguyên nhân khách quan, theo UBND tỉnh, do số lượng bản án, quyết định về vụ án hành chính phải thi hành ngày càng tăng, có tính chất phức tạp. Hầu hết các bản án, quyết định phải thi hành liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai.
Trong khi đó, các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện thường có lịch sử kéo dài nhiều năm, đã qua nhiều cấp, nhiều ngành giải quyết. Hiện trạng quản lý, sử dụng đất theo đó cũng đã có nhiều biến động, trong khi hệ thống các quy định của pháp luật về đất đai thường xuyên thay đổi.
Trước những thực trạng trên, UBND tỉnh kiến nghị tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, làm rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp phù hợp để tổ chức thi hành dứt điểm các bản án hành chính đã có hiệu lực theo quy định, nhất là những bản án hành chính đã kéo dài nhiều năm.
Đồng thời, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Tố tụng hành chính, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, địa phương trong việc chấp hành, chỉ đạo chấp hành nghiêm pháp luật tố tụng hành chính, thi hành kịp thời, đầy đủ các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật.