Quảng Ngãi: Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng đặc biệt của biển, hải đảo
Một góc cảng biển Dung Quất, Quảng Ngãi |
Mục đích của kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển, hải đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong toàn hệ thống chính trị và trong Nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, trong giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2045 do Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đề ra.
Kế hoạch yêu cầu nâng cao hiệu quả, đa dạng hoá các hình thức, nội dung tuyên truyền theo đúng định hướng, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, hải đảo; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các cấp, các ngành, sự chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở trong việc thực hiện công tác tuyên truyền về biển và hải đảo; việc tuyên truyền phải phù hợp với từng đối tượng, địa bàn và thời điểm.
Nội dụng cần tuyên truyền tập trung vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật về biển và hải đảo; về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; tuyên truyền về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; về phòng ngừa, ứng phó, kiểm soát và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường biển và hải đảo, thông qua các hình thức tuyên truyền như: báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng... và nhiều hình thức tuyên truyền trực quan khác.
Huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) nhìn từ trên cao |
Tỉnh Quảng Ngãi có bờ biển dài 130km thuộc 5 huyện, với 25 xã bãi ngang ven biển, 3 xã đảo, 4 cửa biển và có vùng biển trải rộng hơn 11.000km2. Quảng Ngãi không chỉ nổi tiếng với huyện đảo Lý Sơn mà dọc bờ biển còn có nhiều danh lam thắng cảnh; đồng thời biển cũng là nguồn sống của một bộ phận cư dân trong tỉnh. Biển, đảo có những tiềm năng to lớn, tạo ra nhiều cơ hội cho Quảng Ngãi phát triển và vững bước đi lên trong quá trình đổi mới, hội nhập.
Ngoài “đặc sản” Lý Sơn, bờ biển Quảng Ngãi có nhiều di sản thiên nhiên và văn hóa độc đáo. Nổi bật là các di chỉ tàu cổ đắm ở vùng biển Bình Châu, huyện Bình Sơn. Các chuyên gia nhận xét rằng, hiếm nơi nào lại có mật độ tàu cổ đắm dày đặc như ở vùng biển Bình Châu. Trên thế giới, ngoại trừ khu vực Tam giác quỷ Bermudar ở Đại Tây Dương là nghĩa địa tàu đắm lớn nhất, cho đến nay vẫn chưa phát hiện nơi nào có mật độ tàu đắm nhiều như ở vùng biển Bình Châu, tỉnh Quảng Ngãi. Cùng với đó vùng biển Bình Châu được đánh giá là di sản địa chất hiếm hoi trên thế giới, bởi nơi đây có nhiều di tích miệng núi lửa, có chỗ rộng tới 30m2; cùng với rạn san hô cộng sinh dày đặc trên đảo đá trầm tích...
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, tiềm năng phát triển du lịch biển, đảo của Quảng Ngãi rất lớn, chỉ cần khai thác một trong những lợi thế đã có thể trở thành trung tâm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ngãi còn có di chỉ văn hóa Sa Huỳnh dọc ven biển Long Thạnh. Qua nhiều lần khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều hiện vật như chum, nồi, khuyên tai, vòng đeo... Điều đó cho thấy từ thời tiền sử cư dân ven biển Quảng Ngãi đã sáng tạo được vật dụng phục vụ đời sống.
Dọc chiều dài bờ biển Quảng Ngãi còn có nhiều đền, đình, miếu... như di tích đền thờ cá Ông và các đình làng, âm linh tự thờ các vị thần thành hoàng, những người có công lập làng, là sự biểu hiện tín ngưỡng dân gian và sinh hoạt cộng đồng của cư dân miền biển. Các di tích này đều có giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật kiến trúc; đặc biệt là hệ thống di tích liên quan đến đội Hoàng Sa - Bắc Hải trên đảo Lý Sơn và các làng chài ven biển, đình làng An Vĩnh, An Hải...
Gắn liền với các di tích tín ngưỡng là lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Đây là một trong những di sản văn hóa có giá trị lịch sử, khẳng định chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam...
* “Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020” |