Quảng Ninh tạo đột phá trong 10 năm cải cách hành chính
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh CCHC là một trong 4 khâu đột phá trong giai đoạn 2020 - 2025 của tỉnh Quảng Ninh
Bài liên quan
Quảng Ninh: Đã tìm thấy thanh niên bỏ trốn khỏi khu vực cách ly
Quảng Ninh: Tư vấn mùa thi trực tuyến cho gần 4.000 học sinh và đoàn viên, thanh niên
Quảng Ninh: Bắt đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt gần 500 triệu đồng
Quảng Ninh: Cửa khẩu Bắc Phong Sinh hoạt động bình thường trở lại
Quảng Ninh: Tai nạn nghiêm trọng trong đêm, 3 người tử vong tại chỗ
Quảng Ninh: Đề xuất đầu tư tổ hợp sản xuất công nghiệp phía Nam sông Lục Lầm
Với những nỗ lực không ngừng của các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ninh trong công tác CCHC, 10 năm qua, trên cơ sở các kế hoạch, hướng dẫn của các cơ quan trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo triển khai các nội dung của CCHC và đạt nhiều kết quả nổi bật trên tất cả các nội dung: Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính; Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Cải cách tài chính công đến hiện đại hóa hành chính.
Đặc biệt, tính đến thời điểm tháng 3/2020, khối chính quyền tỉnh đã giảm được 119 cơ quan, tổ chức hành chính và 79 đơn vị sự nghiệp công lập. Nhiều đề án, sáng kiến về cải cách thủ tục hành chính của tỉnh mang tính đột phá, sáng tạo đã được triển khai áp dụng thông quá đó đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo lòng tin hơn nữa của người dân, tổ chức đối với hệ thống chính quyền của tỉnh.
Để khẳng định những kết quả nổi bật tỉnh Quảng Ninh đã đạt được trong 10 năm qua về công tác CCHC, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh tại Hội nghị rằng để thực hiện hiệu quả ba đột phá chiến lược của Đảng, Chiến lược phát triển đất nước 2011, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động, tích cực nghiên cứu, đề xuất với Trung ương hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách thông qua các đề án lớn, nhất là đã hoàn thiện Đề án báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị cho ý kiến Đề án "Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn" và có Thông báo số 21-TB/TW (năm 2017); Mạnh dạn vận dụng hình thức PPP trong đầu tư xây dựng, vận hành các công trình, dự án lớn của tỉnh, góp phần làm cơ sở thực hiện để Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP).
Hơn nữa, đối với công tác cải cách hành chính vủa tỉnh có bước đột phá, phát huy hiệu quả. Tỉnh đã chỉ đạo rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục hành chính, giảm 40-50% thời gian giải quyết TTHC so với quy định. Hệ thống Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện hoạt động theo nguyên tắc 5 tại chỗ "tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả" bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã được đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo khang trang, hiện đại, củng cố, vận hành, phát huy hiệu quả.
Cải cách tài chính công tại Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, công tác quản lý tài chính, ngân sách có nhiều chuyển biến rõ nét; việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị đã mang lại hiệu quả lớn, làm tăng tính hiệu quả của chi tiêu công, hạn chế tham nhũng, lãng phí trong sử dụng ngân sách; các khoản chi ưu tiên cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được đảm bảo; công tác thanh tra, kiểm tra tài chính được tăng cường.
Các tập thể có thành tích xuất sắc, đóng góp tích cực vào công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 được tuyên dương tại hội nghị |
Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước được tỉnh triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Đột phá trong hiện đại hóa nền hành chính bằng việc tập trung xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử giai đoạn 2016 - 2019, đề án chính quyền số và Trung tâm điều hành thành phố thông minh; tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và kết nối liên ngành, liên thông dịch vụ công trực tuyến 4 cấp , tạo thuận lợi lớn cho người dân, doanh nghiệp.
Kết quả 10 năm thực hiện mạnh mẽ việc cải cách hành chính là trong 3 năm liên tiếp (2017 - 2019), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của Quảng Ninh đã đứng đầu cả nước; Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) luôn đứng trong nhóm đầu và đứng thứ nhất năm 2019; Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) từ chỗ đứng thứ 62/63 tỉnh, thành phố năm 2016 vươn lên vị trí thứ 3 toàn quốc năm 2019.
Chỉ số ICT Index năm 2019 đứng thứ 3/63 trong cả nước sau 3 năm liên tiếp giữ vị trí thứ 4. Năm 2018, tỉnh đạt giải thưởng ASOCIO dành cho chính quyền số xuất sắc do Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - châu Đại Dương trao tặng.
Định hướng về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Để đạt mục tiêu trước năm 2030 Quảng Ninh trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động, là cửa ngõ hợp tác kinh tế, trung tâm du lịch quốc tế của miền Bắc và cả nước, tỉnh xác định một trong 4 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 là “Nâng cao chất lượng cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; năng lực canh tranh cấp tỉnh; chất lượng thực thi chính sách, pháp luật nhằm giải phóng, huy động, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là đất đai, tài nguyên, khoáng sản, văn hoá, con người, tài chính, tài sản công”. Một trong 9 đề án và chương trình trọng điểm nhiệm kỳ 2020 – 2025 là: Chương trình cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Trên cơ sở định hướng của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đã có nhiều ý kiến làm sáng rõ hơn những kết quả tỉnh Quảng Ninh đã đạt được trong 10 năm thực hiện CCHC. Đó là, tinh thần triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các phương án đơn giản hóa TTHC theo hướng gọn nhẹ, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC. Mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và trung tâm hành chính công các huyện, thị xã, thành phố đã giúp các TTHC được cắt giảm trung bình từ 50% đến 70% thời gian giải quyết so với quy định của Trung ương và luật pháp; tỷ lệ hồ sơ giải quyết, trả kết đúng hạn và trước hạn trung bình hàng năm tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đạt 99,9%; cấp huyện đạt 96,9%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 85%...
Trong công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính của tỉnh theo hướng hợp nhất một số cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; thí điểm một số mô hình mới và thành lập tổ chức đặc thù; thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Đồng thời, tỉnh đổi mới cơ chế, chuyển đổi mô hình hoạt động với các đơn vị sự nghiệp công theo hướng tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm, mở rộng xã hội hóa; từ đó góp phần tinh gọn bộ máy quản lý, giảm đầu mối trong thực hiện các TTHC.
Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu kết luận, chỉ đạo nhiệm vụ cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030 |
Phát biểu kết luận và chỉ đạo phương hướng, nhiệm vụ CCHC giai đoạn 2021 – 2030, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: Sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác CCHC trong thời gian qua là một trong những yếu tố quyết định để Quảng Ninh đạt được những bước phát triển toàn diện về KT-XH. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số cơ quan, đơn vị, địa phương kết quả Chỉ số CCHC chưa cao, đồng thời có tỷ lệ đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức tương đối thấp; một số cơ quan, đơn vị, người dân, người đại diện tổ chức phản ánh trong quá trình giải quyết TTHC phải đi lại từ 3 lần trở lên; vẫn còn tình trạng công chức vẫn gây phiền hà, sách nhiễu...
Để tiếp tục đạt được những chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác CCHC giai đoạn 2021 - 2030, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải luôn xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục, là trách nhiệm chính của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương; chủ thể những lợi ích của CCHC trên hết, trước hết là phục vụ người dân và doanh nghiệp; người đứng đầu phải luôn khởi xướng, chủ trì, chỉ huy và kiểm tra, giám sát việc thực hiện để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra. Đồng thời, cần phải đặc biệt coi trọng việc nâng cao trình độ, trách nhiệm của đội ngũ CBCCVC; yếu tố con người trong nền công vụ phải có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ để đáp ứng được công việc do yêu cầu đổi mới từ thực tiễn đề ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc và khai thác có hiệu quả các tiện ích của chính quyền điện tử, vận hành hiệu quả Trung tâm Điều hành thành phố thông minh... sẽ là những vấn đề cốt lõi để đạt được những chuyển biến căn bản, thực chất trong công tác CCHC trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, tỉnh phải đặc biệt tập trung thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra đột xuất, không báo trước việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, đạo đức công vụ...
Nhân dịp này, nhiều tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc, có đóng góp tích cực trong công tác CCHC giai đoạn 2011 - 2020 đã được trao tặng bằng khen của UBND tỉnh Quảng Ninh.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng tuyên dương, khen thưởng các đơn vị đoạt giải trong cuộc thi tuyên truyền CCHC qua clip năm 2020.