Quy định rõ trách nhiệm của các địa phương trong tác cấp phép, quản lý hoạt động khai thác khoáng sản
Ảnh minh họa |
Thông tin thêm tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Tài nguyên và Môi trường diễn ra sáng 28/4, ông Thanh cho biết hiện nay thẩm quyền về lập quy hoạch thăm dò, cấp phép khai thác khoáng sản đối với vật liệu xây dựng thông thường, trong đó có khai thác cát sỏi ở lòng sông, thuộc thẩm quyền của Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố.
Riêng cát sỏi lòng sông, mặc dù đã có Luật khoáng sản nhưng tháng 2/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định riêng (Nghị định số 23/2020/NĐ-CP quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông) do tính chất tác động của hoạt động khai thác cát sỏi liên quan đến việc bảo vệ lòng, bờ sông, đặc biệt là sạt lở bờ sông.
Chính vì thế, Nghị định số 23 đã quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố khi cấp phép lập quy hoạch thăm dò khai thác cát sỏi lòng sông. Cụ thể, Nghị định quy định trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân tỉnh liên quan đến việc khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khai thác cát sỏi.
Theo Điều 12 của Nghị định, Ủy ban Nhân dân tỉnh trước khi cấp phép phải xác định được các vùng nào có nguy cơ sạt lở. “Theo đó, khu vực nào đã khoanh vùng cấm cũng như vùng có nguy cơ sạt lở thì Ủy ban Nhân dân tỉnh không được cấp phép khai thác và phải theo dõi”, ông Thanh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Nghị định số 23 cũng quy định rõ trách nhiệm của tổ chức muốn được cấp phép khai thác khoáng sản khi đề xuất hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản lòng sông thì phải đánh giá được tác động đến lòng bờ sông.
“Với những quy định quan trọng đó, ngay khi Nghị định số 23 có hiệu lực, Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản gửi các địa phương quán triệt tinh thần Nghị định này. Mới đây, chúng tôi cùng với Cục Quản lý tài nguyên nước cũng đã trình lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường để tiếp tục gửi các địa phương đôn đốc, quản lý khai thác cát sỏi lòng sông theo quy định, đảm bảo an toàn”, ông Thanh nói.