Quyền và nghĩa vụ của người lao động có nhiều thay đổi từ ngày 1/1/2021
Toàn cảnh buổi giao lưu
Tới dự buổi giao lưu có các đại biểu: Đặng Thị Phương Hoa – Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội; Nguyễn Văn Hồng - Phó Trưởng phòng Dân vận Các cơ quan nhà nước, Ban Dân vận Thành ủy; Lê Thị Bích Ngọc - Ủy viên Thường vụ Liên đoàn lao động Thành phố - Tổng biên tập báo Lao động Thủ đô; Nguyễn Bá Châu - Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng Liên đoàn lao động Thành phố; Nguyễn Thị Kim Dung – Chủ tịch Liên đoàn lao động quận Hai Bà Trưng. Buổi giao lưu còn có hơn 200 công nhân viên chức lao động đến từ các đơn vị thuộc Liên đoàn lao động quận Hai Bà Trưng.
Phát biểu tại buổi giao lưu trực tuyến, bà Lê Thị Bích Ngọc – Tổng biên tập báo Lao động Thủ đô cho biết: Bộ luật Lao động năm 2019 gồm 17 chương, 220 điều có rất nhiều điểm mới về quyền và nghĩa vụ của người lao động theo hướng có lợi hơn Luật hiện hành. Hiểu luật cặn kẽ là mong muốn của tất cả người lao động, người sử dụng lao động, để giúp chúng ta thực hiện đúng luật, đảm bảo được quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho chính chúng ta và góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, tiến bộ.
Bà Lê Thị Bích Ngọc – Tổng biên tập báo Lao động Thủ đô phát biểu tại buổi giao lưu |
Tại buổi giao lưu, nhiều thắc mắc của công nhân viên chức lao động đã được các chuyên gia giải đáp. Chị Lê Thị Ngọc Anh, Công ty thoát nước Hà Nội băn khoăn: "Hợp đồng thử việc có phải là hợp đồng lao động không? Khi ký hợp đồng thử việc trên 1 tháng có phải đóng bảo hiểm không? Có một nhân viên tham gia Bảo hiểm xã hội từ tháng 10/2019 đến tháng 2/2020 thì nhân viên đó mang thai và nghỉ không lương. Đến tháng 6/2020 thì bác sĩ cho nghỉ dưỡng thai, nếu nhân viên đó nghỉ đến lúc sinh con thì có được hưởng chế độ thai sản không"?
Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân - Phó trưởng ban Quan hệ lao động - Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Việt Nam trả lời: Hợp đồng thử việc không phải là hợp đồng lao động bởi hợp đồng thử việc không bắt buộc về chế độ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đây là thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động về việc làm thử, quyền và nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc.
Hợp đồng này không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên; không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ; không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác. Tuy nhiên, nếu hợp đồng lao động xác định thời hạn có nội dung thử việc thì vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội.
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng truyền thông và phát triển đối tượng – Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội bổ sung: Liên quan đến vấn đề bảo hiểm xã hội, theo luật bảo hiểm xã hội, nếu người lao động mang thai đóng đủ 6 tháng trước sinh sẽ được hưởng chế độ thai sản. Tuy nhiên, luật bảo hiểm xã hội mới đã sửa đổi đối với người lao động mang thai có bệnh lý chỉ cần đóng đủ 3 tháng sẽ được hưởng chế độ thai sản. Tuy nhiên, cần phải có giấy xác nhận của bệnh viện có thẩm quyền xác nhận người lao động mang thai có bệnh lý.
Anh Đỗ Văn Hùng (Liên đoàn xiếc Việt Nam) hỏi: "Theo Luật sửa đổi, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần lý do. Đối với ngành xiếc, việc đào tạo diễn viên rất mất thời gian và tốn nhiều tiền của, tuy nhiên sau 1 thời gian diễn viên lại muốn chuyển sang đơn vị khác. Xin chuyên gia cho biết, nếu đơn vị không muốn cho người lao động nghỉ thì có giải pháp nào không?".
Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân giải đáp: Có thể nói bộ Luật Lao động 2019 đã có rất nhiều bổ sung và sửa đổi so với bộ Luật Lao động 2012, tiếp cận với những tiêu chuẩn của bộ Luật Lao động quốc tế. Quan hệ lao động là sự thỏa thuận, tự nguyện của cả 2 bên và được thực hiện dựa trên quyền của người lao động. Việc người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần lý do nhằm đảm bảo trên quyền của người lao động được tự do làm việc. Người lao động muốn nghỉ cần phải đảm bảo thời gian báo trước cho chủ sử dụng lao động để đơn vị đảm bảo kế hoạch sản xuất của mình.
Đối với trường hợp là ngành nghề đặc thù, trong quá trình đào tạo, đơn vị có thể thỏa thuận với người lao động về thời gian, chi phí đào tạo để có thể giữ chân người lao động. Việc giữ chân đó không chỉ dựa trên quy định của pháp luật mà còn là chế độ đãi ngộ riêng của doanh nghiệp trong việc tạo dựng môi trường làm việc thích hợp cho người lao động.
Phát biểu tại buổi giao lưu, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn lao động thành phố Đặng Thị Phương Hoa ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những cố gắng, nỗ lực của báo Lao động Thủ đô trong việc thường xuyên phối hợp với các Công đoàn cấp trên cơ sở, trong đó có Liên đoàn lao động quận Hai Bà Trưng để tổ chức các buổi giao lưu trực tuyến nhằm trang bị, nâng cao kiến thức pháp luật cho đoàn viên, công nhân viên chức lao động.
Phó Chủ tịch Thường trực Đặng Thị Phương Hoa đề nghị các đoàn viên, công nhân viên chức lao động thẳng thắn, mạnh dạn nêu nhiều câu hỏi là những vấn đề còn băn khoăn, vướng mắc với các chuyên gia để hiểu rõ, hiểu kỹ và thực thi tốt chính sách pháp luật.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch Thường trực Đặng Thị Phương Hoa đề nghị báo Lao động Thủ đô tiếp tục phối hợp với các Liên đoàn lao động quận, huyện, thị xã, công đoàn ngành tổ chức thêm nhiều các buổi giao lưu trực tuyến, tạo kênh thông tin thiết thực, hữu ích cho người lao động cập nhật kiến thức pháp luật, để tự bảo vệ mình trong quan hệ lao động.