Ra mắt cuốn sách "Giá ngày tháng ấy có người hiểu tôi"
Khám phá khả năng cải thiện sức khỏe con người trong cuốn sách "Bí ẩn của nước" |
Trở lại sau 4 năm với đề tài trầm cảm - một đề tài nhiều mảng tối góc khuất, Lê Nguyễn Nhật Linh - tác giả của cuốn sách bán chạy "Đến Nhật Bản để học về cuộc đời" sẽ mở ra một thế giới dữ dội cảm xúc và sống động hình ảnh qua từng câu chữ.
Bìa cuốn sách "Giá ngày tháng ấy có người hiểu tôi" |
"Trầm cảm là một lưỡi dao mà người cầm nó tự đâm vào mình. Tôi đào sâu những cái giếng cảm xúc trong quyển sách này, để độc giả lần lượt trèo xuống. Ở đáy có gì? Có thể không có gì chỉ đầy trống rỗng. Hoặc là rất nhiều ngạt thở!", Lê Nguyễn Nhật Linh cho biết.
Với phong cách văn chương cực thực và duy mỹ đậm đặc dấu ấn cá nhân, nếu như “Nín đi con” là một cuốn từ điển đặc biệt của cảm xúc, lật giở từng trang, đọc ngẫm từng đoạn qua các từ khóa xếp theo bảng chữ cái; Nếu như “Đến Nhật Bản học về cuộc đời” là những dòng nhật ký đẹp hơn tranh vẽ xuyên suốt ngang dọc bốn mùa xuân - hạ - thu - đông ở xứ sở mặt trời mọc... thì “Giá ngày tháng ấy có người hiểu tôi...” là cuốn sách dày đặc những tâm trạng sâu kín nhất muốn che giấu nhất của con người.
Trong đó có sự u uất, sự tuyệt vọng, sự gục ngã, sự dồn tận của cô độc. Cuốn sách như một tiếng vang, để nhiều người hiểu hơn về căn bệnh tâm lý “trầm cảm” để đồng cảm hơn với nhau, để học cách sẻ chia và “thấu hiểu người khác cũng là hiểu thấu hơn chính mình”.
Những biến cố giống như giông tố, có người chống chọi bám rễ, có người bị bật gốc ngã đổ, chúng ta không mặc áo của người khác để thấu hiểu, rộng hay chật, dễ thở hay ngạt thắt. Đó chắc chắn là một thế giới ngang ngổn rất khác tưởng tượng hoặc cũng có thể ngăn nắp bất thường, mà chúng ta không hình dung nổi nếu chỉ đứng ngoài phán xét đoán mò, dù tò mò đến mấy.
Tác giả đưa người đọc chầm chậm bước vào những thế giới đó. Lần lượt lần lượt, những thế giới, mà cô ấy khóc òa khi bị bỏ rơi, anh ấy nhẫn nhục nắm chặt những ngón tay vì thất nghiệp, ai đó ám ảnh bởi những câu chuyện yêu thương vừa đổ gãy. Ai đó thất vọng gục ngã trong những thất bại sai trái, ai đó có một vết bầm trong tâm lý từ thuở ấu thơ. Ai đó trốn chui lủi thủi sau những trận đánh đập bạo hành giữa gia đình của họ. Ai đó nức nở vì một người thân đã qua đời... Những người đó đều có một thế giới riêng, nhưng họ đều nhìn đời bằng đôi mắt trầm cảm.
Hiểu người khác, suy cho cùng cũng là để hiểu chính mình. Hiểu mình hơn, để cảm thông hơn, với ai đó, có cuộc đời đen trắng, hoàn cảnh trải nghiệm, công việc sự nghiệp, kết cục tình cảm... không giống chúng ta. Hiểu để không một ai phải nói âm thầm khi đã rất tuyệt vọng và cô độc: “Giá ngày tháng ấy, có người hiểu tôi” nhưng chúng ta bỏ qua họ như mây trôi gió thoảng. Hiểu để chúng ta không phải tiếc nuối đau khổ, vì mất đi một ai khi họ trầm cảm mà mình vô tâm, đừng đứng giữa một đám tang mới muộn màng cầu nguyện trong sự day dứt: “Giá mà người đó vẫn còn sống, như ngày hôm qua!”.