Rơm rạ, tre nứa..."thách thức để thay đổi"
Vũ Trung Kiên (sinh viên trường Đại học Sao đỏ, Hải Dương) với mô hình “Rơm rạ và bài toán xử lý”
Bài liên quan
Cùng bảo vệ môi trường với “Đổi rác lấy quà” của tuổi trẻ Hai Bà Trưng
105 dự án vào vòng bán kết cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn”
Tuổi trẻ khối Doanh nghiệp Trung ương với Ngày hội văn hóa giao thông
Thầy và trò trường Tiểu học Lê Văn Tám rạng rỡ trong ngày khai trường
Rơm rạ và quạt tích điện...
Cuộc thi đã thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia với nhiều mô hình, giải pháp sáng tạo, với mong muốn tuyên truyền mạnh mẽ trong cộng đồng, nhất là giới trẻ về các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu.
Đơn giản nhưng hiệu quả, đó là giải pháp mà Trương Thị Minh Anh (học sinh lớp 10 chuyên Pháp, trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) mang đến cho người xem tại chương trình. Với tên gọi “Tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên vô tận “năng lượng mặt trời” để dần thay thế nguồn tài nguyên hữu hạn “năng lượng hóa thạch”, giải pháp của cô học trò Hà Nội có thể dễ dàng áp dụng ở mọi nơi.
Minh Anh chia sẻ: “Thời gian trước, em thường sử dụng đèn và quạt điện để học bài buổi tối ở nhà. Thế nhưng qua tìm hiểu, em thấy rằng nước ta có nguồn năng lượng mặt trời dồi dào, từ 1.700 - 2.500 giờ/năm. Vì vậy, việc sử dụng năng lượng mặt trời không chỉ an toàn, giảm chi phí cho gia đình mà còn hạn chế ô nhiễm môi trường và góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Cô học trò Trương Minh Anh mang đến giải pháp tận dụng nguồn năng lượng mặt trời để thay thế nguồn tài nguyên hữu hạn |
Do đó, Minh Anh đã quyết định thay đổi thói quen để góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Thay vì sử dụng đèn và quạt điện như trước kia, thời gian gần đây cô học trò thực hiện ý tưởng dùng đèn và quạt năng lượng mặt trời (tích điện ban ngày để sử dụng vào ban đêm) phục vụ học tập ở nhà. Theo Minh Anh, những sản phẩm này có giá thành không quá đắt lại dễ dàng tìm kiếm trên thị trường nên mọi người có thể dễ dàng áp dụng. Càng nhiều người thực hiện theo cách thức này sẽ càng tiết kiệm được nhiều năng lượng.
Cũng với mong muốn, giảm thiểu khí thải, bảo vệ môi trường, Vũ Trung Kiên (sinh viên trường Đại học Sao đỏ, Hải Dương) đã mang đến mô hình “Rơm rạ và bài toán xử lý”. “Quê mình ở Quảng Ninh, mỗi lần về quê vào mùa vụ lại thấy các bác nông dân đốt rơm rạ. Khói bốc lên mù mịt không chỉ cản trở người tham gia giao thông mà còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Khi đó, mình đã muốn làm điều gì đó để tận dụng nguồn phế phẩm nông nghiệp” – Kiên kể.
Giải pháp của Kiên chính là thu gom rơm rạ để sản xuất nấm rơm và phân bón. Việc làm này sẽ mang đến nhiều lợi ích: góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, giảm tai nạn giao thông ở khu vực nông thôn, giúp xoá đói giảm nghèo, xây dựng lối sống văn minh và nâng cao đời sống cho người nông dân.
Trong đó, điểm nổi bật của giải pháp chính là xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ bằng chế phẩm sinh học. Sau khi ủ thành công, phân hữu cơ sẽ được phát miễn phí cho bà con nông dân, góp phần làm giảm tình trạng sử dụng chất kích thích, phân vô cơ trên đồng ruộng, làm lợi cho nguồn đất. Hiện Kiên hiện thực hóa ý tưởng tại xã Thái Dương (huyện Bình Giang, Hải Dương) và được người nông dân nhiệt tình hưởng ứng.
Thùng rác tre nứa
Đó chỉ là hai trong số rất nhiều giải pháp, mô hình sáng tạo được các bạn trẻ gửi về tham dự Cuộc thi ảnh “Thách thức để thay đổi”. Theo Ban tổ chức trong thời gian diễn ra cuộc thi đã xuất hiện những chủ đề gần gũi, hành động nhỏ nhưng giá trị giáo dục và nhân rộng cao. Nhiều mô hình, giải pháp được cộng đồng mạng đánh giá cao và chia sẻ rộng rãi, trở thành tư liệu áp dụng tại địa phương.
Điển hình như, tác phẩm “Trồng rừng ven biển” của tác giả Thang Hoàng Nên tạo bức tường chắn sóng, giữ đất, tạo điều kiện cho trầm tích bồi tụ nhanh hơn, bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng trước sự tác động của biến đổi khí hậu. Tuổi trẻ xã Sơn Viên (huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) lại chế tạo thùng rác con cá làm bằng tre nứa đặt tại các điểm đen về rác và bờ biển để nhân dân bỏ rác thải nhựa.
Với việc thu gom rơm rạ làm phân hữu cơ không chỉ giảm ô nhiễm môi trường mà còn tăng kinh tế cho người nông dân |
Mô hình “Tấm lợp sinh thái từ vỏ hộp sữa” của Chi đoàn trường mầm non Ban Mai (phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh) cũng nhận được đánh giá cao. Theo đó, cô trò trường Ban Mai sẽ thu gom vỏ hộp sữa làm tôn sinh thái lợp nhà tặng cho trẻ em vùng cao, vùng khó khăn…
Rất nhiều tác phẩm dự thi như: dọn rác khơi thông dòng chảy, tránh ô nhiễm nguồn nước; tuyên truyền trực quan; tái chế rác thải; thay đổi thói quen hằng ngày; sử dụng năng lượng sạch và tích kiệm năng lượng; các giải pháp, mô hình giảm ô nhiễm đất và nguồn nước; sử dụng thực vật cộng sinh và chống xói mòn đất; trồng cây phủ xanh, trồng rừng ven biển chống xâm ngập mặn; dọn rác bờ biển chống ô nhiễm biển; chống cháy rừng đã làm lay động người xem.
“Cuộc thi đã thực sự tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các bạn trẻ. Đặc biệt, những ý tưởng, mô hình, giải pháp hay sẽ là gợi ý để cơ quan chức năng triển khai trong thực tế nhằm chống biển đổi khí hậu” – đại diện Ban tổ chức cho biết.
* Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2019