Rộn ràng trung thu ở các quốc gia Châu Á
Hàn Quốc
Tết trung thu ở Hàn Quốc có tên gọi là Tết Chuseok, một trong hai ngày Tết truyền thống lớn nhất tại xứ sở kim chi. Chuseok nghĩa đen là đêm mùa thu, là đêm trăng rằm đẹp nhất trong năm.
Vào ngày lễ truyền thống này, người dân Hàn Quốc được nghỉ 3 ngày từ 14 đến 16/8 âm lịch để về quê thăm gia đình và viếng mộ tổ tiên. Ảnh: Yonhap |
Songpyeon - bánh làm từ bột gạo và có hình trăng khuyết là loại bánh truyền thống được ăn vào dịp Trung thu ở Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap |
Ngoài ra mâm cỗ trung thu còn có thịt viên áp chảo, bánh đậu xanh, rượu gạo và quả hồng. Bên cạnh đó, người Hàn cũng tổ chức nhiều trò chơi truyền thống trong ngày Trung Thu như kéo co, đấu vật, yutnori, kangkangsulle…
Trung Quốc
Trung thu hay ngày hội trăng rằm là dịp lễ lớn thứ 2 trong năm của Trung Quốc, sau Tết Nguyên Đán.
Trước đêm Trung Thu, mọi người trong gia đình, dù sống nơi đâu cũng đều quay về đoàn tụ với ông bà cha mẹ ăn bữa cơm đoàn viên, đó là ý nghĩa “song viên”, nên cũng gọi là “Tiết Đoàn Viên”. Ảnh: China Daily |
Ngoài ra còn có những hoạt động quy mô lớn như thả đèn hoa đăng, tạo nên khung cảnh đẹp rực rỡ và huyền ảo. Ảnh: Getty |
Nhiều nơi tổ chức lễ hội rước đèn lồng, múa lân và múa sư tử hay các hoạt động ca múa nhạc chào mừng Tết Trung thu hút lượng lớn người xem.
Nhật Bản
Khác với nhiều quốc gia châu Á, Tết Trung thu ở Nhật Bản được tổ chức 2 lần mỗi năm, là ngày 15/8 âm lịch và ngày 13/9 âm lịch. Ngày lễ đầu tiên được gọi là Zyuyoga, gắn liền với phong tục ngắm trăng Otsukimi “Đêm 15”. Lần thứ hai tổ chức là Zyusanya được gọi là “đêm 13″ hay “trăng sau”.
Nếu như người Việt Nam tưởng tượng trên cung trăng có cây đa và chú Cuội, thì người Nhật Bản tin rằng có một chú thỏ đang sinh sống trên vương quốc của thần Mặt trăng và đến đêm Otsukimi lại giã bột làm bánh dày mochi.
Vào ngày này, người dân Nhật Bản thường chuẩn bị mâm cỗ với các loại bánh truyền thống, dưa hấu, hạt dẻ và đủ các loại hoa quả được bày biện đẹp mắt. Bên cạnh đó, người Nhật thường dùng cỏ susuki – một loại cỏ gắn với mặt trăng để trang trí trong nhà.
Bánh tsukimi-dango một loại bánh dầy hình tròn màu trắng tượng trưng cho mặt trăng thường được làm vào ngày Tết trung thu tại xứ sở hoa anh đào. Nguồn: Alamy |
Ngoài ra, trẻ em Nhật Bản cũng được rước đèn (thường là đèn lồng cá chép) trong ngày này. Còn người lớn thưởng trăng, uống rượu và làm thơ. Nguồn: Alamy.com |
Singapore
Là nơi hội tụ của nhiều luồng văn hóa khác nhau, trong đó số lượng người Hoa cũng chiếm phần đông ở quốc gia này. Chính vì thế, ngày Tết Trung Thu không còn giới hạn trong khu phố Tàu mà còn lan rộng ra cả nước. Vào ngày Tết Trung thu, người dân Singapore gửi những lời chúc, món quà may mắn tới người thân, bạn bè và đối tác kinh doanh. Một trong những món quà được sử dụng nhiều nhất là bánh Trung thu.
Không khí trung thu tại Đảo quốc sư tử. Nguồn: Little day out |
Một trong những nơi tổ chức ngày Tết này rầm rộ nhất là khu phố của người Hoa. Tại đây, người ta bán đèn lồng và các vật dụng liên quan đến ngày Trung thu. Thông thường, hoạt động này được tổ chức trước đó hàng tháng trời.
Việt Nam
Theo các nhà khảo cổ học, Tết Trung thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ.
Tại nước ta, có rất nhiều những truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian về nguồn gốc ra đời của ngày Tết Trung thu như: Chuyện nhà vua dạo chơi cung trăng vào Rằm tháng Tám, sự tích chị Hằng Nga, sự tích chú Cuội, sự tích Thỏ Ngọc…
Đồ chơi trung thu được bày bán ở nhiều nơi vào dịp trung thu tại Việt Nam. Ảnh: AFP |
Theo phong tục người Việt, người lớn thường chuẩn bị mâm cỗ (bánh, trái…) dâng lên cúng tổ tiên, những người đã khuất. Sau đó, tất cả các thành viên trong gia đình đều quây quần bên nhau cùng phá cỗ, thưởng trăng.
Dịp này cũng được xem là Tết Thiếu nhi. Trẻ em các vùng miền trên cả nước được rước đèn, phá cỗ, xem múa lân, ngắm trăng… cùng bạn bè.
Ngoài những đất nước kể trên, Tết Trung thu cũng là nét văn hóa truyền thống của Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar và Triều Tiên với rất nhiều hoạt động đa dạng và nhiều màu sắc riêng.