Sản phụ sảy thai đôi vì mắc cúm A
Cúm A ảnh hưởng ra sao đến phụ nữ mang thai?
Theo thông tin của Bộ Y tế, từ đầu năm 2025 đến nay, số ca mắc cúm trong cả nước tăng nhanh nhưng không có ca tử vong. Các ca mắc cúm hiện tại ghi nhận không có sự thay đổi về độc lực, chủ yếu vẫn là cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B. Tuy nhiên, tại một số bệnh viện đã ghi nhận nhiều ca trở nặng phải thở ECMO.
Trong thời điểm bệnh cúm A đang bùng phát, các bà bầu vô cùng lo lắng việc mắc cúm sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Đáng chú ý, Viện Y học Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) liên tiếp tiếp nhận và điều trị cho nhiều phụ nữ mang thai mắc cúm A.
![]() |
Bác sĩ thăm khám cho sản phụ 7 tháng mắc cúm A. Ảnh: BVCC |
Sản phụ NTL (34 tuổi, ở Bắc Giang), thai 27 tuần, có tiền sử hen suyễn, viêm phế quản. Trước 3 ngày vào viện xuất hiện ho, khó thở, sốt liên tục kéo dài, đặc biệt khó thở tăng dần. Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai, kết quả kiểm tra cho thấy bệnh nhân nhiễm cúm A.
Bệnh nhân được nhập viện, theo dõi, điều trị tại Viện Y học Nhiệt đới. Sau điều trị bệnh nhân cắt sốt, không còn khó thở. Các bác sĩ Khoa Sản kiểm tra thai nhi phát triển bình thường.
Trường hợp khác là sản phụ TTL (32 tuổi, ở Nam Định), thai 7 tuần, có triệu chứng nghẹt mũi, khó thở, sốt cơn, nhiệt độ lên tới 39 độ C, test dương tính với cúm A. Bệnh nhân được gia đình đưa đến BV Bạch Mai để thăm khám. Sau khi thăm khám, bệnh nhân được nhập viện để theo dõi và điều trị.
Một trường đáng tiếc là bệnh nhân NTĐ (35 tuổi, ở Hải Dương), sản phụ mang thai đôi tuần 21 nhưng do nhiễm cúm A, tiến triển biến chứng nên không giữ được con.
Trước 2 tuần nhập viện, bệnh nhân sốt, ho, test dương tính với cúm A, tự điều trị tại nhà và đã cắt sốt. Sau đó bệnh nhân sốt cao trở lại, liên tục có những cơn đau, gò tử cung và ho. Bệnh nhân được người nhà đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu. Tại đây, bệnh nhân được bác sĩ chỉ định xử lý cho ra thai do không giữ được.
Tiếp đó tình trạng trở nên nguy kịch, bệnh nhân được xử trí cầm máu và chuyển cấp cứu tới BV Bạch Mai. Viện Y học Nhiệt đới là nơi tiếp nhận, bệnh nhân được đánh giá sốc nhiễm khuẩn, sảy thai đôi 21 tuần và tiến hành điều trị tích cực. Được biết, cả ba ca bệnh nêu trên, sản phụ đều không tiêm vaccine phòng cúm.
Phòng cúm A đối với phụ nữ mang thai
Theo các bác sĩ của Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cúm mùa (cúm A/H1N1, A/H3N2, cúm B) là bệnh truyền nhiễm do nhóm virus cúm Influenza gây ra và thường xảy ra vào thời điểm giao mùa thu đông hoặc đông xuân. Bệnh tiến triển lành tính, nhưng ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch… những biến chứng nặng vẫn có thể xảy ra.
Phụ nữ mang thai khó tránh khỏi các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt cúm, do thời kỳ thai sản có nhiều thay đổi về cơ thể. Nội tiết, hệ thống miễn dịch bị suy giảm so với người bình thường, dẫn đến mẹ bầu rất nhạy cảm với các tác nhân gây bệnh.
Khi mắc cúm A người bệnh thường xuất hiện triệu chứng đau đầu, sốt, ớn lạnh, ho, đau họng, đau nhức cơ khớp, mệt mỏi... Các triệu chứng không đặc hiệu có thể khiến người dân nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường.
Thông thường trong điều trị cúm, bệnh nhân sẽ hết sốt trong vòng 24 - 48 giờ. Tuy nhiên với những đối tượng như phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người cao tuổi... nếu sau thời gian này vẫn không cắt sốt hoặc xuất hiện các triệu chứng như khó thở, tức ngực, viêm phổi thì cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
![]() |
Bác sĩ khuyến cáo mọi người cần chủ động tiêm phòng chống cúm trước khi mang thai hoặc trong thời gian mang thai đều sẽ không ảnh hưởng tới thai nhi |
Theo PGS. TS Đỗ Duy Cường, Viện Y học Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), virus cúm khiến thai nhi có nguy cơ cao bị dị tật (đặc biệt trong vòng 3 tháng đầu của thai kì). Khi sốt cao kết hợp với độc tính virus, mẹ bầu có thể bị kích thích co bóp tử cung gây sảy thai, sinh non, thai chết lưu… Ngoài ra, mẹ bầu bị cúm cũng có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh ở thai nhi như tim bẩm sinh, sứt môi - hở hàm ếch, khiếm khuyết cơ thể, rối loạn tâm thần do não bị tổn thương…
"Tuy nhiên, không phải phụ nữ mang thai nào mắc bệnh cúm cũng ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Việc dùng thuốc đúng cũng rất quan trọng khi mẹ bầu mắc cúm. Tuyệt đối, phụ nữ mang thai không được tự ý dùng thuốc. Để đảm bảo an toàn, mẹ bầu cần đến các cơ sở y tế để khám ngay khi có những triệu chứng như sốt, ho, hắt hơi, nghẹt mũi, đau đầu", PGS. TS Đỗ Duy Cường nhấn mạnh.
Trong khi đó, vaccine phòng cúm an toàn với phụ nữ mang thai. Do đo, mọi người cần chủ động tiêm phòng chống cúm trước khi mang thai hoặc trong thời gian mang thai đều sẽ không ảnh hưởng tới thai nhi.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Tổ chức tốt cấp cứu, khám chữa bệnh dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Việt Nam dồn tổng lực loại trừ sốt rét trước năm 2030

Làm rõ nguyên nhân mẹ con sản phụ tử vong ở bệnh viện

Tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn

Cứu sống bệnh nhân sốc thuốc huyết áp bằng kỹ thuật ECMO

Quảng cáo “lố”, Viện thẩm mỹ Lavender by Chang tiếp tục bị xử phạt

Siết chặt kiểm tra mỹ phẩm trên các sàn TMĐT và mạng xã hội

Giám sát thực hiện các quy định pháp luật trong khám chữa bệnh

Hà Nội triển khai đánh giá chất lượng bệnh viện
