Sáng 28/4, Việt Nam không có ca mắc Covid-19, thế giới thêm hơn 718.000 ca
Tính đến 6h ngày 28/4: Việt Nam có tổng cộng 1571 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 911 ca.
Tính từ 18h ngày 27/4 đến 6h ngày 28/4, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới.
Sáng 28/4, Việt Nam không thêm ca mắc Covid-19, thế giới thêm hơn 718.000 ca |
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 38.520, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 523; Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 23.189; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 14.808.
Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, số ca âm tính với SARS-CoV-2: Lần 1: 13; Lần 2: 15; Lần 3: 20; Số ca tử vong: 35 ca; Số ca điều trị khỏi: 2.516 ca.
Thế giới đã ghi nhận hơn 148,48 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 3,13 triệu trường hợp tử vong và 126,1 triệu bệnh nhân đã bình phục. Trong 12 giờ qua, số ca mắc của thế giới tăng 718.326 ca, tử vong tăng 10.796 ca.
Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp với số ca mắc cao và lây lan diện rộng tại các quốc gia như Mỹ, Ấn Độ, Ba Lan và Brazil.
Tâm điểm dịch vẫn là Ấn Độ, với số ca mắc mới trong 24 giờ qua ghi nhận ở mức rất cao - hơn 323 nghìn ca, trở thành ngày thứ 6 liên tiếp có số ca nhiễm mới trên mức 300 nghìn ca/ngày.
Chính phủ Ấn Độ đã ra lệnh cho các lực lượng vũ trang hỗ trợ giải quyết tình trạng gia tăng số ca mắc Covid-19 đang khiến các bệnh viện quá tải.
Chính quyền bang Karnataka, miền Nam Ấn Độ, đã quyết định áp đặt lệnh phong tỏa từ ngày 27/4 trong vòng 2 tuần do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Nhiều nước trên thế giới, trong đó có Thái Lan, Malaysia và Úc đã thông báo tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ Ấn Độ do lo ngại nguy cơ cao lây lan dịch bệnh.
Tại Trung Quốc, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đã đưa ra những khuyến cáo về y tế và công tác phòng chống dịch Covid-19 đối với người dân cả nước trong bối cảnh cơn sốt du lịch dự kiến lên tới cao trào trong kỳ nghỉ lễ 5 ngày nhân dịp ngày Quốc tế Lao động 1/5 sắp tới, với lưu lượng hành khách dự kiến đạt 250 triệu lượt người.
Trung Quốc khuyến cáo những người trở về sau chuyến du lịch nên cách ly trong 14 ngày và phải đề phòng để tránh lây nhiễm cho người khác. Nếu có các triệu chứng mắc Covid-19, người dân nên đi khám kịp thời và thông báo cho bác sĩ về lịch sử đi lại của mình.
Đông Nam Á đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm Covid-19 nghiêm trọng tại 3 quốc gia vốn được coi là khá an toàn và hiệu quả trong việc phòng chống đợt dịch bùng phát đầu tiên vào năm ngoái là Lào, Campuchia và Thái Lan.
Chiều 26/4, Ban Chỉ đạo Quốc gia Lào về phòng chống dịch Covid-19 thông báo nước này ghi nhận thêm 113 ca mắc mới. Đây là lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh xuất hiện, Lào ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 trong ngày ở mức 3 con số.
Tổng số ca bệnh Covid-19 ở Campuchia đã vượt mốc 10.000 sau khi nước này có thêm 580 ca nhiễm trong ngày 26/4. Phần lớn số ca bệnh liên quan tới sự cố lây nhiễm cộng đồng hôm 20/2. Chính phủ Campuchia đã thông báo gia hạn lệnh phong tỏa thêm 7 ngày tại thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmao đến ngày 5/5 tới để ngăn chặn đà lây lan của dịch Covid-19.
Tại Thái Lan, thủ đô Bangkok đang là tâm điểm của làn sóng dịch Covid-19 thứ ba ở nước này với 9.076 ca mắc mới từ đầu tháng này, gấp ba lần so với điểm nóng thứ hai là tỉnh Chiang Mai.
Chính quyền Bangkok đã ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang nhằm giảm dần số ca mắc mới Covid-19 ở thành phố này, đồng thời yêu cầu đóng cửa 31 loại hình kinh doanh trong hai tuần kể từ ngày 26/4.
Ngày 26/4, Bộ Y tế Philippines (DOH) thông báo tổng số ca mắc Covid-19 tại quốc gia này đã vượt mức 1 triệu ca trong bối cảnh số ca mắc mới tiếp tục tăng mạnh. Cụ thể, Philippines ghi nhận thêm 8.929 ca mắc mới và 70 ca tử vong trong ngày 26/4, theo đó tổng số ca tử vong do Covid-19 nâng lên 16.853 ca.
Từ 17/1/2021 đến nay, tổng số ca mắc Covid-19 tại Philippines tăng gấp đôi từ mức 500.000 ca lên mức hơn 1 triệu chỉ trong 3 tháng. Số ca mắc bệnh tăng mạnh trong tháng 3 vừa qua, vượt cả mức đỉnh của làn sóng dịch bệnh ghi nhận hồi tháng 8/2020.
Liên quan đến vắc xin phòng Covid-19, ngày 26/4, Mỹ thông báo sẽ chia sẻ 60 triệu liều vắc xin AstraZeneca phòng Covid-19 với các nước khác.
Mỹ hiện có sẵn hàng triệu liều vắc xin AstraZeneca vốn chưa được cấp phép sử dụng trong nước, song nhiều quốc gia khác đã cho phép và sử dụng. Loại vắc xin này có thể đóng một vai trò quan trọng trong bối cảnh gia tăng mạnh số ca nhiễm ở nhiều nước, đặc biệt là ở Ấn Độ.