Sáng ngời phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong phòng, chống dịch Covid-19
Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2020), cùng nhìn lại những cống hiến, hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ thuộc Lực lượng Vũ trang Thủ đô trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh bùng phát giữa lòng Hà Nội.
Tinh thần “chống dịch như chống giặc”
Cho đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã trải qua 2 đợt bùng phát dịch Covid-19. Nhiều người dân đã có một đêm không ngủ khi 21h30 ngày 6/3/2020, Bộ Y tế phát đi thông tin xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Thủ đô. Ngay khi đó, thực hiện nhiệm vụ do Bộ Quốc phòng và UBND TP Hà Nội giao, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã thành lập bộ máy, tổ chức quản lý, vận hành và phục vụ tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn; Đồng thời, bảo đảm xe vận chuyển đưa đón, hậu cần, phục vụ người cách ly; nhận và bàn giao người cách ly đúng quy định.
Nêu cao tinh thần "Vì Nhân dân phục vụ", khi đó, dù vợ mới sinh con thứ hai chưa được 2 tuần nhưng Thiếu úy Đặng Phi Long, nhân viên quân y Tiểu đoàn 24, Sư đoàn 301 (Bộ Tư lệnh Thủ đô) đã tình nguyện ở lại cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ. Còn Đại úy Vũ Văn Mừng (lái xe) và vợ là Thiếu tá Trần Thị Nhâm, nhân viên quân y tại Sư đoàn 301 đã phải gửi con về quê ở tỉnh Hải Dương từ nhiều ngày để yên tâm làm nhiệm vụ tại khu cách ly tập trung do đơn vị được giao phụ trách.
Khó khăn lớn nhất trong đợt cách ly khi ấy tại trường Quân sự (Bộ Tư lệnh Thủ đô) là số công dân từ nước ngoài về nước thường vào ban đêm nhiều nên những ngày đầu bộ phận phục vụ phải thức trắng đêm để làm việc. Trong khi đó, bộ phận hậu cần thường phải làm việc từ 2, 3 giờ sáng đến 18 giờ tối để bảo đảm nhiệm vụ nấu ăn phục vụ người cách ly đủ 3 bữa/ngày.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô vào tháng 3/2020, với áp lực du học sinh và công dân Việt Nam về nước số lượng lớn song với “nghĩa đồng bào”, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, TP Hà Nội sẵn sàng nhận nhiệm vụ thực hiện tiếp nhận, cách ly 20.000 công dân về nước.
Bộ Tư lệnh Thủ đô đã phải chủ động làm việc với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đại học trên địa bàn để chuẩn bị cơ sở vật chất để có thể thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Song song đó là triển khai đồng bộ, toàn diện, quyết liệt và hiệu quả công tác phòng chống dịch để cố gắng ở mức cao nhất, không để cán bộ, chiến sĩ toàn quân, các y bác sĩ bị lây nhiễm chéo và luôn đảm bảo đủ sức khỏe để phòng, chống dịch Covid-19.
Trong cuộc phòng, chống Covid-19 của TP Hà Nội chưa bao giờ thiếu vắng hình ảnh chiến sĩ mang quân hàm xanh của Bộ Tư lệnh Thủ đô |
Trong thời gian chống dịch vừa qua, chúng ta đã thấy biết bao hình ảnh, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” được thể hiện sinh động trong thực tiễn. Đó là tinh thần trách nhiệm quả cảm của Bộ đội Hóa học tiến hành tiêu độc, tẩy trùng phạm vi rộng ở những nơi được coi là “ổ dịch” như phường Trúc Bạch, quận Ba Đình; Bệnh viện Bạch Mai; Thôn Hạ Lôi, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội,… hoặc nhiều hình ảnh những thầy thuốc quân y làm việc quên mình với trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tính sáng tạo cao trên tuyến đầu “chống giặc Covid-19”.
Đó còn là những việc làm thầm lặng rất đỗi bình dị, chu đáo, trách nhiệm, thắm đượm tình người của cán bộ, chiến sĩ Quân đội đối với những người dân ở khu cách ly tập trung. Bất kể đó là công dân Việt Nam hay người nước ngoài họ đều nhận được sự chăm sóc sức khỏe tốt nhất, những cơ sở vật chất đầy đủ và tiêu chuẩn văn hóa tinh thần cao nhất.
Là một trong những người nước ngoài thực hiện cách ly tại Trường Quân sự, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, anh Gavin Wheeldon (quốc tịch Anh) đã từng bày tỏ cảm xúc, lòng biết ơn tới Việt Nam: “Họ đóng góp rất nhiều nỗ lực để đảm bảo an toàn cho mọi người. Họ làm việc rất nhiều mà không kêu ca, luôn luôn nở nụ cười. Điều đó truyền cho tôi rất nhiều cảm hứng và tôi muốn nói lời cảm ơn tới tất cả mọi người, tất cả những ai đang chiến đấu với dịch, tất cả những người ủng hộ, tất cả những người đang làm việc vất vả, tự nguyện dấn thân vào đối mặt với hiểm nguy. Gửi tới những người lính, các bác sĩ và các tình nguyện viên, tôi muốn cảm ơn tất cả mọi người”.
Lực lượng vũ trang Thủ đô xác định đi đầu trong phòng, chống dịch Covid-19
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ, giải pháp cấp bách công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Tư lệnh Thủ đô hồi tháng 7/2020, Thiếu tướng Đỗ Thái Sơn, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bộ Tư lệnh Thủ đô khẳng định, lực lượng vũ trang Thủ đô luôn xác định là đội ngũ đi đầu của thành phố trong công tác phòng, chống dịch. Các đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận, cách ly công dân đẩy mạnh công tác giáo dục tư tưởng, động viên bộ đội nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; Không để xảy ra lây nhiễm chéo và dịch bệnh tại đơn vị.
Lực lượng vũ trang Thủ đô tiếp tục xác định đi đầu trong phòng, chống dịch Covid-19 |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi dự và chỉ đạo buổi làm việc trực tuyến với 50 điểm cầu trong toàn quân về công tác phòng, chống dịch Covid-19 hồi tháng 3/2020 đã nhấn mạnh: “Quân đội Nhân dân Việt Nam luôn là trụ cột của quốc gia, đặc biệt là khi đất nước lâm nguy, giặc giã, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm thì vai trò chủ đạo, tính chất nòng cốt của Quân đội càng được thể hiện rõ và phát huy mạnh mẽ. Quân đội Nhân dân Việt Nam là Quân đội Anh hùng”.
Đó chính là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và Nhân dân về những đóng góp đặc biệt xuất sắc của Quân đội; Đồng thời, cũng là giá trị phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 hiện nay. Mặc dù diễn biến của đại dịch Covid-19 còn rất phức tạp nhưng từ thực tiễn có thể khẳng định, sự đóng góp của Quân đội là vô cùng quan trọng vào thắng lợi bước đầu trên mặt trận “không khói súng” nhưng không kém phần hiểm nguy, ác liệt này.