Sáng tác trinh thám và những câu chuyện hậu trường
Các diễn giả trong một buổi tọa đàm về sách trinh thám
Bài liên quan
Thúy Hạnh làm giám khảo sơ tuyển tại "vùng đất Hoa hậu"
Xẩm Hà Thành phát thông điệp "Rượu bia tối kỵ lái xe"
Tường thuật trực tiếp chương trình nghệ thuật đặc biệt “Tháng 5 ơn Người”
Triển lãm và toạ đàm hưởng ứng chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”
Tuy nhiên theo nhà báo Hải Đăng – một trong bốn khách mời của tọa đàm “Sáng tác trinh thám – Chuyện hậu trường” do BachvietBook tổ chức mới đây thì con số này vẫn chưa thấm vào đâu so với các hội đọc sách ngôn tình, đam mỹ,...
Đã vậy, độc giả Việt chủ yếu thích truyện trinh thám nước ngoài hơn là trong nước. Sức ảnh hưởng của các tác giả như Conan Doyle, Agatha Christie, và sau này thì có Dan Brown, Jeffery Deaver,... tới độc giả Việt mạnh mẽ và sâu sắc hơn chính các tác giả Việt.
Mặc dù trong nền văn học trinh thám Việt có một vài cái tên nổi bật như Thế Lữ, Phạm Cao Củng, Bùi Huy Phồn, Nam Đình... nhưng có thể nói văn học trinh thám Việt đến nay vẫn chưa có những người thầy đi trước thật sự mang lại một dấu ấn đậm nét.
Nhất là sau năm 1954, dòng văn học trinh thám Việt đi theo hướng yêu nước nên bị quy hẹp rất nhiều, chủ yếu về các mảng đề tài như phản gián, chống gián điệp. Chính điều này cũng khiến văn học trinh thám Việt Nam thiếu đi những sắc màu mới mẻ, bị đứt gãy trong một thời gian dài, tới gần đây mới bắt đầu manh nha phát triển trở lại với sự xuất hiện các tác giả trẻ.
Cùng chia sẻ với nhà báo Hải Đăng trong buổi tọa đàm “Sáng tác trinh thám – Chuyện hậu trường” còn có ba khách mời khác gồm: nhà văn Nguyên Trường, nhà văn Đức Anh và Admin Nam Đỗ (Hội thích truyện trinh thám). Buổi tọa đàm đã đi sâu vào chủ đề các công thức viết truyện trinh thám của các tác giả nước ngoài, cũng như bàn về trinh thám Việt Nam thời hiện tại.
Nói về công thức trong sáng tác văn chương, nhà văn Đức Anh đã dẫn lời tác giả trinh thám nổi tiếng Jeffery Deaver từng trả lời trên The Newyork Times, cho rằng vẫn luôn có công thức trong việc viết lách, tuy nhiên công thức không phải để chúng ta áp vào đó, mà đó là một dạng công cụ để chúng ta linh hoạt hơn trong sáng tạo.
Ví như trong dòng trinh thám đen được chia ra nhiều nhánh nhỏ như mystery (bí ẩn), thriller (kinh dị), crime (trinh thám hình sự)... Mỗi nhánh đều có công thức điển hình riêng, giúp người đọc dễ dàng nhận diện, cũng như cấu thành nên phong cách viết của từng tác giả khác nhau. Như trong thể loại mystery đòi hỏi bạn phải có ngay vụ án từ trang đầu, xuyên suốt cuốn sách và chỉ được giải đáp ở những trang cuối cùng.
Thám tử trong mystery thường là những người không có rắp tâm điều tra án, nhưng vì lý do nào đó mà bị kéo vào vụ việc. Trong khi đó, với dòng thirller, nhân vật chính thường gặp một biến cố trong đời, đẩy anh ta vào thế lưỡng nan, và rồi chính những lựa chọn sai lầm liên tiếp sẽ khiến anh ta gặp nguy hiểm.
Còn với dòng crime, mô típ chung thường gặp chính là kẻ giết người tạo ra hàng loạt vụ án, với những manh mối để lại, người thám tử sẽ lần theo dấu vết để tra án. Công thức với dòng crime chính là trong một tác phẩm sẽ có hai, ba cốt truyện phụ, được kể xen kẽ và đến giữa truyện, các tuyến nhân vật, các tình tiết của nhiều cốt truyện phụ sẽ có điểm gặp gỡ, tạo ra những nghi kị.
Nói về cách “nhào nặn” ra một tác phẩm hay, Jeffery Deaver từng chia sẻ một công thức với 5 bước gồm: Ý tưởng, viết storyline, viết đề cương câu chuyện với các câu chuyện phụ, nghiên cứu kiến thức cho cuốn sách, lên đề cương chi tiết. Với nhà văn Stephen King thì lại không quan trọng đến công thức lắm, ông quan tâm đến câu chuyện hơn là những đoạn bước ngoặt trong tác phẩm.
Trong khi đó nhà văn Nguyên Trường (tác giả cuốn “Bí ẩn làng ma sói”) cho rằng viết trinh thám là đi tìm lời giải cho một câu đố với nhiều “sương mù” khiến độc giả đi lạc trong những manh mối được tác giả “giăng” ra. Theo quan điểm của anh, sáng tạo thì không có công thức, vì có công thức thì không còn được gọi là sáng tạo nữa.
Khán giả chăm chú nghe các chuyện hậu trường về sáng tác trinh thám |
Còn anh Nam Đỗ (Admin 4T) lại lấy dẫn chứng về Agatha Christie – một tác giả trinh thám nổi tiếng đình đám trong giới văn học đã luôn sáng tạo không ngừng nghỉ. Suốt cuộc đời, bà viết được khoảng 70 truyện trinh thám, mỗi một truyện, bà đều tâm huyết tìm tòi ra những phong cách sáng tạo mới mẻ khiến độc giả không bao giờ bị “ngấy”. Trong khi đó, cùng thời với bà có nhà văn trinh thám sáng tác theo kiểu “mì ăn liền” chỉ cần ba ngày vạch ra cốt truyện, viết trong ba ngày là xong một cuốn sách 300 trang.
Cũng trong buổi tọa đàm, các diễn giả cũng đặt ra sự quan trọng của trinh thám đen trong nền văn học, khi thể loại này đề cập đến những vấn nạn trong xã hội, những tệ nạn, cũng như những vấn đề tâm lý mà hiện nay nhiều người mắc phải như: đa nhân cách, rối loạn ám ảnh cưỡng chế,...
Tuy nhiên để văn học trinh thám Việt Nam có chỗ đứng, sẽ cần rất nhiều cố gắng từ chính những tác giả trong việc tìm tòi tài liệu, phản ánh được chân thực bức tranh đời sống đương đại với những vấn đề nhức nhối trong xã hội, đồng thời cũng là bài toán truyền thông dành cho các công ty sách và sự ủng hộ từ chính các độc giả dành cho những cây bút trinh thám Việt Nam.
Một khi cộng đồng độc giả luôn lấy những tiêu chí, chuẩn mực khi đọc trinh thám của các nhà văn nước ngoài đòi hỏi các cây bút Việt cũng phải đạt được “tầm cao” tương đương thì sẽ rất khó để dung dưỡng các nhà văn trẻ theo đuổi đến tận cùng giấc mơ xây dựng một nền văn học trinh thám vững mạnh và có chiều sâu.