Siêu mẫu nổi tiếng thế giới nói gì về nữ quyền trong “Thân em”?
Siêu mẫu Võ Hoàng Yến - vedette bộ sưu tập “Bông" Nguyễn Phạm Hà Linh là Á quân 1 Siêu mẫu nhí toàn năng Wakai và hơn 300 thí sinh Siêu mẫu nhí Việt Nam toàn cầu mùa 2 |
Ai có quyền định nghĩa cái đẹp?
Trong cuốn hồi ký này, Emily Ratajkowski đã lấy chính nghề nghiệp người mẫu, diễn viên của mình làm tiền đề thảo luận. Xuyên suốt mười hai chương sách, Ratajkowski đã trải lòng về những trải nghiệm bị xâm hại quyền làm chủ cơ thể. Lần đầu tiên, nữ người mẫu công bố chi tiết câu chuyện bị quấy rối trong buổi quay video âm nhạc với hơn 800 triệu lượt xem “Blurred Lines”, giao dịch ngầm giữa giới đại gia và người mẫu, hay việc bị các nhiếp ảnh ngang nhiên rao bán hình của mình…
Cuốn hồi ký “Thân em” - tiếng nói đanh thép về quyền kiểm soát cơ thể của phụ nữ |
Emily Ratajkowski sinh năm 1991, là nữ siêu mẫu nổi tiếng người Mĩ. Bắt đầu bước chân vào giới giải trí từ năm 14 tuổi, cô đã khẳng định mình là một tài năng đa diện khi gặt hái được nhiều thành công trên các lĩnh vực người mẫu, phim ảnh và kinh doanh. Hiện cô sở hữu hơn 30 triệu người theo dõi trên Instagram cá nhân và thương hiệu thời trang @inamoratawoman; thường xuyên xuất hiện trên trang bìa của nhiều tạp chí; đại diện cho các hãng thời trang cao cấp như Versace, Marc Jacobs, Dolce and Gabbana… cũng như tham gia vào những dự án phim ảnh nổi danh như "Cô gái mất tích". |
Thông qua các câu chuyện cá nhân, Emily Ratajkowski đã thẳng thắn chất vấn các thiết chế và định kiến xã hội chi phối quyền làm chủ cơ thể của phụ nữ: Ai có quyền định nghĩa cái đẹp? Ai là người có quyền định đoạt hình ảnh cơ thể của một người phụ nữ? Truyền thông đóng vai trò thế nào trong việc điều khiển tiêu chuẩn chung về khuôn mẫu cái đẹp?...
Có lẽ điểm độc đáo nhất của cuốn sách chính là cái nhìn bộc trực của tác giả về khuynh hướng nội hoá những định kiến của xã hội gia trưởng trong chính giới nữ, ở những giai đoạn, thế hệ khác nhau: Cách người mẹ dạy đứa con của mình về sắc đẹp (theo nhãn quan nam giới) hay cách phụ nữ so kè sức hút, vẻ đẹp với nha,...
Như vậy, chính phụ nữ cũng bị những định kiến của xã hội gia trưởng ăn sâu và vô thức trao quyền định nghĩa vẻ đẹp, giá trị của mình cho phái nam.
Bằng cách nhìn thẳng và phân tích vấn đề trên nhiều góc độ, “Thân em” nhắc nhở những người phụ nữ về quyền tự do định đoạt cơ thể và kêu gọi chúng ta cùng nhau chấm dứt tư tưởng phân biệt và kỳ thị phụ nữ vẫn còn tồn tại trong xã hội ngày nay.
Ngay khi vừa ra mắt, “Thân em” đã lọt vào danh sách New York Times Bestseller và nhận được lời khen có cánh từ các tạp chí lớn. Cuốn sách được cho là cáo trạng táo bạo, thẳng thắn gửi tới những nhân tố biến phụ nữ thành thứ hàng hoá tầm thường và khẳng định lại rằng: “Giá trị của phụ nữ phải do chính họ định đoạt”. “Thân em” chính là cuốn sách không thể bỏ qua dành cho người quan tâm đến nữ quyền, bình đẳng giới và yêu thích thể loại hồi ký chân thực.
Cách định vị bản thân trong xã hội
Dịch giả Lan Võ đã viết về cuốn sách: "Thoạt tiên, khi mới tiếp xúc với cuốn sách, tôi có một sự dè chừng nhất định. Thẳng thắn mà nói, Ratajkowski là một người phụ nữ thành công, nổi tiếng, sở hữu nhiều đặc quyền. Có lẽ chính bởi vậy, cuốn sách thiếu đi tính liên tầng trong những phân tích, thảo luận về căn tính. Dù gặp gỡ nhau ở một vài điểm nhưng câu chuyện của cô không phản ánh một “thực tế chung”, thậm chí nó có thể xa lạ với trải nghiệm của phái nữ sống ở những quốc gia có nền văn hoá hoàn toàn khác.
Sách do San Hô Books và NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành |
Song, sẽ thật thiếu sót nếu ta chỉ coi cuốn sách này là tập hồi kí của một cô siêu mẫu thành công, nổi tiếng, nhiều đặc quyền, nói cách khác là một cô gái đẹp kể khổ. Với tôi, "Thân em" là người bạn đồng hành cho những ai mong muốn nhìn lại mối quan hệ của bản thân với cơ thể, giới và tình dục, cũng như cách chúng ta định vị bản thân trong xã hội. Không ai trong chúng ta sinh ra đã có nhận thức hoàn hảo, hoàn thiện về bản thân, về giới hay quyền lực. Ratajkowski cũng không phải là ngoại lệ.
Qua mười hai câu chuyện, cô đã dũng cảm đối diện với những nghịch lí, thiếu sót, sai lầm của chính mình, dù như cô trải lòng: “Phải đối mặt với thực trạng phức tạp về địa vị của mình là một sự thức tỉnh khó khăn - thậm chí tàn bạo bởi căn tính và cách nhìn nhận thế giới của tôi bị vỡ vụn”. Không thuyết giáo hay lên giọng kẻ cả, bài học mà cô mang lại đúc kết từ chính trải nghiệm không mấy suôn sẻ, những vấp ngã trong đời tư cũng như công việc của cô. Một lần nữa, cuốn sách cổ vũ những ai đang tìm kiếm chỉ dẫn trên hành trình tỉnh thức đầy rối ren này".
Mở rộng ra, "Thân em" giúp ta khám phá sự tham gia của phụ nữ vào vòng xoáy lạm dụng và áp bức, đặc biệt là cách chúng ta củng cố nó giữa các cá nhân và thế hệ.
Từ đây, cuốn sách chất vấn một loạt các vấn đề có tính xã hội: Ai là người nắm quyền? Ai định nghĩa về cái đẹp? Ai quyết định việc liệu một người phụ nữ có đang trao quyền cho bản thân hay không khi cô ấy chụp ảnh khoả thân? Ánh mắt, cái nhìn, góc nhìn của ai là quan trọng trong việc nắm giữ quyền quyết định rằng một người phụ nữ đang được trao quyền, hay cô chỉ là một công cụ của chế độ tư bản gia trưởng? Có lẽ quan trọng nhất, phải làm gì để cùng nhau chấm dứt vòng lặp vô hình của tư tưởng phân biệt giới và kì thị phụ nữ vốn bị chủ nghĩa gia trưởng tiêm nhiễm?
Lựa chọn dịch tiêu đề là “Thân em” thay vì “Thân tôi” là một quyết định không mấy dễ dàng. Một mặt, tôi muốn nhấn mạnh lập trường, quyền tự quyết và quyền sở hữu của Ratajkowski đối với cơ thể mình qua đại từ nhân xưng “tôi”. Song sau khi cân nhắc kĩ, tôi muốn lựa chọn nhan đề “Thân em” bởi nó gợi nhắc đến một trong những văn bản đầu tiên về cơ thể nữ vừa táo bạo vừa duyên dáng mà tôi được đọc - bài thơ “Bánh trôi nước” của thi sĩ Hồ Xuân Hương:
Thân em vừa trắng lại vừa tròn,
Bảy nổi ba chìm với nước non.
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn,
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.
"Dù Ratajkowski và Hồ Xuân Hương cách xa nhau về cả thời gian lẫn không gian địa lí nhưng điểm chung của hai cây bút là họ đều viết một cách thẳng thắn và mạnh mẽ (thậm chí có phần khốc liệt) về bản thân và quá trình giành lại cơ thể của mình khỏi thế giới đang tìm cách cướp chúng từ tay họ. Vậy nên, với tư cách là dịch giả của "Thân em, tôi muốn giới thiệu đến độc giả Việt Nam cuốn sách này thông qua một cái tên thân thuộc: một cái tên đã đi vào lòng biết bao thế hệ người Việt, một cái tên gắn liền với sự táo bạo, cất lên tiếng nói trao quyền cho phụ nữ Việt giờ đây đã trở thành một biểu tượng trong giới văn học nói riêng và đại chúng nói chung.
Mong rằng cuốn sách sẽ đem lại một trải nghiệm đọc thú vị cho độc giả. Hi vọng chúng ta sẽ sớm có những thảo luận về cuốn sách trong tương lai. Cảm ơn San Hô Books, đặc biệt là đội ngũ biên tập, đã luôn sát cánh cùng tôi trong quá trình dịch cuốn sách này và cảm ơn các bạn độc giả đã chọn đọc những dòng tâm sự của Emily Ratajkowski", dịch giả Lan Võ gửi gắm.
Ratajkowski đã lấy chính sự nghiệp người mẫu, diễn viên và doanh nhân làm tiền đề để thảo luận về việc phụ nữ kinh doanh hình ảnh cơ thể của mình. Năm 2020, bài luận “Chuộc lại chính mình” của cô trên tạp chí New York đã mở ra một cuộc tranh luận rộng rãi trong công chúng về quyền sở hữu hình ảnh, trở thành tác phẩm được đọc nhiều nhất trong năm của tạp chí này. Xuất bản lần đầu năm 2021, "Thân em" - hồi kí của nữ siêu mẫu người Mĩ đã nhanh chóng lọt vào danh sách sách bán chạy nhất của Thời báo New York. |