Sinh viên và công nhân lao động nghèo lao đao trước sự "phi mã" của giá cả
Sinh viên được trả lương từ khi vào học Đại học Kinh tế Quốc dân lên phương án đón sinh viên quay lại trường “Cái nôi” hỗ trợ sinh viên Thủ đô khởi nghiệp |
Thực phẩm đua nhau nhảy giá
Tại các chợ nội thành, nơi có nhiều sinh viên thuê trọ, thời điểm hiện tại, giá thịt và rau xanh đang tăng chóng mặt. Theo đó, từ 2 tuần nay, giá thịt và rau tăng phi mã. Rau muống, rau cải, rau ngót đều có giá từ 20 đến 30 nghìn đồng/mớ. Các loại rau củ như dưa chuột bình thường có giá 20 nghìn đồng/kg, hiện nay tăng lên 40 nghìn đồng/kg.
Thịt lợn khoảng hơn 1 tuần trước giá giảm xuống còn khoảng 85 nghìn đồng/kg, hiện nay cũng đã tăng về mức giá cũ từ 110-120 nghìn đồng/kg.
Giá rau xanh, thực phẩm tăng phi mã (Ảnh minh họa) |
Một tiểu thương ở chợ Nghĩa Tân (Quận Cầu Giấy) cho biết: “Rau tăng do đợt mưa bão trước bị ngập, rau mới trồng nên chết hết, vì thế bây giờ rau khan hiếm lắm”.
Loanh quanh ở chợ mãi, trong túi nilon xánh ở tay cũng chỉ mới có 2 miếng đậu phụ, 1 mớ rau cải xanh, bạn Nguyễn Minh Huyền, sinh viên năm thứ 2, trường Đại học Văn hoá cho biết: “Trước giá thịt lợn là từ 70-80 nghìn/kg tùy loại, thế mà bây giờ tăng vọt lên đến 110.000-120.000 đồng/kg, đã thế nhiều mặt hàng rau cỏ ăn hàng ngày cũng tăng chóng mặt.
Tưởng ở lại Hà Nội xin được việc làm thêm, hóa ra không tìm được việc, với số tiền ít ỏi mà bố mẹ gửi ra, mình phải nghĩ trước, nghĩ sau xem mua gì ăn mà vẫn đủ tiền ăn cho cả tháng. Rau xanh cứ đắt thế này, chắc mình phải chia một mớ nhỏ ăn làm 2 bữa chứ không dám ăn thoải mái như trước kia”.
Ngoài các loại rau củ, thịt thà, trái cây cũng đồng loạt tăng chóng mặt khiến cho nhiều bạn sinh viên phải thay đổi sở thích, thói quen ăn vặt.
Bạn Nguyễn Thu Hà, sinh viên năm thứ hai Học viện Phụ nữ chia sẻ: “Khoảng một tuần trước mình ra chợ xong thấy “sốc”, giá rau muống đang từ 5 nghìn đồng lên luôn 22 nghìn đồng/mớ. Đã thế, trái cây như hồng, bưởi, ổi cũng tăng từ 5 đến 10 nghìn đồng/kg. Dịch bệnh đi tìm việc làm thêm để cải thiện thêm cuộc sống cũng khó, biết khó khăn thế này mình đã ở quê, dù sao cũng đang học online”.
Xăng tăng khiến nhiều mặt hàng tăng do phí vận chuyển |
Lý giải nhiều mặt hàng khác như: cá, hoa quả, đồ khô tăng, một số tiểu thương cho rằng, giá xăng tăng nên chi phí vận chuyển cũng tăng, vì thế giá cả cũng đội lên.
Sinh viên chắt bóp chi tiêu
Hiện các trường đại học đều đang học trực tuyến, dù thế vẫn có những bạn sinh viên ở lại Hà Nội để tìm việc làm thêm ngoài giờ học, cũng có bạn bị mắc kẹt từ đợt dịch nhưng chưa dám về quê vì sợ về lại phải cách ly mất nửa tháng… Bởi vậy nhiều bạn đang ở lại và cố gắng chắt bóp chi tiêu từ những đồng tiền ít ỏi của bố mẹ gửi từ quê ra.
Bạn Minh Tâm, sinh viên năm thứ 2, Học viên Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ: “Dịch bệnh khiến mẹ không có việc làm, cả nhà càng thêm vất vả khi phải gửi thêm tiền cho mình hàng tháng. Trước dịch, mình thường đi làm thêm để kiếm tiền chi tiêu cho bản thân, mẹ chỉ cho tiền học phí và thuê nhà.
Bây giờ dịch đã được kiếm soát thì mình lại mất việc. Hiện mình đành phải chờ vào 3 triệu mẹ gửi, vừa tiền nhà, vừa tiền ăn, mình phải chi tiêu dè từng đồng. Mỗi ngày chỉ dám mua 1 lạng thịt và một mớ rau...”.
Bữa cơm của sinh viên trong những ngày thực phẩm tăng gái |
Để giảm bớt chi tiêu, nhiều bạn sinh viên còn mua sẵn một thùng mỳ tôm về để thay bữa sáng thay vì đi ra ngoài ăn như mọi khi. Không ít bạn chuyển từ cơm bụi sang cơm tự nấu. Theo bạn Vương Đình Anh Tú, sinh viên Y5, Đại học Y Hà Nội, nếu như bình thường mình ăn khoảng 25 nghìn/suất cơm thì bây giờ suất cơm này rất lèo tèo. Để đủ no, Anh Tú phải ăn suất từ 30 đến 35 nghìn đồng.
“Như thế một ngày, cả bữa sáng, tôi phải ăn hết 100 nghìn đồng, đó là chưa kể, khi vào quán nhìn thấy cái này, cái kia lại mua thêm, có bữa ăn tới 50 nghìn đồng. Vì thế, để giảm bớt chi tiêu, tôi quyết định đi chợ mua thức ăn về nhà tự nấu, cả ngày tôi cũng chỉ hết có 60,70 nghìn đồng. Tiết kiệm được 1/3 so với trước đây”.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời tiết thất thường, giá cả nhiều mặt hàng tăng đột biến khiến cho cuộc sống thường ngày đảo lộn, nhiều người lo lắng.