Số phận của những du học sinh sẽ ra sao trước đại dịch Covid-19
Do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều trường đại học trên khắp nước Mỹ đã chuyển các khóa học sang hình thức hoàn toàn trực tuyến (Ảnh: Getty)
Đó là thông báo mới nhất của Cơ quan Hải quan và Nhập cảnh Mỹ (ICE) đối với du học sinh đang học tập tại xứ sở cờ hoa.
Cụ thể, ICE thông tin: “Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ không cấp thị thực cho những sinh viên theo học các trường và chương trình đào tạo hoàn toàn chuyển sang phương thức học trực tuyến trong mùa thu, cũng như Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới sẽ không cho phép những sinh viên này nhập cảnh vào Mỹ”.
Thậm chí, kể cả khi được cấp thị thực và lên máy bay đến Mỹ, các sinh viên vẫn có nguy cơ bị từ chối nhập cảnh và buộc phải quay về nếu có thay đổi đột ngột về chương trình học giữa chừng.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Theresa Cardinal Brown - Giám đốc Chính sách Di trú tại Trung tâm Chính sách lưỡng đảng cho biết vấn đề lớn hơn mà các sinh viên phải về nước đối mặt là một số quốc gia vẫn đang áp dụng lệnh hạn chế di chuyển. “Các sinh viên không thể về nhà thì họ phải làm sao. Đây là một bài toán khó đối với nhiều sinh viên”, bà nói.
Theo thống kê của Viện Chính sách Di cư có trụ sở ở Washington D.C, tính đến tháng 3/2018, có khoảng 1,2 triệu sinh viên thuộc diện ảnh hưởng đã đăng ký ghi danh theo học tại 8.700 trường trên khắp nước Mỹ.
Bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã gây ra những tác động không nhỏ đối với hệ thống giáo dục đại học trên toàn thế giới. Hầu hết các trường đều phải chuyển phương thức hoạt động đào tạo truyền thống sang hình thức từ xa, trực tuyến. Bên cạnh đó, nhiều sinh viên bị mắc kẹt ở tâm dịch.
Tại Nhật Bản, những năm gần đây, quốc gia này đón nhận số lượng lớn sinh viên quốc tế, một phần vì nỗ lực tìm kiếm lực lượng lao động có kỹ năng để bù đắp thiếu hụt lao động trong nước do tình trạng già hóa dân số.
Dịch Covid-19 khiến nhiều du học sinh gặp khó khăn (Ảnh: Tomazi) |
Theo thống kê, Nhật Bản thu hút khoảng 310.000 sinh viên quốc tế vào năm 2019, tăng từ 164.000 sinh viên của năm 2011.
Không giống nhiều nước như Mỹ và Canada, Nhật Bản cho phép sinh viên quốc tế làm việc bán thời gian lên đến 28 giờ mỗi tuần. Do đó, rất nhiều sinh viên quốc tế tại Nhật Bản du học theo hình thức tự lập, làm việc bán thời gian để kiếm tiền trang trải cuộc sống và học tập.
Theo khảo sát của Tổ chức Hỗ trợ sinh viên Nhật Bản (JASSO), 76% sinh viên các nước theo học tại Nhật tham gia công việc bán thời gian và 42% trong tổng số lao động này làm việc tại nhà hàng - một lĩnh vực thiếu hụt lao động trầm trọng tại Nhật.
Tuy nhiên, đại dịch đã thay đổi tất cả đối với những sinh viên quốc tế. Nhiều sinh viên không thể dựa đủ vào số tiền gửi từ gia đình nên buộc phải quay trở về nhà giữa mùa dịch bệnh. Nhiều sinh viên còn không đủ tiền mua vé để về nhà và cũng không đủ sống tại Nhật.
Tại một số quốc gia, do dịch Covid-19 được kiểm soát tốt hơn, tình hình dường như cũng khả quan hơn. Theo một kế hoạch thí điểm tại Australia, một số lượng sinh viên quốc tế nhất định sẽ được phép nhập cảnh vào nước này từ tháng 7 tới.
Dự kiến các sinh viên năm cuối có nhu cầu hoàn thành khóa học đúng thời hạn sẽ được ưu tiên. Tuy nhiên, các sinh viên này sau khi nhập cảnh sẽ phải cách ly trong 2 tuần và chi phí cho chuyến bay đến Australia sẽ được các trường và chính quyền các bang chia sẻ. Đại học Quốc gia Australia và Đại học Canberra dự kiến sẽ là các trường đầu tiên mở cửa đón sinh viên quốc tế trên các chuyến bay vào tháng 7.
Hai bang duy nhất tại Australia không đóng cửa biên giới là New South Wales và Victoria cũng đang lên kế hoạch đón sinh viên quốc tế trở lại học tập từ học kỳ 2, bắt đầu từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 sắp tới.
Bài liên quan
WHO cảnh báo Châu Mỹ chưa đạt đỉnh dịch Covid-19
Mỹ treo thưởng 10 triệu USD cho người bắt giữ được thủ lĩnh IS
Tâm dịch đang ở Mỹ - Latinh, số ca nhiễm ở Châu Phi vẫn tăng